1. Bệnh động mạch vành có di truyền không?
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng tích tụ các mảng xơ vữa trong lòng động mạch cung cấp máu cho tim của bạn. Sự tích tụ này có thể dẫn đến lưu lượng máu đến cơ tim bị suy giảm, dẫn đến một số trường hợp nguy hiểm như gây đau tim hoặc đột quỵ. Bệnh xuất hiện và tiến triển nhanh ở người trên 60 tuổi và có tiền sử gia đình mắc bệnh.
1.1 Bệnh động mạch vành và gen
Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong xác định nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Các biến thể gen có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý cholesterol, kiểm soát huyết áp ở mức ổn định,..
Nhờ giải trình tự gen, các nhà khoa học có thể xác định những các biến thể gen nào phổ biến ở bệnh nhân bệnh động mạch vành. Tính đến năm 2017, các nhà nghiên cứu đã phát hiện có khoảng 60 biến thể gen có thể liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh. Theo kết quả nghiên cứu của năm 2021, con số biến thể gen này đã tăng vượt qua con số 200.
Những biến thể gen này liên quan đến quá trình kiểm soát huyết áp và xử lý lipid (chất béo) trong máu, chẳng hạn như cholesterol. Đây cũng là lý do, gen có ảnh hưởng đến bệnh tim mạch ở một mức độ nhất định.
1.2 Bệnh động mạch vành và tiền sử gia đình
Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành có thể tăng đối với người có tiền sử bệnh tim trong gia đình.
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do di truyền. Tiền sử bệnh của gia đình có thể là kết quả của việc các biến thể gen liên quan đến bệnh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều đời.
Tuy nhiên, nó cũng có thể liên quan đến các yếu tố lối sống chung trong gia đình, chẳng hạn như chế độ ăn uống giống nhau và thói quen hút thuốc của một số thành viên trong gia đình.
2. Lối sống và nguy cơ mắc bệnh động mạch vành
2.1 Lối sống làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Bên cạnh yếu tố di truyền, lối sống của một người cũng đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ mắc bệnh.
Việc hút thuốc, tiểu đường, béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh,... đều được coi là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
2.2 Cải thiện lối sống, giảm nguy cơ bệnh tim
Một lối sống lành mạnh có thể giảm thiểu nguy cơ bệnh động mạch vành. Điều này bao gồm việc duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, ngừng hút thuốc và kiểm soát cân nặng.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, người có thói quen sống lành mạnh có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn những người không có thói quen này
3. Di truyền và lối sống, yếu tố nào ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh động mạch vành nhiều hơn
3.1 Mối liên quan giữa di truyền và môi trường
Cần lưu ý rằng lối sống và di truyền có thể có liên quan với nhau. Các thành viên trong một gia đình có các thói quen chung trong đời sống hằng ngày và thậm chí chế độ ăn uống cũng giống nhau, điều này đóng góp vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
Nhưng các nghiên cứu nguy cơ bệnh dựa trên gia đình đều có những hạn chế, do rất khó để tách yếu tố lối sống của gia đình và gen ra khỏi nhau
Ví dụ, những người trong cùng một gia đình có chế độ ăn uống hoặc thói quen giống nhau đều mắc bệnh, kết quả này không chỉ phụ thuộc vào yếu tố di truyền của họ.
3.2 Di truyền hay môi trường ảnh hưởng nhiều hơn đến nguy cơ mắc bệnh động mạch vành
Cha mẹ bị bệnh tim không đồng nghĩa với việc con cái cũng sẽ bị di truyền bệnh tim. Điều đó chỉ có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh của con có thể cao hơn. Việc bệnh động mạch vành có hình thành và tiến triển hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố lối sống
Tuy nhiên, nếu một người có cha hoặc mẹ mắc bệnh tim sớm thì khả năng mắc bệnh này sẽ cao hơn.
4. Giảm nguy cơ bệnh động mạch vành ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh
Sống một lối sống có lợi cho sức khỏe có thể giúp ngăn ngừa, giảm nguy cơ hoặc trì hoãn sự khởi phát của các bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh tim. Lựa chọn lối sống tích cực bao gồm từ những việc đơn giản nhất:
● Ngủ đủ giấc
● Hoạt động thể chất
● Tham khảo người bệnh tim nên ăn gì để có một chế độ ăn uống lành mạnh,
● Ít rượu, bia, thuốc lá và chất béo bão hòa
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu bạn có người thân trực hệ mắc bệnh và bản thân bạn có lượng cholesterol cao hoặc một số yếu tố gây nguy cơ khác
Lối sống (bao gồm thói quen như hút thuốc, chế độ ăn uống không cân đối giữa các chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu hoạt động thể chất) cũng có thể kết hợp cùng với yếu tố gen di truyền làm tăng nguy cơ mắc động mạch vành.
Gen là thứ không thể thay đổi được nhưng lối sống thì hoàn toàn có thể. Hãy chọn cho bản thân một lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn mỗi tuần theo khuyến nghị của WHO, ngừng hút thuốc và kiểm soát cân nặng, những điều này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và giảm thiểu sự ảnh hưởng các biến thể gen liên quan đến bệnh này.