Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh nguyên bào nuôi thai kỳ là khái niệm để chỉ các bệnh có liên quan tới sự tăng sinh bất thường của các nguyên bào nuôi trong thai kỳ. Bệnh nguyên bào nuôi được phân thành 2 loại là u nguyên bào nuôi và thai trứng.
1. Thai trứng là gì? Điều trị như thế nào?
1.1 Phân loại thai trứng
Thai trứng được đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của các nguyên bào nuôi. Đây là tình trạng nhau thai phát triển không bình thường. Trong đó, một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bị thoái hóa thành các túi chứa đầy dịch, dính thành chùm giống chùm nho, chiếm toàn bộ diện tích của tử cung, lấn át sự phát triển của bào thai.
Thai trứng được phân loại thành 2 dạng sau:
- Thai trứng toàn phần: Toàn bộ các gai nhau bị thoái hóa thành các bọc trứng;
- Thai trứng bán phần: Vừa có các bọc trứng trong tử cung vừa có các mô nhau thai bình thường hoặc có cả phôi, thai nhi (thường bị chết, teo đét).
Phụ nữ mang thai trứng thường bị nghén nặng, xuất huyết tử cung bất thường và tử cung to hơn so với tuổi thai. Tử cung to nhanh là do tổng khối nguyên bào nuôi quá lớn, bị thoái hóa nước. Thai phụ cũng có thể bị cường giáp, tăng huyết áp thai kỳ nhưng đây không phải là dấu hiệu thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có nang hoàng tuyến, gây căng tức bụng dưới, đi kèm khối u buồng trứng to.
1.2 Điều trị thai trứng
Ngay sau khi được chẩn đoán, phụ nữ mang thai trứng sẽ được điều trị để tránh gây nguy hiểm cho thai phụ. Việc điều trị như sau:
- Làm các xét nghiệm cần thiết: Huyết đồ, nhóm máu, Rh; điện giải; chức năng gan, thận, tuyến giáp; X-quang tim phổi thẳng và tổng phân tích nước tiểu;
- Chuẩn bị bệnh nhân: Tư vấn tình trạng bệnh cho người bệnh và thân nhân về loại bệnh, phương pháp điều trị; khám chuyên khoa các bệnh lý đi kèm; truyền máu nếu có thiếu máu nặng và xét nghiệm tiền hóa trị trước khi điều trị hóa chất;
- Hút nạo buồng tử cung: Thực hiện tiền mê hoặc gây tê cho người bệnh, sau đó nong cổ tử cung nếu (cổ tử cung đóng) rồi hút thực hiện hút thai trứng, hút sạch buồng tử cung. Tiếp theo, lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mô học, cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh và theo dõi sau hút nạo buồng tử cung. 3 ngày sau hút nạo thực hiện khám lại, nếu tử cung còn to do ứ dịch nhiều hoặc còn mô trứng thì thực hiện nạo kiểm tra lại;
- Điều trị cắt tử cung trong trường hợp bệnh nhân trên 40 tuổi, đã có đủ con và có chẩn đoán thai trứng nguy cơ cao hoặc người bị băng huyết, không kiểm soát được tình trạng chảy máu nặng từ tử cung;
- Hóa trị dự phòng cho các trường hợp thai trứng nguy cơ cao. Việc sử dụng thuốc hóa trị với liều lượng sẽ được thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Khi hóa trị, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như nhiễm độc về huyết học và tủy xương (giảm bạch cầu, thiếu máu), nhiễm độc đường tiêu hóa (viêm niêm mạc miệng, viêm dạ dày, viêm ruột hoại tử), nhiễm độc da (rụng tóc, dị ứng), nhiễm độc gan (tăng men gan);
- Theo dõi sau điều trị tại viện và được xuất viện nếu các chỉ số sức khỏe bình thường, không xuất hiện di căn;
- Áp dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian theo dõi sau thai trứng (sử dụng bao cao su, dụng cụ tử cung tránh thai, thuốc tránh thai). Thời gian theo dõi tối thiểu đối với thai trứng nguy cơ thấp là 6 tháng, đối với thai trứng nguy cơ cao là 12 tháng. Sau thời gian theo dõi, bệnh nhân có thể có thai trở lại. Khi có thai lại, cần đi khám thai ngay để đề phòng bị thai trứng lặp lại.
2. U nguyên bào nuôi
U nguyên bào nuôi được phân thành 4 dạng thường gặp sau đây:
2.1 Thai trứng xâm lấn
Khoảng 15% thai trứng diễn tiến thành thai trứng xâm lấn. Đây là tình trạng các tổ chức nguyên bào nuôi tăng sinh xâm lấn tại chỗ, xâm lấn vào cơ tử cung, có thể gây thủng tử cung hoặc chảy máu nặng. Thai trứng xâm lấn có đặc tính của ung thư là: Khả năng xâm lấn tại chỗ, di căn xa và có sự tồn tại của lông nhau.
Điều trị thai trứng xâm lấn chủ yếu là phẫu thuật: Bóc hoặc xén vùng thai trứng xâm lấn; thực hiện phẫu thuật cắt tử cung kết hợp với hóa trị.
2.2 Bệnh nguyên bào nuôi tồn tại
Chẩn đoán xác định bệnh nguyên bào nuôi tồn tại nếu beta HCG sau nạo hút thai trứng 1 tháng vẫn còn trên 20.000 mIU/ml hoặc beta HCG không giảm trong 3 tuần liên tiếp. Bệnh được xếp vào giai đoạn I của ung thư nguyên bào nuôi. Phương pháp điều trị bệnh có thể là hóa trị hoặc phẫu thuật.
2.3 U nguyên bào nuôi tại vị trí nhau bám
U nguyên bào nuôi tại vị trí nhau bám là tình trạng khối u xuất phát từ vùng nhau bám do các nguyên bào nuôi trung gian gây ra. Tình trạng này thường xảy ra sau khi điều trị thai trứng, sau khi sinh bình thường hoặc sau khi thai ngừng phát triển. Biểu hiện bệnh là rong huyết kéo dài, xét nghiệm beta HCG thấp (16 - 400mIU/ml).
Về phương pháp điều trị, nên phẫu thuật cắt u nguyên bào nuôi tại vị trí nhau bám vì khối u này không nhạy với hóa trị liệu.
2.4 Ung thư nguyên bào nuôi
Ung thư nguyên bào nuôi thường xảy ra sau thai trứng toàn phần, có thể xuất hiện sau thai trứng bán phần hoặc sau khi sinh - sảy thai. Biểu hiện bệnh là ra máu âm đạo kéo dài, khi siêu âm phát hiện khối tăng sinh mạch máu ở tử cung hoặc ở ngoài tử cung, beta HCG thường cao, dạng bình nguyên hoặc giảm chậm. Nếu ung thư nguyên bào nuôi di căn, có thể phát hiện nhân di căn âm đạo, hình ảnh bong bóng ở X-quang tim phổi. Khi giải phẫu mô nạo tử cung phát hiện tế bào nuôi dị dạng, không có hình ảnh lông nhau.
Các phương pháp điều trị ung thư nguyên bào nuôi gồm hóa trị hoặc phẫu thuật. Hóa trị được áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân, trừ một số trường hợp có vấn đề về men gan và máu. Phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật cắt tử cung (cho người không muốn có thêm con, trên 40 tuổi, bị băng huyết, vỡ nhân chorio, khó cầm máu, không đáp ứng hóa trị) hoặc phẫu thuật bảo tồn bóc/xén cơ tử cung vùng ung thư nguyên bào nuôi gây dọa vỡ (cho người dưới 40 tuổi, mong muốn có thêm con và đáp ứng với hóa trị). Với trường hợp ung thư nguyên bào nuôi di căn não, gan, có khối di căn to và sâu trong tiểu khung thì cần điều trị bằng tia xạ.
Sau điều trị ung thư nguyên bào nuôi cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân về tình trạng dấu hiệu ra máu âm đạo, kích thước tử cung, nang hoàn tuyến và nhân di căn âm đạo nếu có; biểu đồ beta HCG; thực hiện xét nghiệm huyết đồ, điện giải, chức năng gan để phát hiện nhiễm độc hóa chất.
Trong thời gian theo dõi, cần áp dụng các biện pháp tránh thai. Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tiếp tục tái khám, theo dõi beta HCG máu trong 5 năm với tần suất giãn dần. Sau ít nhất 2 năm điều trị khỏi ung thư nguyên bào nuôi người bệnh mới nên có thai trở lại. Khi có thai lại, cần đi khám thai ngay để đề phòng bị thai trứng lặp lại.
Bệnh nguyên bào nuôi gồm thai trứng và u nguyên bào nuôi. Đây là các bệnh lý có nguy cơ ác tính hóa, đe dọa tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.