Bệnh gout mãn tính điều trị như thế nào là một câu hỏi quan trọng vì nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thông thường, quá trình điều trị sẽ bao gồm sử dụng thuốc giảm acid uric kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, nhằm ngăn ngừa các cơn đau và bảo vệ chức năng khớp.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Chào bác sĩ, em bị Gout mãn tính 2 năm trở lại đây bị đau phía sau khớp gối phải, không gập chân lại được, cảm giác rất đau, sưng đầu gối mỗi khi uống bia rượu, chân ngồi lâu đứng lên không vững. Xin bác sĩ tư vấn giúp em, bệnh gout mãn tính điều trị như thế nào?
Lê Văn Hiếu (1983)
Chào bạn, với câu hỏi “Điều trị gout mạn tính như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bệnh gout là bệnh rối loạn chuyển hóa nhân purin, 90% trường hợp là vô căn và 10% thứ phát do suy thận, rối loạn về gen, các bệnh về máu, dùng thuốc lợi tiểu,... nên không chữa dứt điểm hẳn. Tuy nhiên, chúng ta kiểm soát tốt bệnh gout dựa vào chế độ ăn uống, tập thể dục hợp lý và thuốc hạ Axit uric thì vẫn hạn chế tối đa biến chứng của bệnh. Việc đau phía sau gối đau và không gấp chân lại được có thể biến chứng của gout, bạn nên đến bệnh viện để được chụp MRI kiểm tra cụ thể để có giải pháp tốt nhất, tránh bị tàn phế.
Để cung cấp thêm thông tin cho người bệnh, dưới đây là thông tin về cách điều trị gout mạn tính.
1. Bệnh gout là gì?
Bệnh gout hay còn được biết đến với tên gọi gút hoặc thống phong là một dạng viêm khớp thường gặp. Trong đó, người bệnh thường phải chịu đựng những cơn đau dữ dội và đột ngột ở các khớp như ngón chân, ngón tay hoặc đầu gối kèm theo tình trạng sưng đỏ và đau đến mức khó di chuyển.
Một số người ở giai đoạn đầu được ghi nhận có nồng độ acid uric trong máu tăng nhưng không biểu hiện triệu chứng bệnh gout, tình trạng này gọi là tăng acid uric máu. Nếu nồng độ tiếp tục tăng cao không giảm theo thời gian, các tinh thể urat sẽ tích tụ, gây ra các cơn đau khớp. Những cơn đau này thường bắt đầu đột ngột, từ dữ dội đến âm ỉ và chủ yếu xuất hiện vào ban đêm.
Sau những đợt gout cấp tính, bệnh gout chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và xuất hiện các hạt tophi mãn tính, từ đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy gan thận, tai biến, liệt nửa người, tàn phế.
2. Bệnh Gout mãn tính điều trị như thế nào
Để giảm lượng acid uric trong cơ thể, người bệnh cần sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống hợp lý.
- Thuốc Allopurinol được dùng để giảm mức acid uric máu.
- Probenecid là loại thuốc giúp giảm acid uric bằng cách tăng cường thải trừ qua nước tiểu.
- Trong điều trị bệnh có biến chứng, Pegloticase được dùng dưới dạng tiêm truyền qua tĩnh mạch.
- Các sản phẩm như glucosamine và diacerin thường được sử dụng dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ chống thoái hóa khớp.
- Sau khi sử dụng thuốc, người bệnh cần kết hợp thêm các phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
- Phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi là cần thiết trong những trường hợp nặng.

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và luôn có sự giám sát, không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ chỉ định để tránh gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Nhìn chung, gout là một bệnh lý phức tạp, cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Việc tuân thủ phác đồ điều trị, kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống hợp lý và các phương pháp hỗ trợ sẽ giúp người bệnh giảm đau, duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.