Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh thận mạn (BTM) là tình trạng được đặc trưng bởi sự giảm dần chức năng thận theo thời gian.
1. Bệnh thận mạn là gì (BTM)?
Bệnh thân mạn là tình trạng bao gồm thận của bạn bị tổn thương và giảm khả năng hoạt động chức năng của thận để giúp bạn duy trì sức khỏe như bình thường. Nếu bệnh tiến triển nặng, những chất thải của cơ thể không được lọc bởi thận sẽ tích tụ với nồng độ cao trong máu của bạn và gây ra tình trạng bệnh. Bạn cũng có thể có các biến chứng như tăng huyết áp, thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp), xương yếu dễ gãy, dinh dưỡng kém và bệnh lý dây thần kinh. Thêm vào đó, bệnh thận làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và mạch máu ở bạn. Những vấn đề này diễn tiến chậm chậm trong 1 thời gian dài. Bệnh thận mạn có thể do đái tháo đường, tăng huyết áp và những rối loạn khác. Phát hiện sớm và điều trị có thể giúp thận chậm diễn tiến đến suy nặng nhanh. Khi bệnh thận tiến triển nặng đến suy thận giai đoạn đoạn cuối, bạn cần phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
2. Sự thật về bệnh thận mạn (BTM)
- Cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh thận mạn hoặc nguy cơ bệnh thận mạn trong dân số.
- Phát hiện sớm có thể giúp ngăn bệnh thận diễn tiến đến suy thận nếu có can thiệp.
- Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở hầu hết ở bệnh nhân có BTM.
- Độ lọc cầu thận (GFR) được dùng để ước đoán chức năng thận.
- Tăng huyết áp gây BTM và BTM gây tăng huyết áp.
- Tiểu đạm kéo dài (protein trong nước tiểu) đồng nghĩa với hiện diện BTM.
- Nhóm BN nguy cơ cao BTM gồm đái tháo đường, tăng huyết áp và tiền sử gia đình có bệnh thận.
- Hai phương pháp đơn giản giúp phát hiện bệnh thận: đo huyết áp, đo albumin trong nước tiểu và đo creatinine trong máu.
3. Nguyên nhân gây BTM?
Có hai nguyên nhân chính gây bệnh thận mạn hiện nay là tăng huyết áp và đái tháo đường, chịu trách nhiệm trong 2/3 trường hợp. Đái tháo đường xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn quá cao, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, gồm thận và tim, cũng như các mạch máu, thần kinh và mắt. Huyết áp cao, nếu không kiểm soát hoặc kiểm soát kém, sẽ gây suy tim hoặc các bệnh tim khác, đột quỵ và BTM. Tuy nhiên, BTM cũng gây tăng huyết áp, hậu quả của ứ muối và nước trong cơ thể.
Những tình trạng khác cũng có thể gây ảnh hưởng trên thận gồm:
- Viêm cầu thận, là 1 nhóm bệnh gây viêm và tổn thương đơn vị lọc của thận. những rối loạn này đứng hàng thứ ba trong nguyên nhân bệnh thận mạn.
- Bệnh di truyền, ví dụ thận đa nang, là bệnh hình thành các nang lớn trong thận và tổn thương mô xung quanh.
- Bất thường bẩm sinh đường tiểu. Tình trạng này gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, thận ứ nước dần dần và dẫn đến mất chức năng nếu không can thiệp.
- Bệnh thận do bệnh tự miễn (lupus...).
- Tắc nghẽn đường tiểu do sỏi, u hoặc tiền liệt tuyến to ở nam giới
4. Những triệu chứng của BTM?
Đa phần bệnh nhân không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh thận tiến triển nặng. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý những vấn đề sau:
- Cảm thấy mệt dần hoặc không có năng lượng
- Có vấn đề về tập trung
- Ăn kém ngon miệng
- Có vấn đề về giấc ngủ
- Bị chuột rút vào ban đêm
- Phù ở chân, mắt cá chân
- Cảm giác phù nề quanh mắt, đặc biệt vào buổi sáng
- Khô da, ngứa da
- Phải đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là ban đêm.
Bất cứ ai cũng có thể bị BTM ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, một số người dễ bị BTM hơn một số người khác. Bạn có thể bị tăng nguy cơ bị BTM nếu có:
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Gia đình có người bị bệnh thận
- Lớn tuổi
5. Hiểu về độ lọc cầu thận (GFR)
GFR—glomerular filtration rate, độ lọc cầu thận là phương pháp tốt nhất đo chức năng thận của bạn và phân độ giai đoạn BTM. Bác sĩ có thể tính GFR từ kết quả xét nghiệm creatinine trong máu của bạn, tuổi, chủng tộc, giới tính và những yếu tố khác.
Nếu bệnh thận được phát hiện ở giai đoạn sớm và can thiệp, bệnh thận của bạn có cơ hội làm chậm tiến triển nặng, thậm chí ngừng tiến triển.
6. Tôi phải làm gì nếu kết quả khám và xét nghiệm của tôi thể hiện có BTM?
Bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định:
- Làm thêm các xét nghiệm máu và nước tiểu chuyên sâu.
- Thực hiện siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính bụng để khảo sát thận và đường tiểu của bạn. Các hình ảnh này giúp phát hiện thận của bạn quá to hoặc quá nhỏ, có sỏi, u, thận ứ nước hoặc vấn đề về bất thường cấu trúc của thận hoặc đường tiểu.
- Thực hiện sinh thiết thận, thực hiện cho một số trường hợp bệnh thận đặc biệt, giúp biết chính xác loại bệnh cầu thận và lên kế hoạch điều trị nếu có chỉ định. Làm sinh thiết thận, bác sĩ lấy 1 mảnh nhu mô thận và quan sát chúng dưới kính hiển vi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.