Bệnh Anorexia là gì?

Bệnh Anorexia còn gọi là chứng biếng ăn tâm thần. Tình trạng này thường liên quan tới việc giảm cân quá mức, chủ yếu gặp ở phụ nữ và có thể gây tổn hại lớn về sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh.

1. Bệnh Anorexia là gì?

Bệnh Anorexia (Anorexia nervosa) là một rối loạn ăn uống (eating disorder). Eating disorder là bệnh gì? Đây là các chứng bệnh về tâm thần nghiêm trọng, phức tạp, đi kèm những biến chứng về sức khỏe thể chất và tinh thần. Tình trạng này đặc trưng bởi những rối loạn trong suy nghĩ, hành vi và cảm giác về trọng lượng, hình dáng cơ thể, về thức ăn hoặc việc ăn uống của bệnh nhân. Bài viết này không tập trung đi sâu vào giải thích eating disorders là gì mà chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan tới bệnh Anorexia - chán ăn tâm thần.

Bệnh Anorexia là tình trạng bệnh nhân hạn chế quá mức việc tiêu thụ thức ăn và có những nỗi sợ vô lý về sự tăng cân, thay đổi hình dáng cơ thể. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ. Nếu kéo dài quá lâu mà không có biện pháp điều trị thích hợp, bệnh chán ăn tâm thần dễ dẫn tới giảm cân quá mức, gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân.

Đặc trưng của bệnh Anorexia là trọng lượng cơ thể thấp, thói quen ăn uống không phù hợp, nỗi lo sợ tăng cân và nỗi ám ảnh với việc phải có một thân hình gầy mảnh. Bệnh nhân thường tự cho mình quá béo, lặp đi lặp lại những hành động ám ảnh khác để đảm bảo họ vẫn gầy. Do sợ tăng cân, người bệnh Anorexia thường hạn chế ăn, dẫn tới những rối loạn về chuyển hóa và nội tiết tố. Người bệnh có thể bị chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ và thiếu năng lượng hoặc phải đối diện với nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

2. Triệu chứng bệnh Anorexia

Bệnh chán ăn tâm thần (Anorexia) thường khởi phát trong thời niên thiếu (trước đây là nhóm tuổi 13 - 17, nay thường gặp ở nhóm tuổi 9 - 12). Người bệnh cảm thấy đói nhưng họ chỉ ăn rất ít. Lượng calo trung bình của 1 người bị chán ăn tâm thần tiêu thụ là 600 - 800 calo/ngày. Có trường hợp họ có thể nhịn ăn hoàn toàn. Đây chính là bệnh tâm thần nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Triệu chứng điển hình bệnh Anorexia ở bệnh nhân nữ bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt, mất 3 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp;
  • Nhanh chóng sụt giảm đáng kể cân nặng;
  • Lông tơ mềm mọc trên mặt và cơ thể (một giả thuyết cho rằng biểu hiện này liên quan tới chức năng tuyến giáp);
  • Luôn ám ảnh với lượng calo và chất béo trong thực phẩm;
  • Chú ý tới thức ăn, việc nấu ăn, có thể nấu ăn cho người khác nhưng không ăn thức ăn mình tự nấu;
  • Luôn cho rằng bản thân thừa cân, duy trì chế độ ăn kiêng dù bản thân đã gầy hoặc thiếu cân một cách nguy hiểm;
  • Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ, sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc giảm cân hoặc gây nôn sau khi ăn;
  • Thường xuyên tập thể dục với cường độ rất cao;
  • Thường xuyên bị lạnh do mất chất béo hoặc có huyết áp rất thấp, nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt);
  • Trầm cảm, cô đơn, không muốn gặp gỡ bạn bè và người thân;
  • Vùng má có thể bị sưng lên do sự mở rộng của các tuyến nước bọt (do nôn quá mức);
  • Khớp sưng lên;
  • Đầy bụng, hơi thở có mùi hôi, mệt mỏi, rụng tóc, dễ thay đổi tâm trạng;
  • Nghiện rượu và các chất kích thích;
  • Dấu hiệu trên da: Tăng sắc tố da, viêm da, ngứa da, ban đỏ,...

3. Nguyên nhân gây bệnh Anorexia

Bệnh Anorexia (chán ăn tâm thần) thường do các nguyên nhân như:

  • Liên quan tới di truyền, sự tác động của môi trường làm thay đổi biểu hiện gen. Có nhiều chất dẫn truyền thần kinh được cho là có liên quan tới tình trạng chán ăn;
  • Có giả thuyết cho rằng chán ăn là 1 phản ứng với nhiễm trùng liên cầu hoặc mycoplasma. Ngoài ra, tình trạng thiếu kẽm cũng là nguyên nhân gây chán ăn;
  • Yếu tố văn hóa: Nhiều nơi coi chuẩn mực của cái đẹp ở phụ nữ là có vóc dáng gầy mảnh, cân đối. Người có vóc dáng đầy đặn thường chịu khá nhiều sự kỳ thị. Một nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng dân tộc, giới tính và tình trạng kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng lớn tới tình trạng chán ăn;
  • Yếu tố khác: Con cái của những người bị lạm dụng tình dục thường bị chán ăn; 23% người bị rối loạn ăn uống lâu dài là người tự kỷ.

4. Biến chứng của bệnh Anorexia

Một số biến chứng có thể gặp phải ở người bị chán ăn tâm thần:

  • Tiêu chảy, táo bón;
  • Rối loạn nước điện giải: Hạ natri và kali máu, mất răng, sâu răng, ngừng tim, phù, teo não, loãng xương, giảm bạch cầu;
  • Nếu bệnh Anorexia xuất hiện sớm, kéo dài và có mức độ nặng thì có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao, giảm cân nặng và suy dinh dưỡng mãn tính, thiểu năng sinh dục, chậm dậy thì. Gan nhiễm mỡ cũng là biểu hiện của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em;
  • Bệnh tim và loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh (co giật, run rẩy);
  • Biến chứng khác: Tổn thương cơ bắp, tê liệt, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,...

5. Điều trị bệnh Anorexia

Nếu bệnh chán ăn tâm thần không được điều trị thì những biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim và suy thận có thể xảy ra, ngày càng diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Có tới 6% bệnh nhân Anorexia tử vong do bệnh tim, thận.

Việc điều trị bệnh cần giải quyết 3 vấn đề chính gồm:

  • Khôi phục lại cân nặng phù hợp;
  • Điều trị các rối loạn tâm lý liên quan tới bệnh Anorexia;
  • Giảm hoặc loại bỏ các tư tưởng, hành vi dẫn tới rối loạn ăn uống.

Chế độ ăn uống chính là yếu tố quan trọng nhất cần phải điều chỉnh ở bệnh nhân bị chán ăn tâm thần. Chế độ ăn uống cần phải phù hợp với nhu cầu của mỗi bệnh nhân. Một số lưu ý gồm:

  • Bổ sung kẽm cũng mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh;
  • Người bệnh cần được cung cấp đầy đủ năng lượng trong các bữa ăn: Cung cấp 1.200 - 1.500 calo/ngày, tăng 500 calo/ngày. Quá trình này cần tiếp tục cho tới khi mức calo tiêu thụ đạt được 4.000 ở bệnh nhân nam và 3.500 ở bệnh nhân nữ;
  • Bổ sung các acid béo DHA và EPA có lợi cho các rối loạn tâm thần kinh ở bệnh nhân;
  • Sử dụng vitamin và dịch truyền cho người bệnh nếu cần thiết.

Ngoài ra, có thể dùng Olanzapine để điều trị một số vấn đề ở bệnh nhân chán ăn tâm thần, bao gồm nâng cao trọng lượng cơ thể và giảm ám ảnh. Đồng thời, liệu pháp nhận thức hành vi cũng được chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị bệnh Anorexia.

Bệnh Anorexia là chứng chán ăn tâm thần, đặc trưng bởi tình trạng cố gắng giảm cân tới mức độ ăn rất ít hoặc không ăn gì. Cần tích cực điều trị cho bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần để người bệnh có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe