Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc do thận (NDI) là tình trạng rối loạn tái hấp thu nước ở ống thận. Nguyên nhân do ống thận giảm khả năng đáp ứng với hormone vasopressin (ADH) dẫn đến lượng nước tiểu được tiết ra ngoài nhiều và pha loãng. Bệnh đái tháo nhạt có thể do di truyền hoặc thứ phát sau khi mắc các bệnh lý gây giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận.
1. Tổng quan bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận
1.1. Cơ chế cân bằng nước trong cơ thể
Vì nước chiếm một lượng lớn (khoảng 70%) trong cơ thể nên việc giữa cân bằng nước hấp thu vào và thải ra khỏi cơ thể là rất quan trọng. Cơ thể cân bằng nước bằng 2 cơ chế chính:
- Thúc đẩy cảm giác khát để cho cơ thể có cảm giác uống nhiều nước hơn.
- Sử dụng hormone kháng lợi niệu ADH (vasopressin) để kiểm soát lượng nước thải ra khỏi cơ thể qua đường bài tiết.
Hormon ADH được sản xuất ra từ vùng dưới đồi trong não, sau đó được chuyển đến tuyến yên và phóng thích vào máu, từ đó tác động lên thận dẫn đến thận thải ít nước qua nước tiểu hơn (hỗ trợ quá trình cô đặc nước tiểu).
Tuy nhiên, nếu cơ thể đã có quá nhiều nước, cảm giác khát sẽ biến mất khiến bạn không muốn uống hay đưa thêm nước vào cơ thể. Đồng thời, ADH được tiết ra hạn chế hơn làm tăng lượng nước thải ra ngoài cơ thể, khiến nước tiểu nhạt và loãng hơn.
1.2. Bệnh đái tháo nhạt là gì?
Bệnh đái tháo nhạt là tình trạng thận không có khả năng cô đặc nước tiểu nguyên nhân do thiếu ADH (Bệnh đái tháo nhạt trung ương) hoặc do ống thận mất khả năng đáp ứng với ADH (Bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc do thận thận).
Khi bệnh nhân bị bệnh đái tháo nhạt thường có xu hướng khát nước, muốn uống nhiều nước. Cơ thể có biểu hiện tình trạng mất nước, nước tiểu loãng, nồng độ Natri và Kali trong máu trở nên mất cân bằng và tăng cao.
2. Nguyên nhân bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận
Các nguyên nhân dẫn tới đái tháo nhạt nguồn gốc do thận gồm:
- Sử dụng một số loại thuốc (ví dụ: Lithium) với liều lượng quá cao.
- Do di truyền (rất hiếm).
- Các biến chứng của một số bệnh thận mạn tính.
Đái tháo nhạt nguồn gốc thận khá hiếm. Nó ảnh hưởng tới dân số với tỉ lệ 1/25000, có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào (nhưng chủ yếu là người lớn). Hiện nay ước tính vẫn có khoảng 50% trường hợp bệnh đái tháo nhạt không rõ nguyên nhân.
3. Triệu chứng nhận biết bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận
Các dấu hiệu nhận biết đái tháo nhạt nguồn gốc do thận bao gồm:
- Đa niệu ( tiểu nhiều): Người bệnh đi tiểu nhiều (từ 3-20 lít/ngày).
- Hay phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu nhiều.
- Cảm thấy rất khát dù đã uống rất nhiều nước.
- Tình trạng mất nước với các dấu hiệu như khô miệng, môi và lưỡi, chóng mặt, đau đầu, lơ mơ, giảm tập trung, bất tỉnh.
- Xét nghiệm có tăng natri máu.
- Trẻ em mắc bệnh đái tháo nhạt có thể chậm phát triển và thiếu cân, thường xuyên quấy khóc và khó dỗ. Trẻ lớn hơn có thể thường xuyên tè dầm vào ban đêm và tiểu không tự chủ vào ban ngày. Ngoài ra còn chậm phát triển, chán ăn và hay mệt mỏi.
4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận
Việc chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt có thể dựa vào một số phương pháp sau:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Nếu mắc đái tháo nhạt, kiểm tra sẽ thấy nồng độ Natri và Kali trong máu tăng cao. Lượng đường (glucose) trong máu và nước tiểu cũng cần được kiểm tra để loại trừ khả năng bị đái tháo đường.
- Nghiệm pháp nhịn nước: Đây là nghiệm pháp đặc biệt yêu cầu bạn hạn chế uống nước hoặc truyền dịch trong 1 khoảng thời gian nhất định (khoảng 6-8 giờ). Sau đó sẽ được đánh giá lượng nước tiểu xem có sự thay đổi về lượng hay không. Nếu cơ thể bình thường thì lượng nước tiểu sẽ giảm xuống khi bạn không uống nước trong 1 khoảng thời gian dài. Ngược lại nếu bạn mắc bệnh đái tháo nhạt, lượng nước tiểu bài tiết sẽ không thay đổi.
- Sử dụng Vasopressin ngoại sinh: Sau khi làm nghiệm pháp nhịn nước, bạn sẽ được tiêm hoặc uống thuốc tương tự ADH. Nếu bạn bị đái tháo nhạt nguồn gốc thận lượng nước tiểu sẽ không thay đổi hoặc chỉ giảm một lượng rất ít.
- Xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định để tìm nguyên nhân của bệnh đái tháo nhạt. Ví dụ: chụp MRI não để tìm kiếm tổn thương ở tuyến yên và não.
5. Các biện pháp điều trị bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận
Đối với trường hợp bệnh nhân bị đái tháo nhạt nguồn gốc do thận do tác dụng phụ của một vài loại thuốc như Lithium, bác sĩ có thể đề nghị đổi thuốc.
Nếu bạn bị đái tháo nhạt mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ đề nghị bạn uống thật nhiều nước để ngăn tình trạng mất nước. Chế độ ăn cũng cần thay đổi để giảm lượng nước tiểu bài tiết: giảm muối, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, ít thức ăn nhiều protein như trứng, cá, thịt...
Nếu bạn bị đái tháo nhạt nguồn gốc thận mức độ nặng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc (thuốc lợi tiểu Thiazide, NSAID, amiloride, thuốc hydroclorothiazid...).
Tóm lại, trong trường hợp muốn biết bệnh đái tháo đường của bản thân đang ở mức độ nào thì khách hàng có thể đăng ký gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Không chỉ tầm soát sức khỏe, gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu còn nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.
Sử dụng gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu tại Vinmec, khách hàng sẽ được:
- Khám CK nội tiết (có hẹn)
- Tổng phân tích nước tiểu (bằng máy tự động)
- Định lượng Glucose
- Định lượng HbA1c
- Định lượng Axit Uric
- Định lượng Cholesterol
- Định lượng HDL-C(High density lipoprotein Cholesterol)
- Định lượng LDL-C(Low density lipoprotein Cholesterol)
- Định lượng Triglycerid
- Định lượng Ure
- Định lượng Creatinin
- Đo độ hoạt AST (GOT)
- Đo độ hoạt ALT (GPT)
- Đo độ hoạt GGT (Gama glutamyl Transferase)
- Định lượng MAU (Micro Albumin Arine)
- Siêu âm tim, màng tim qua thành ngực
- Điện tim thường
- Siêu âm doppler động mạch cảnh, Doppler xuyên sọ (động mạch cảnh)
- Siêu âm Doppler động mạch, tĩnh mạch chi dưới (Động mạch chi dưới hai bên).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.