Bệnh Lyme và Viêm khớp dạng thấp: Những khác biệt cần biết

Bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp mặc dù không có chung một nguyên nhân nhưng khi phát triệu chứng thì không phải ai cũng phân biệt được chúng. Do đó, bài viết sau đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về từng tình trạng bệnh: vì sao nhiễm bệnh và điều trị như thế nào.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đào Thị Trang thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Đây là một tình trạng rối loạn miễn dịch - khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể gây viêm, ảnh hưởng đến các mô mềm xung quanh khớp. Hầu như bất kỳ ai cũng có thể bị viêm khớp dạng thấp, phổ biến nhất là lứa tuổi trung niên. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp ba lần so với nam giới.

Triệu chứng thường gặp là sưng đau khớp, cảm giác cứng khớp vào buổi sáng khi thức dậy, thường kéo dài đến hơn một giờ khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Những dấu hiệu này làm nhiều người mắc phải không phân biệt được bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp, vì cả hai tình trạng đều gây đau khớp.  

2. Bệnh Lyme là gì?

Bệnh Lyme là một loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Loại vi khuẩn này bắt nguồn từ ký sinh trùng ve và bọ chét sống trên cơ thể của động vật. Bệnh Lyme có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể và trải qua ba giai đoạn chính.

Căn bệnh này khá phổ biến ở trẻ em, người lớn tuổi và người thường phải hoạt động ở ngoài trời. Khi mắc bệnh, triệu chứng thường gặp là cảm giác ớn lạnh, lên cơn sốt, bị đau đầu, đau khớp, cơ và cổ bị cứng. 

Bệnh Lyme phổ biến ở trẻ em với dấu hiệu thường thấy là bị sốt.
Bệnh Lyme phổ biến ở trẻ em với dấu hiệu thường thấy là bị sốt.

Đặc điểm dễ nhận biết nhất của phần lớn những người mắc bệnh Lyme là dấu phát ban kiểu mắt bò, xuất hiện ở vị trí vết cắn. Dù vậy, một số trường hợp không xuất hiện dấu này.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh Lyme khiến cho nó dễ bị nhầm với một số căn bệnh thường gặp khác như Hội chứng mệt mỏi mãn tính, đau cơ xơ hóa, bệnh đa xơ cứng và đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.

3. Phân biệt giữa bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp

3.1. Khác biệt về nguyên nhân

Như đã liệt kê ở trên, hai căn bệnh này khác biệt hoàn toàn về nguyên nhân gây bệnh. Nếu bệnh Lyme là do vi khuẩn tác động từ bên ngoài, thì bệnh viêm khớp dạng thấp lại đến từ tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch bên trong cơ thể. Do đó, chỉ dựa vào chi tiết này cũng có thể giúp phân biệt nhưng để xác định nguyên nhân thì còn phải thông qua những triệu chứng của người bệnh.

3.2. Những triệu chứng giống nhau giữa viêm khớp dạng thấp với bệnh Lyme

Hầu hết những người mắc bệnh Lyme đều sẽ xuất hiện vết phát ban hình tròn ở vị trí bị cắn, hoặc ở một nơi khác trên cơ thể. Cũng có một số trường hợp không xuất hiện vết phát ban, nên khi đó sẽ khó phân biệt hơn. Ngoài ra, người mắc bệnh Lyme còn phải trải qua những tình trạng như sốt, kiệt sức, cảm giác mệt mỏi và đau cơ, đau khớp. 

Cảm giác đau khớp cổ, mệt mỏi có thể do bệnh Lyme hoặc viêm khớp dạng thấp.
Cảm giác đau khớp cổ, mệt mỏi có thể do bệnh Lyme hoặc viêm khớp dạng thấp.

Những đặc điểm trên làm người bệnh không xác định được mình đang bị bệnh gì. Khi mắc phải viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ có cảm giác đau và sưng ở các khớp, bị cứng khớp vào buổi sáng và luôn cảm thấy mệt mỏi. Do đó, ngay khi xuất hiện các triệu chứng nói trên, cần liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm y tế để được chẩn đoán chính  xác hơn.

3.3. Quá trình chẩn đoán của hai bệnh căn bệnh

Đây là bước đầu trong việc phân biệt bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ sẽ tiến hành phỏng vấn lâm sàng chi tiết để xem xét tiền sử bệnh, liệu người bệnh có tiếp xúc với ve hoặc bọ chét hay không. Sau đó, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để xác định bệnh nhân có bị ve nhiễm bệnh cắn không.  

Một vài xét nghiệm khác có thể được áp dụng như xét nghiệm PCR để phát hiện vi khuẩn Lyme trong mẫu máu hoặc mẫu dịch cơ thể; Chụp X-Quang và siêu âm để đánh giá tổn thương khớp và mô mềm. Nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu thêm nhiều bước xét nghiệm và hình ảnh bổ sung để loại trừ những bệnh lý khác.

3.4. Điều trị bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp

Tùy vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cho người bệnh, rút ra kết luận đó là bệnh Lyme hay viêm khớp dạng thấp. Lúc này, những phương pháp điều trị khác nhau cũng sẽ được áp dụng.

  • Bệnh Lyme: Phổ biến nhất là dùng kháng sinh như Doxycycline, Amoxicillin hoặc Cefuroxime, dùng trong 2 đến 4 tuần nếu ở giai đoạn ban đầu. Nếu đã lan rộng và gây ra các biến chứng như viêm khớp hoặc viêm màng não, có thể phải dùng đến thuốc chống viêm NSAIDs hoặc Corticosteroid để làm giảm triệu chứng. Cuối cùng là duy trì lối sống lành mạnh và để cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Viêm khớp dạng thấp: Thuốc chống viêm NSAIDs như Ibuprofen hoặc Naproxen sẽ được dùng phổ biến nhất, giúp giảm đau và sưng khớp. Ngoài ra còn có thể bổ sung thêm những loại thuốc chống thấp khớp khác như Methotrexate, Sulfasalazine, Hydroxychloroquine để ngăn ngừa tổn thương khớp. Trường hợp nặng hơn có thể phải dùng đến các loại thuốc sinh học như Etanercept, Adalimumab và Infliximab, hoặc phẫu thuật để thay thế các khớp bị tổn thương. 
Bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp có thể sử dụng chung một vài loại thuốc.
Bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp có thể sử dụng chung một vài loại thuốc.

3.5. Cách phòng ngừa hai căn bệnh này  

Nhìn chung, việc phòng ngừa bệnh Lyme và viêm khớp dạng thấp cũng tương đối giống nhau, khi cả hai đều tập trung vào việc tránh hạn chế tiếp xúc với các loại vi khuẩn, và có một lối sống lành mạnh.

  • Bệnh Lyme: Khi đi ra ngoài đường nên mặc quần áo dài tay để hạn chế nguy cơ tiếp xúc ve hoặc bọ chét, nhất là những khu vực có nhiều chó mèo, động vật. Có thể sử dụng một số loại thuốc phòng ngừa ve và bọ chét khi đi ra ngoài.
  • Viêm khớp dạng thấp: Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn,… để giữ cho cơ thể và hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các triệu chứng của bệnh. Cuối cùng là bảo vệ khớp khi vận động mạnh. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe