Thai trứng xâm lấn là tình trạng mô thai ăn lấn vào cơ tử cung do sự phát triển không kiểm soát của thai nhi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành ung thư tế bào nuôi.
1. Thai trứng xâm lấn là gì?
Thai trứng là sự phát triển bất thường của nhau thai. Bình thường nhau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai, nhưng vì một lý do nào đó khiến nhau thai phát triển quá mức, tạo ra nhiều biến chứng như thai trứng xâm lấn hay ung thư tế bào nuôi. Đây là một loại ung thư ác tính có tỷ lệ tử vong rất cao.
Trong đa số trường hợp, thai trứng không có bào thai và được gọi là thai trứng hoàn toàn, một số trường hợp thai trứng có bào thai nhưng không sống được và gọi là thai trứng bán phần.
Thông thường khoảng 80% thai trứng là lành tính và bệnh sẽ khỏi sau khi nạo hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh nữa.
2. Triệu chứng của thai trứng xâm lấn
Khi bị thai trứng xâm lấn, thai phụ sẽ có các biểu hiện sau: Chảy máu âm đạo và tiết dịch bất thường, có các lông nhau hình quả nho, đau bụng dưới, nôn hoặc buồn nôn, đầu vú bị chảy dịch bất thường.
Bụng dưới to như mang thai, bụng không nhỏ lại sau khi sinh. Nếu để bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu khó thở, co giật và dẫn tới liệt.
3. Điều trị thai trứng xâm lấn như thế nào?
Nguyên tắc chung của điều trị thai trứng xâm lấn là lấy tối đa mô trứng bất thường ra khỏi cơ thể, sau đó kết hợp với điều trị hóa chất để diệt trừ mô thai trứng ác tính.
Bác sĩ sẽ lấy thai trứng ra khỏi cơ thể bằng cách dùng thủ thuật hút hoặc phẫu thuật xẻ cơ tử cung đối với các bệnh nhân vẫn còn nhu cầu sinh con. Phẫu thuật cắt tử cung được chỉ định cho các bệnh nhân lớn tuổi (≥ 40 tuổi) và không còn ý định sinh con, hoặc bệnh nhân có các biến chứng xâm lấn rộng gây chảy máu nặng hay đã được điều trị hóa chất nhưng không hiệu quả. Đối với trường hợp thai trứng lành tính, bệnh nhân sau khi hút nạo sẽ được theo dõi trong khoảng sáu tháng.
Trong các trường hợp thai trứng xâm lấn có nguy cơ cao chuyển thành bệnh ung thư tế bào nuôi bệnh nhân cần được điều trị hóa chất và theo dõi chặt chẽ. Hóa chất thông thường hay được sử dụng là Methotrexate kết hợp Folinic Acid. Nếu hóa chất này bị kháng trong quá trình trị liệu sẽ chuyển sang kết hợp nhiều loại hóa chất với nhau như EMA-CO, EMA-EP,...
Thai trứng xâm lấn là căn bệnh ác tính nguy hiểm do đó người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, theo dõi chặt chẽ trước và sau khi trị liệu. Bệnh nhân cần làm xét nghiệm beta hCG trong máu và nước tiểu định kỳ 2 tuần một lần cho đến khi lượng hCG trở về bình thường. Tiếp theo sẽ thử beta hCG trong nước tiểu 4 tuần một lần. Thời gian theo dõi ít nhất 1 năm để phát hiện sớm các trường hợp tái phát hoặc di căn xa. Nếu người bệnh có nguyện vọng sinh con, chỉ nên mang thai sau khoảng 1 năm từ ngày điều trị bệnh và phải thử hCG vào tuần thứ 6 và 10 của thai kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.