Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể phát triển thành dịch. Bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) với triệu chứng lâm sàng đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội và có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản...
1. Đặc điểm dịch tễ bệnh ho gà
Bệnh ho gà xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bệnh lý thường xảy ra ở trẻ em, tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp người lớn bị ho gà. Ho gà là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có thể phát triển thành dịch. Trước khi bào chế ra vắc xin phòng chống ho gà, bệnh lý này phát triển, lan rộng và bùng nổ thành dịch có tính chu kỳ khoảng 3 – 4 năm tại nhiều nước.
Tại Việt Nam, bệnh ho gà xảy ra ở mọi khu vực trong nước. Khi chưa thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin, bệnh lý phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương và đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi – những vùng có trình độ kinh tế - xã hội phát triển thấp. Trong giai đoạn phát triển thành dịch, bệnh lý thường diễn biến nặng, dễ gây tử vong do biến chứng viêm phổi và bội nhiễm, viêm phế quản – phổi, đặc biệt là ở trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tính chu kỳ từ 3 – 5 năm nên từ năm 1986, sau khi phổ cập chương trình tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản bằng việc tiêm 3 liều vắc xin ho gà – bạch hầu – uốn ván. Từ giai đoạn này trở về sau, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ho gà đã giảm rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ mắc ở giai đoạn từ năm 1991 – 1995 ở Việt Nam là 7,5/ 100.000, từ năm 1993 sau khi duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin trên 90% thì tỷ lệ mắc bệnh trung bình của cả nước giảm xuống 1,8/100.000.
2. Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn ho gà có tên khoa học là Bordetella pertussis, thuộc họ Bordetella. Vi khuẩn ho gà có đặc điểm như sau:
- Trực khuẩn kích thước nhỏ nhất trong các loại vi khuẩn, thuộc nhóm vi khuẩn gram (-);
- Vi khuẩn này có hai đầu nhỏ, không di chuyển và phát triển tốt nhất trong môi trường Bordet-Gengou có thạch máu với những khuẩn lạc điển hình.
- Trong môi trường bên ngoài vi khuẩn này có sức đề kháng yếu và sẽ bị chết trong thời gian 1 giờ dưới ảnh hưởng của nhiệt độ, thuốc sát khuẩn môi trường, ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Con người là vật chủ ký sinh của vi khuẩn ho gà và là nguyên nhân truyền bệnh. Bởi vậy, người bệnh là nguồn lây truyền, không có nguồn lây nhiễm ở người lành mang trùng hoặc người bệnh trong thời gian lấy lại sức. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 7 đến 20 ngày. Trong đó, bệnh lý có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất ở thời kỳ đầu viêm long và giảm dần, mất đi sau khoảng 3 tuần mắc bệnh (trong khoảng thời gian này cơn ho vẫn còn dai dẳng). Phương thức lây truyền bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng người bệnh bắn ra ngoài môi trường khi hắt hơi, ho. Đặc biệt, tính lây truyền xảy ra cao nhất khi người lành phơi nhiễm với giọt nước bọt của người bệnh, nhất là đối với những người cùng sinh hoạt trong một không gian khép kín (trường học, hộ gia đình...)
Tất cả mọi người đều có thể cảm nhiễm với bệnh ho gà và sau khi mắc bệnh sẽ tạo được miễn dịch lâu dài, chỉ có một số ít trường hợp bị mắc bệnh lần thứ hai (do vi khuẩn B. parapertussis).
3. Đặc điểm bệnh ho gà
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Ho gà là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp và có thể phát triển thành dịch. Ho gà ở người lớn thường thường có những triệu chứng lâm sàng như sau:
- Trong giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh thường chỉ có những triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu gồm sốt, sổ mũi, ho nhẹ... đa số người bệnh thường bỏ qua những triệu chứng này cho đến khi bệnh trở nặng hơn;
- Các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 – 2 tuần, sau giai đoạn này bệnh lý diễn biến nặng hơn. Theo đó, người bệnh sẽ xuất hiện những cơn ho nặng hơn và trở thành kịch phát, kéo dài trong thời gian khoảng 1 – 2 tháng hoặc kéo dài hơn.
- Đặc điểm cơn ho trong bệnh lý như sau: Ho thành cơn, mỗi cơn ho kéo dài khoảng 15 – 20 tiếng ho, ho rũ rượi và càng yếu dần về sau. Cơn ho xảy ra nhiều và dày đặc làm cho người bệnh thở yếu hơn, có lúc như ngừng thở do thiếu oxy, mắt đỏ, mặt tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
- Xuất hiện các cơn thở rít vào: Các cơn thở rít vào xuất hiện cuối cơn ho hoặc có thể xen kẽ sau mỗi tiếng ho, người bệnh có tiếng thở rít vào như nghe tiếng gà rít
- Khạc đờm: Người bệnh khạc đờm trắng, có màu trong và dính như lòng trắng trứng sau khi kết thúc một cơn ho. Xét nghiệm đờm có thấy xuất hiện trực khuẩn ho gà
- Giai đoạn hồi phục: Trong giai đoạn này cơn ho ít dần, kéo dài từ 2 – 3 tuần, người bệnh cũng giảm sốt dần. Tuy nhiên, ho có thể tái diễn lại sau nhiều tháng và gây viêm phổi. Các triệu chứng ho gà ở người lớn thường nhẹ hơn so với trẻ em, ít gặp cơn ho điển hình hoặc thậm chí không xuất hiện triệu chứng ho.
3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
Chẩn đoán bệnh ho gà ở người lớn bằng cách sử dụng dịch tiết mũi và hầu để thực hiện các phương pháp xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm phân lập vi khuẩn ho gà trong môi trường nuôi cấy chuyên dụng
- Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang.
3.3. Biến chứng bệnh ho gà
Bệnh lý ho gà nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng bao gồm viêm phế quản, ho kéo dài, viêm phế quản – phổi do bội nhiễm, ngừng thở... Đây là những biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em dưới 1 tuổi. Người bệnh có cũng có thể gặp thoát vị, lồng ruột, sa trực tràng.
Trong trường hợp người bệnh diễn biến nặng có thể dẫn đến vỡ phế nang, tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất. Biến chứng viêm não chiếm 0,1% có thể dẫn đến các di chứng và tỷ lệ tử vong cao.
4. Nguyên tắc điều trị bệnh ho gà
Nguyên tắc điều trị ho gà ở người lớn nói riêng và tất cả người bệnh ở các đối tượng khác như sau:
- Điều trị nguyên nhân: Sử dụng kháng sinh phù hợp với cân nặng và độ tuổi, đặc biệt ở trẻ em dưới 6 tuổi điều trị sớm khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả điều trị.
- Điều trị triệu chứng: Một số trường hợp người bệnh diễn biến nặng, xuất hiện co giật có thể sử dụng các thuốc chống co giật như seduxen, phenobarbital...
- Kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin, khoáng chất... nhằm bảo vệ và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
5. Phòng ngừa bệnh ho gà
5.1. Tiêm vắc xin phòng ngừa
Một trong những phương pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh ho gà là tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh. Vắc xin được tiêm ở trẻ nhỏ với các giai đoạn như sau:
- Tiêm mũi 1: Tiêm lúc trẻ 2 tháng tuổi, tiêm vắc xin phối hợp ho gà – bạch hầu – uốn ván – viêm gan B – Hib (DPT – VGB – Hib).
- - Tiêm mũi 2: Vắc xin DPT – VGB – Hib, tiêm khi trẻ được 3 tháng tuổi.
- - Tiêm mũi 3: Vắc xin DPT – VGB – Hib, tiêm khi trẻ được 4 tháng tuổi.
- - Tiêm vắc xin DPT mũi nhắc lại (mũi 4) khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Vắc xin tiêm phòng cần được tiêm đủ số mũi và đúng lịch để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
5.2. Các biện pháp khác
Người bệnh mắc ho gà nhẹ cần được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của các cơ quan y tế. Người bệnh mắc ho gà nặng, có nguy cơ bội nhiễm cần được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế đê tránh nguy cơ lây lan.
Xử lý môi trường: Người bệnh cần được sát trùng và tẩy uế đối với dịch mũi họng, đồ dùng bị nhiễm bẩn của người bệnh.
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Tuyên truyền và cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh ho gà cho người dân để có thể phát hiện bệnh sớm, cách ly, điều trị và phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.
Vệ sinh nơi ở và nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ nhất. Ở những khu vực có xuất hiện ổ dịch ho gà cần tăng cường giám sát để phát hiện bệnh sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.