Bệnh động kinh khiến cho người bệnh có các dấu hiệu mất ý thức, co giật, mất kiểm soát hành vi,.... Điều đó khiến nhiều người đưa ra sự lo lắng rằng bệnh động kinh có nguy hiểm không và làm cách nào để có thể kiểm soát và tránh để lại các biến chứng về sau.
1. Bệnh động kinh là bệnh gì?
Động kinh là căn bệnh xảy ra khi hệ thống thần kinh bị rối loạn bất thường. Lúc này, hoạt động của não bộ diễn ra đầy biến động, dẫn đến các cơn co giật hoặc xuất hiện các hành vi, cảm giác bất thường, thậm chí còn khiến người bệnh bị mất đi nhận thức.
Bệnh động kinh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh sẽ thường khởi phát từ nhỏ hoặc có thể bắt đầu khi người bệnh trên 60 tuổi.
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa thể biết được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh động kinh. Tuy nhiên, theo nghiên cứu cho thấy, căn bệnh này đến từ di truyền hoặc do một số chấn thương ở não bộ.
- Do di truyền: một số loại động kinh có thể di truyền cho các thế hệ sau
- Do chấn thương não bộ.
- Bệnh lý ở não bộ: đột quỵ, khối u trong não cũng có thể dẫn đến động kinh. Trong đó, đột quỵ là nguyên nhân gây ra bệnh động kinh cho người lớn trên 35 tuổi.
- Chấn thương đầu: người bệnh sau khi bị chấn thương ở đầu có thể sẽ bị động kinh ngay sau đó.
- Do nhiễm trùng: viêm não do virus, một số nhiễm trùng màng não, bệnh AIDS cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh động kinh.
- Do chấn thương từ bào thai: nhiễm trùng ở mẹ, thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng cũng có thể khiến thai nhi bị động kinh khi còn ở trong bụng mẹ.
2. Bệnh động kinh có nguy hiểm không?
Động kinh là một bệnh lý nguy hiểm, nó tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Có rất nhiều trường hợp bệnh động kinh đã gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Bởi khi đó, não bộ sẽ bị rối loạn khiến cho các bộ phận khác trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới đây là những nguy hiểm mà bệnh động kinh gây ra cho người bệnh:
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: đây là bộ phận vô cùng quan trọng trên cơ thể, là cơ quan chỉ đạo mọi hoạt động diễn ra của cơ thể. Tuy nhiên, khi mắc bệnh động kinh, những xung điện từ não bộ và tủy sống sẽ nhanh chóng bị gián đoạn, khiến cho người bệnh gặp phải những cơn co giật. Khi tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho người bệnh bị rối loạn nhịp tim, mất ý thức, ngừng thở,...
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: động kinh khiến cho nội tiết tố trong cơ thể bị thay đổi, cản trở khả năng sinh sản ở cả nữ giới và nam giới. Khả năng những người mắc bệnh động kinh bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thường cao hơn 2 - 3 lần so với người bình thường. Đặc biệt là trường hợp nữ giới bị bệnh động kinh sẽ dễ bị rối loạn kinh nguyệt, khả năng vô sinh và sảy thai cao. Còn đối với nam giới, khi sử dụng thuốc điều trị bệnh động kinh sẽ làm giảm đi ham muốn tình dục, gây ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng
- Ảnh hưởng hệ hô hấp: các cơn động kinh diễn ra sẽ khiến cho người bệnh bị co giật, khó thở. Khi đó, hơi thở của người bệnh tạm thời sẽ bị gián đoạn khiến cho nồng độ oxy trong máu thấp bất thường và dẫn đến người bệnh có thể sẽ bị chết đột ngột trong cơn động kinh. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ bị khó thở thường xuyên gây ra các triệu chứng như khó ngủ, thở gấp, mệt mỏi, cơ thể bị suy nhược.
- Ảnh hưởng hệ tim mạch: tần suất xảy ra các cơn động kinh thường xuyên sẽ khiến cho tim bị loạn nhịp, đập nhanh hơn hoặc chậm hơn. Đồng thời người bệnh cũng sẽ có dấu hiệu bị khó thở, tức ngực. Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh rất dễ tử vong bất cứ lúc nào do nhịp tim bị gián đoạn.
- Ảnh hưởng đến hệ thống cơ bắp: bệnh động kinh sẽ khiến cho cơ bắp trở nên cứng hoặc mềm nhão hơn bình thường. Điều này khiến cho bệnh nhân rất khó có thể thực hiện được các hành động đúng với mong muốn của bản thân, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt bình thường của người bệnh.
- Ảnh hưởng đến hệ thống xương: nếu bệnh động kinh để lâu và không được điều trị sẽ khiến cho hệ thống xương khớp của người bệnh dần trở nên suy yếu, đặc biệt là xuất hiện xảy ra tình trạng loãng xương. Không chỉ vậy, trong cơn co giật, người bệnh có thể sẽ bị té ngã làm tăng nguy cơ bị gãy xương.
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: khi mắc bệnh động kinh, người bệnh thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó tiêu, nôn mửa, buồn nôn, đau bụng,...
3. Bệnh động kinh có chữa khỏi được không?
Thực tế hiện nay, bệnh động kinh có thể khỏi nếu người bệnh áp dụng đúng phương pháp điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm và điều trị kịp thời, đúng cách thì khả năng chữa khỏi bệnh cho người bị động kinh là rất cao. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể chữa được khỏi bệnh hoàn toàn.
Theo thống kê từ các báo cáo chỉ ra rằng, có đến 60% người mắc bệnh động kinh là trẻ em. Hầu hết các trường hợp trẻ em mắc bệnh động kinh là do bị chấn thương sản khoa, bị ngạt, chấn thương sọ não, viêm màng não mủ,... Đồng thời, sau khoảng thời gian điều trị bệnh thành công từ 2 đến 5 năm thì khoảng 70% trẻ em sẽ không bị tái phát bệnh, ngay cả khi đã dừng sử dụng thuốc.
Với bệnh động kinh, người bệnh cần phải kiên trì điều trị từ 2 đến 3 năm để giúp cho các triệu chứng được khỏi hoàn toàn. Đồng thời, việc điều trị căn bệnh này cần phải sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và gia đình, bạn bè người bệnh hỗ trợ để họ có thể điều trị dứt điểm căn bệnh nguy hiểm này.
4. Các phương pháp điều trị bệnh động kinh
Để điều trị bệnh động kinh, người bệnh cần phải kiên trì với phương pháp mà bác sĩ điều trị đưa ra vì đây sẽ là một quá trình rất dài. Thông thường, người mắc bệnh động kinh sẽ thường điều trị một số phương pháp dưới đây:
4.1. Sử dụng thuốc
Bác sĩ điều trị sẽ kê những đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chịu đựng được tác dụng phụ mà thuốc gây ra cho người bệnh. Thông thường, các loại thuốc này sẽ có thể kiểm soát được 70% các cơn co giật. Đó là các loại thuốc như:
- Thuốc điều trị bệnh động kinh cổ điển: Valproic acid, phenytoin, carbamazepin, phenobarbital,...
- Thuốc điều trị bệnh động kinh thế hệ mới: Tiagabine, Oxcarbazepine, Lamotrigine, Gabapentin, Zonisamide, Felbamate, Topiramate,...
Với những loại thuốc kể trên, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định mà bác sĩ đã đưa ra, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc để không gây ra các ảnh hưởng nguy hiểm đến tình trạng sức khỏe.
Bên cạnh đó, khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như: Đau đầu, buồn ngủ, rụng tóc, run rẩy, dễ kích động, phát ban, sưng nướu,...
4.2. Phẫu thuật động kinh
Được sử dụng khi người bệnh sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả, các cơn động kinh vẫn xuất hiện, thậm chí là với tần suất nhiều hơn trước. Phẫu thuật sẽ tiến hành loại bỏ vùng não bất thường, là nguyên nhân gây ra bệnh động kinh. Những trường hợp có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật như:
- Người có cơn động kinh bắt nguồn do một vị trí nhỏ đã được xác định rõ ràng trong não.
- Người mắc bệnh động kinh do vùng não bị bất thường không đảm nhận các vai trò quan trọng như: ngôn ngữ, thị giác, chức năng vận động,...
Lưu ý: phương pháp phẫu thuật có thể sẽ giúp người bệnh điều trị hiệu quả được bệnh động kinh nhưng cũng có thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng vĩnh viễn đến khả năng nhận thức của bệnh nhân.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được các kiến thức về căn bệnh động kinh và trả lời được câu hỏi bệnh động kinh có nguy hiểm không? Đồng thời lựa chọn được được phương pháp điều trị đúng và phù hợp với tình trạng hiện tại của bản thân và sớm giúp cơ thể đạt được trạng thái sức khỏe tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.