Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, lây lan nhanh qua đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, việc dùng chung vật dụng cá nhân như cốc uống nước cũng có thể làm lây bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào mũi, họng và đường hô hấp, sản sinh độc tố nguy hiểm. Chất độc này có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến viêm phổi, tổn thương tim, thận, và thậm chí là liệt thần kinh.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu
Bất kỳ triệu chứng nào sau đây có thể phát triển trong vòng 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm:
- Đau họng, ho, khàn giọng, sưng hạch ở cổ.
- Một lớp màng dày màu xám hoặc đen ở mũi, họng, đường hô hấp.
- Khó thở, nuốt khó, cảm giác yếu sức hoặc sốt.
- Chảy dịch mũi kèm máu hoặc mùi hôi.
- Vết loét da không lành, phủ màng xám.
- Buồn nôn và nôn.
Chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu
Bác sĩ thường kiểm tra mũi, họng, mảng bám (nếu có) và lấy mẫu xét nghiệm. Nhiễm khuẩn bạch hầu được điều trị tại bệnh viện. Các loại thuốc điều trị bạch hầu bao gồm một liều kháng độc tố để ngừng chất độc của bạch hầu và một loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiêm nhắc lại vắc-xin để tăng cường miễn dịch.
Phòng ngừa lây lan bệnh bạch hầu
Người bị nhiễm bệnh bạch hầu sẽ có nguy cơ lây bệnh cho người khác trong vòng tới 4 tuần. Hãy thận trọng ngay cả khi bạn không có triệu chứng của bệnh bạch hầu. Các biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh bạch hầu bao gồm:
- Hạn chế lây nhiễm: Không chia sẻ vật dụng cá nhân và khuyến khích những người sống cùng đi kiểm tra sức khỏe.
- Rửa tay thường xuyên: Sử dụng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, hoặc dung dịch sát khuẩn khi cần. Hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng nếu tay chưa sạch.
- Che miệng khi ho, hắt hơi: Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay, sau đó rửa tay ngay lập tức.
- Vệ sinh bề mặt: Làm sạch tay nắm cửa, điện thoại, mặt bàn và các vật dụng hay chạm vào bằng chất khử trùng.
- Tiêm phòng: Vắc-xin như DTaP, Tdap, và Td giúp ngăn ngừa bệnh. Phụ nữ mang thai nên tiêm Tdap trong khoảng tuần 27-36 để bảo vệ cả mẹ và bé.
Hãy đi khám ngay nếu có các triệu chứng khó thở nghiêm trọng hoặc nuốt ngày càng khó khăn, nhịp tim bất thường hoặc bạn chưa tiêm nhắc lại vaccine.
Điều trị bệnh bạch hầu
Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh bạch hầu như:
- Penicillin G Procaine
- Pfizerpen
- Penicillin G Potassium
- Penicillin G Sodium
Hãy nhớ, bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị nếu phát hiện sớm. Thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêm phòng đầy đủ và luôn theo dõi sức khỏe bản thân để bảo vệ bạn và gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Drugs.com