Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh cơ tim hạn chế là bệnh lý cơ tim. Khi mắc bệnh này, tim sẽ bị hạn chế khả năng co bóp do cơ viền bên trong tim bị cứng lại nên tim không thể giãn ra hoàn toàn. Bệnh sẽ khiến cho tim khó bơm đủ máu đến các cơ quan trong cơ thể hơn. Cơ tim hạn chế sẽ gây ra suy tim nếu không được điều trị kịp thời.
1. Mục tiêu điều trị bệnh cơ tim hạn chế
Đối với điều trị bệnh cơ tim hạn chế, người ta nhắm đến 3 mục tiêu bao gồm:
- Điều trị suy chức năng tâm trương thất trái.
- Điều trị biến chứng ở tim.
- Điều trị nguyên nhân.
1.1 Điều trị suy chức năng tâm trương thất trái
Trong trường hợp này, bệnh nhân được điều trị suy chức năng tâm trương thất trái bằng thuốc lợi tiểu, tuy nhiên thuốc này có thể làm giảm áp lực đổ đầy máu ở tim nên cần phải theo dõi sát quá trình sử dụng thuốc lợi tiểu. Bệnh nhân bệnh cơ tim hạn chế không được chỉ định sử dụng những thuốc tăng cường co bóp cơ tim.
1.2 Điều trị biến chứng
Những biến chứng loạn nhịp trong bệnh cơ tim hạn chế bao gồm: Rung nhĩ, nhịp chậm, rối loạn nhịp thất. Ngoài ra còn có biến chứng tắc mạch máu, được điều trị bằng cách dùng thuốc kháng đông trong toàn bộ đời sống.
1.3 Điều trị nguyên nhân
Việc điều trị nguyên nhân được xem là quan trọng nhất trong điều trị bệnh cơ tim hạn chế là bệnh lý nằm trong bệnh cơ tim phì đại, có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa có thể là cắt bỏ phần gây xơ hẹp mạch máu, thay van nhĩ nhất, ghép tim.
2. Điều trị bệnh cơ tim hạn chế
2.1 Điều trị nội khoa
- Như đã nói ở trên, thuốc lợi tiểu được dùng trên bệnh nhân bệnh cơ tim hạn chế để giảm triệu chứng của hiện tượng ứ trệ tuần hoàn ngoại vi và tuần hoàn phổi như ứ dịch tuần hoàn, phù nề, cần chú ý về việc dùng thuốc lợi tiểu vì nó có thể làm tăng áp lực đổ đầy tâm thất khiến bệnh trở nặng hơn ban đầu.
- Thuốc kháng đông được sử dụng để đề phòng biến chứng thuyên tắc mạch.
- Thuốc chống loạn nhịp tim để giảm biến chứng rối loạn nhịp.
- Thuốc ức chế men chuyển để giảm huyết áp cấp tính nhưng vẫn không làm tăng cung lượng tim nên không được chỉ định loại thuốc này.
2.2 Điều trị ngoại khoa
Những can thiệp hay phẫu thuật có thể được áp dụng trên bệnh nhân bệnh cơ tim hạn chế như sau:
- Cấy máy tạo nhịp tim nhằm mục đích điều hòa nhịp tim.
- Cấy máy khử rung tim để ổn định nhịp tim, ngăn chặn biến chứng rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung thất.
- Sử dụng những thiết bị hỗ trợ tâm thất nhằm tạo áp lực đẩy máu ra khỏi tâm thất.
- Phẫu thuật van tim bằng cách sửa van tim hoặc thay van tim để giúp máu có thể lưu thông tốt hơn giữa những buồng tim.
- Ghép tim: Đây là phương pháp thay tim mới được sử dụng cho những trẻ đã có biến chứng hoặc có tăng áp phổi. Hiệu quả của phương pháp ghép tim phụ thuộc vào mức độ tăng áp phổi và mức độ các biến chứng của bệnh nhân sau khi ghép tim.
3. Lối sống kiểm soát triệu chứng bệnh cơ tim hạn chế
Để có thể quản lý được những triệu chứng của bệnh cơ tim, những bệnh nhân cần phải thay đổi lối sống theo những hướng sau:
- Kiểm tra cân nặng hằng ngày vì nếu có tình trạng suy tim thì việc tăng cân sẽ diễn ra trên bệnh nhân do hiện tượng trữ nước trong cơ thể.
- Hạn chế uống quá nhiều nước để giảm lượng dịch dư thừa trong cơ thể và giảm hiện tượng phù nề cũng như giảm gánh nặng cho tim. Theo chỉ dẫn thì mỗi ngày không nên uống nhiều hơn 1.5l nước để tránh tích nước.
- Duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý, tránh luyện tập quá sức sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tim.
- Có một khẩu phần ăn hợp lý, lựa chọn những thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, sữa chua lên men từ sữa ít chất béo, thịt nạc, cá... Không ăn thức ăn quá nhiều muối và đường.
- Không sử dụng thuốc lá, không uống rượu bia và những chất kích thích có hại cho cơ thể.
- Kiểm soát tình trạng stress, căng thẳng của cơ thể và ngủ đủ giấc.
Bệnh cơ tim có nhiều nguyên nhân phức tạp nên việc điều trị bệnh cơ tim hạn chế gặp rất nhiều hạn chế. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh cơ tim hạn chế, cần giảm thiểu những yếu tố nguy cơ của bệnh cũng như duy trì một lối sống lành mạnh.
Để điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch ở trẻ em và cả người lớn, cần dựa theo nguyên nhân gây bệnh mà có hướng chữa trị riêng biệt. Chẩn đoán sớm và tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ trị bệnh giữ vai trò rất quan trọng, giúp hạn chế sự nguy hiểm của viêm cơ tim cấp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần nghỉ ngơi tuyệt đối và được các nhân viên y tế chăm sóc tích cực để giảm thiểu tối đa tai biến trong thời kỳ bệnh tiến triển.
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn đã có 12 năm kinh nghiệm tại các Bệnh Viện Đa Khoa Vĩnh Long, Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh Viện Nguyễn Trãi. Hiện nay đang là Bác sĩ Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực điều trị các bệnh về tim mạch, với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu chuyên môn và kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.