Cezirnate 500mg là thuốc gì?

Thuốc Cezirnate 500mg dạng viên nén bao phim có thành phần chính là Cefuroxim, thuộc nhóm kháng sinh diệt khuẩn Cephalosporin thế hệ thứ 2. Thuốc có tác dụng điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, da và mô mềm,...

1. Cezirnate 500mg là thuốc gì?

  • Cezirnate 500mg có hoạt chất chính là Cefuroxim, thuộc nhóm kháng sinh diệt khuẩn Cephalosporin thế hệ thứ 2 với phổ tác dụng trên cả vi khuẩn gram (+) và vi khuẩn gram (-). Cefuroxim tác động lên sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn làm hạn chế quá trình tổng hợp thành tế bào (peptidoglycan) khiến vi khuẩn bị phân hủy và chết.
  • Thuốc sau khi được hấp thu ở đường tiêu hóa sẽ nhanh chóng được phân hủy trong niêm mạc ruột và máu, giải phóng Cefuroxim cũng như đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khi uống từ 2 đến 3 giờ.

2. Cezirnate 500mg có tác dụng gì?

Thuốc Cezirnate 500mg có tác dụng trong việc điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, tiết niệu, da và mô mềm như sau:

  • Viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm amidan cấp tính do liên cầu khuẩn, viêm họng, viêm xoang tái phát, viêm tai giữa.
  • Hỗ trợ điều trị đợt cấp của viêm phế quản mãn tính.
  • Viêm thận - bể thận, viêm bàng quang.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm chưa xuất hiện biến chứng.
  • Điều trị bệnh Lyme thời kỳ khởi phát với các biểu hiện như: ban đỏ, loang.
  • Bệnh lậu không có biến chứng

3. Liều lượng, cách dùng thuốc Cezirnate 500mg

Cách dùng:

  • Bạn cần uống nguyên vẹn một viên thuốc Cezirnate 500mg với nước sau khi ăn no.
  • Với trẻ em hoặc người bị rối loạn nuốt bạn có thể sử dụng thuốc này ở dạng hỗn dịch uống.

Liều lượng:

  • Đối với người lớn đang gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm tai giữa, đợt cấp của viêm phế quản mãn tính): Uống 1 viên/ lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ. Bạn cần sử dụng một đợt thuốc liên tục 10 ngày.
  • Đối với bệnh Lyme thời kỳ khởi phát: Uống 1 viên/ lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, điều trị liên tục trong 20 ngày.
  • Đối với bệnh lậu không có biến chứng: Dùng một liều duy nhất 2 viên.
  • Đối với bệnh nhân suy thận: do thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận nên liều lượng thuốc cần điều chỉnh phụ thuộc vào chức năng thận, cụ thể là mức độ thanh thải creatinin.

Thuốc cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ, việc quyết định liều dùng phụ thuộc vào đối tượng và tình trạng bệnh lý khác nhau. Do đó, bạn nên tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ/ dược sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, không nên tự ý sử dụng, bỏ, tăng hay giảm liều thuốc.

Cần làm gì khi quên một liều thuốc?

Khi bạn lỡ quên uống một liều thuốc, hãy bổ sung liều đã quên đó càng sớm càng tốt, tuy nhiên nếu gần với thời điểm sắp uống liều kế tiếp thì bạn nên bỏ qua liều đã quên và đợi để uống liều tiếp theo đúng kế hoạch.

Làm gì khi dùng thuốc quá liều?

  • Khi dùng quá liều thuốc Cezirnate 500mg, bạn có thể thấy các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc nặng hơn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến co giật, hôn mê,..
  • Khi gặp phải các triệu chứng như đã nêu ở trên, bạn cần bình tĩnh, chú ý bảo vệ đường thở thông thoáng, đồng thời liên hệ ngay với trung tâm cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí đúng cách, kịp thời.

4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Cezirnate 500mg:

  • Trong quá trình sử dụng thuốc thường gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: Rối loạn số lượng bạch cầu, cảm giác buồn nôn, tăng men gan, ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy, tình trạng nhiễm nấm candida nặng nề hơn,... Ngoài ra, còn có một số ít trường hợp gặp phải các tình trạng như: giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, viêm đại tràng giả mạc, sốt do thuốc, hội chứng Steven – Johnson, hoại tử biểu mô nhiễm độc, phù mạch.

Nếu trong thời gian sử dụng thuốc bạn gặp phải các triệu chứng như trên hay bất kỳ biểu hiện nào khác, cần ngừng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ/ dược sĩ có chuyên môn để được hướng dẫn cách xử trí phù hợp.

5. Chống chỉ định khi sử dụng thuốc Cezirnate 500mg

Không sử dụng thuốc Cezirnate 500mg cho các đối tượng từng có biểu hiện dị ứng với Cefuroxim và bất kì kháng sinh nào khác thuộc nhóm Beta-lactam, bao gồm tất cả các phân nhóm: Penicillin, Cephalosporin, các kháng sinh beta-lactam khác (Carbapenem, Monobactam).

6. Thận trọng - Lưu ý khi dùng thuốc Cezirnate 500mg

  • Trước khi dùng thuốc bạn cần chắc chắn rằng mình không bị dị ứng với các kháng sinh nhóm Beta-lactam.
  • Nếu bạn đang bị nhiễm nấm candida hoặc viêm đại tràng giả mạc, việc sử dụng thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh. Bạn cần trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ để xem xét việc ngừng sử dụng thuốc.
  • Tá dược của thuốc có chứa lactose, vậy nên nếu cơ thể có tình trạng không dung nạp galactose, thiếu hụt men lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose bạn không nên sử dụng.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú có thể sử dụng thuốc này, tuy nhiên bạn vẫn cần xin ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn.

7. Tương tác của thuốc Cezirnate 500mg

  • Bạn không nên dùng cùng lúc với các thuốc ức chế acid dạ dày do làm giảm tác dụng của Cezirnate 500mg.
  • Cezirnate 500mg có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.
  • Khi sử dụng Cezirnate 500mg cùng với thuốc chống đông máu có thể làm tăng INR (International Normalized Ratio).
  • Thuốc kháng sinh Aminoglycosid, thuốc lợi tiểu mạnh khi kết hợp với Cezirnate 500mg có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc ở thận.

Việc sử dụng cùng một lúc nhiều loại thuốc sẽ làm tăng nguy cơ tương tác giữa các thuốc và giảm hiệu quả điều trị. Do đó, bạn cần thông báo bác sĩ/ dược sĩ các loại thuốc đang dùng hoặc đã dùng trong thời gian gần nhất để có thể nhận được tư vấn phác đồ sử dụng các thuốc hợp lý.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về thuốc Cezirnate 500mg và những lưu ý khi dùng thuốc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về thuốc, hãy liên hệ với các bác sĩ/ dược sĩ có chuyên môn để được tư vấn chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe