Bệnh Lupus ban đỏ là một tình trạng lâu dài gây viêm cho khớp, da và các cơ quan khác. Lupus ban đỏ là căn bệnh mãn tính, không có cách chữa trị, nhưng các triệu chứng có thể cải thiện nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Bệnh Lupus ban đỏ là gì?
Bệnh Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn hệ thống xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô và cơ quan của chính bạn. Viêm do lupus gây ra có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể khác nhau - bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi. Bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng chủ yếu đến da. Nốt phát ban đỏ, tròn có thể xuất hiện trên da hoặc trên mặt, da đầu hoặc các nơi khác có thể thay đổi màu sắc. Phát ban do lupus ban đỏ thường để lại sẹo hoặc các mảng da sáng màu sau khi lành.
Bệnh lupus ban đỏ khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó thường khá giống với các bệnh khác. Dấu hiệu đặc biệt nhất của bệnh lupus ban đỏ chính là phát ban trên khuôn mặt, triệu chứng này có thể xảy ra ở nhiều người nhưng không phải là tất cả các trường hợp bệnh mắc bệnh lupus.
Một số người khi sinh ra có xu hướng phát triển bệnh lupus, điều này có thể là do nhiễm trùng, một số loại thuốc hoặc thậm chí là ánh sáng mặt trời. Hiện không có cách nào có thể chữa trị bệnh lupus ban đỏ, đây là bệnh mãn tính, tuy nhiên các phương pháp điều trị bệnh có thể giúp kiểm soát những tác động do triệu chứng của bệnh gây ra.
2. Bệnh Lupus ban đỏ có lây không?
Bệnh lupus ban đỏ không phải là bệnh truyền nhiễm vì thể bệnh không thể lây lan cho người khác. Bạn không thể mắc bệnh lupus ban đỏ khi tiếp xúc với người khác - ngay cả khi tiếp xúc rất gần hoặc quan hệ tình dục. Nguyên nhân cụ thể gây bệnh lupus ban đỏ hiện chưa được xác định, nhưng các yếu tố di truyền (loại HLA, gen điều hòa) và tương tác môi trường gen (phơi nhiễm UV, phản ứng của hệ miễn dịch với vi khuẩn hay thuốc ) đã được xác định là nguyên nhân gây bệnh tự miễn.
Lupus ban đỏ ảnh hưởng đến gần 1,5 triệu người Mỹ. Bệnh tiến triển khi hệ thống miễn dịch của bạn không phù hợp và tấn công các mô như khớp, da, thận, phổi và tim. Cuộc tấn công này sẽ dẫn đến tình trạng viêm và có thể làm tổn thương các cơ quan này.
Bệnh lupus ban đỏ không lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, đối với những trường hợp mắc bệnh, các biểu hiện của bệnh và mức độ nghiêm trọng có thể tăng về cường độ và vị trí theo thời gian.
3. Biến chứng của lupus ban đỏ
Viêm do lupus ban đỏ gây ra có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả:
- Thận: Lupus có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng và suy thận là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bị lupus ban đỏ.
- Não và hệ thần kinh trung ương: Nếu não bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus, bạn có thể sẽ thường cảm thấy bị đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, vấn đề về thị lực và thậm chí là đột quỵ hoặc co giật. Nhiều người bị lupus ban đỏ gặp vấn đề về trí nhớ và có thể gặp khó khăn trong việc bày tỏ suy nghĩ của bản thân.
- Máu và mạch máu: Lupus ban đỏ có thể dẫn đến các vấn đề về máu, bao gồm thiếu máu và tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Nó cũng có thể gây viêm mạch máu.
- Phổi: Bị lupus ban đỏ làm tăng khả năng bị viêm niêm mạc khoang ngực (viêm màng phổi), khiến bạn cảm thấy khó thở. Chảy máu phổi và viêm phổi cũng có thể xảy ra.
- Tim: Lupus ban đỏ có thể gây viêm cơ tim, động mạch hoặc màng tim (viêm màng ngoài tim). Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đau tim cũng tăng lên rất nhiều.
Bị lupus cũng làm tăng các nguy cơ sau:
- Sự nhiễm trùng: Những người bị lupus ban đỏ dễ bị nhiễm trùng hơn vì cả bệnh và phương pháp điều trị đều có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Ung thư: Bị lupus có thể làm tăng nguy cơ ung thư; tuy nhiên rủi ro ở đây là khá nhỏ
- Bệnh hoại tử vô mạch: Điều này xảy ra khi lượng máu cung cấp cho xương giảm dần, thường dẫn đến những vết vỡ nhỏ trong xương và cuối cùng là các tế bào xương bắt đầu chết đi khiến xương dễ gãy. Bề mặt khớp thường bị phá hủy nếu hoại tử vô mạch ở gần khớp.
- Biến chứng thai kỳ: Phụ nữ bị lupus làm tăng nguy cơ sảy thai. Lupus làm tăng nguy cơ huyết áp cao khi mang thai (tiền sản giật) và sinh non. Để giảm nguy cơ của các biến chứng này, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi bệnh đã được kiểm soát ít nhất sáu tháng.
4. Cách chẩn đoán Lupus ban đỏ
Vì các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ có thể giống với nhiều tình trạng khác, nên có thể mất một thời gian để chẩn đoán chính xác bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm máu. Mức độ cao của một loại kháng thể, kết hợp với các triệu chứng điển hình của bệnh, điều đó có nghĩa là bạn đã mắc lupus ban đỏ.
Bạn cũng có thể được chỉ định chụp X-quang và quét tim, thận và các cơ quan khác nếu bác sĩ nghĩ nghi ngờ chúng bị tổn thương.
Khi được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ, bạn sẽ được kiểm tra và xét nghiệm thường xuyên, chẳng hạn như xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra tình trạng thiếu máu và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các vấn đề về thận, do bệnh lupus gây ra.
Mức độ nghiêm trọng do bệnh lupus ban đỏ gây ra biểu hiện từ nhẹ đến nặng:
- Mức độ nhẹ: Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và gặp các vấn đề về khớp, da.
- Mức độ trung bình: Một số cơ quan khác của người bệnh cũng bị viêm, bao gồm phổi, tim, và thận.
- Mức độ nặng: Bệnh gây tổn thương nghiêm trọng cho tim, phổi, não hay thận, đồng thời đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
5. Có thể chữa khỏi bệnh Lupus ban đỏ không?
Không có cách nào để chữa trị bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh. Các phương pháp điều trị thường được cá nhân hóa bởi bác sĩ chuyên khoa, chẳng hạn như bác sĩ thấp khớp nhằm giải quyết các vấn đề về cơ quan nội tạng và khớp, bác sĩ da liễu nhằm giải quyết vấn đề về da hoặc các chuyên gia khác tùy thuộc vào hệ thống cơ quan nào trong cơ thể bị ảnh hưởng.
6. Cách ngăn ngừa lupus ban đỏ
Bạn không thể tránh căn bệnh lupus ban đỏ, nhưng bạn có thể ngăn ngừa các yếu tố gây ra các triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như:
- Hạn chế thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây ra phát ban. Bạn phải luôn luôn bôi kem chống nắng có độ SPF từ 70 trở lên, đồng thời ngăn chặn cả tia UVA và UVB.
- Cố gắng tránh sử dụng nhiều loại thuốc, bởi chúng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn cả việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bao gồm kháng sinh minocycline (Minocin), trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim) và thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix) hoặc hydrochlorothiazide.
- Tránh căng thẳng: Bạn nên thường xuyên thiền, tập yoga hoặc mát xa- bất cứ điều gì giúp làm dịu tâm trí bạn, khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Bệnh nhân bị lupus ban đỏ nên tránh xa những người bị cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng khác.
- Ngủ đủ giấc: bạn nên đi ngủ sớm để đảm bảo ngủ đủ giấc ( 7-9 giờ).
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: healthline.com, mayoclinic.org, medicinenet.com, nhs.uk