Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ lười ăn là nỗi vất vả của nhiều bậc phụ huynh. Khi bé mắc chứng lười ăn chậm lớn, bạn thường có xu hướng ép con ăn. Việc này thường không mang lại nhiều kết quả khả quan. Hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân chứng biếng ăn, hậu quả của việc ép con ăn để có giải pháp phù hợp.
1. Nguyên nhân trẻ lười ăn?
1.1. Tình trạng sức khỏe của trẻ không tốt
Tình trạng sức khỏe của trẻ không tốt là nguyên nhân khiến trẻ lười ăn hơn ngày bình thường. Khi trẻ bị ốm, trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, đắng miệng và lười không muốn ăn thậm chí nôn trớ trong và sau khi ăn. Vì thế, các bố mẹ nên chú ý đến những biểu hiện hàng ngày của bé thường xuyên hơn, nếu như trẻ có xuất hiện những dấu hiệu ho, sổ mũi, sốt nhẹ,... hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ thay vì ép con ăn để tránh trường hợp khi bệnh đã nặng thêm và có nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm và khó điều trị.
1.2. Thực đơn không hợp khẩu vị của bé
Một thực đơn với đầy đủ các chất dinh dưỡng chuẩn khoa học là cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ không muốn ăn những món ăn này. Khi không hợp khẩu vị, trẻ sẽ lười ăn và khi bố mẹ lại bắt hay thúc ép con ăn, vô tình việc đó sẽ khiến trẻ bị áp lực trong mỗi bữa ăn dẫn đến tâm lý lười ăn, sợ hãi việc ăn uống.
Nhiều trẻ khi bị bố mẹ ăn sẽ tìm cách chống chế bằng cách ngậm thức ăn trong miệng, thậm chí là khi đã ngủ trẻ vẫn ngậm đầy miệng thức ăn, điều này không chỉ làm trẻ lười ăn chậm lớn mà còn dẫn đến hàng loạt liên quan đến vấn đề dinh dưỡng.
1.3. Trẻ ăn vặt quá nhiều trước bữa ăn
Vào các bữa phụ nếu trẻ ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng no căng bụng trong bữa chính và trẻ sẽ có xu hướng chán ăn và bỏ bữa.
Bên cạnh đó, các món ăn vặt thường rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Điển hình như các món: Bánh kẹo, snack, khoai tây chiên... Những món ăn này nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, nhiều dầu mỡ và tinh bột, sẽ gây hại về thể chất và trí não của bé. Khi trẻ ăn quá nhiều những thực phẩm này sẽ gây ra vấn đề răng miệng như sâu răng hay những vấn đề sức khỏe khác như: Rối loạn tiêu hoá, táo bón, béo phì, loãng xương, các vấn đề về tim mạch và có thể là nguy cơ gây bệnh ung thư sau này.
1.4. Trẻ bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất
Hiện nay, trẻ em là đối tượng dễ gặp tình trạng thiếu hụt các loại khoáng chất như: Kẽm, selen sẽ khiến bé cảm thấy không ngon miệng và lười ăn chậm lớn. Nếu như không được bổ sung kịp thời những dưỡng chất cần thiết, trẻ lười ăn trong thời gian dài sẽ gây suy dinh dưỡng, còi cọc, lười ăn chậm lớn và chậm phát triển trí não.
1.5. Trẻ quá hiếu động
Việc trẻ hiếu động là dấu hiệu tốt cho thấy trẻ có khả năng vận động và tư duy tốt. Tuy nhiên trẻ quá ham chơi dẫn đến bỏ ăn là nguyên nhân thường thấy nhất ở những đứa trẻ lười ăn. Sự mất tập trung trong ăn uống bởi những tác động xung quanh dần sẽ thành thói quen gây ra tình trạng lười ăn chậm lớn ở trẻ.
2. Hậu quả của việc ép con ăn
2.1. Thừa cân
Việc ép con ăn quá nhiều dẫn đến lượng lipid trong máu tăng cao gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Theo các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Thêm vào đó, nếu tình trạng này kéo dài thì những trẻ em này sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh nội khoa như: bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, sỏi thận, bệnh gout và nhiều bệnh liên quan khác khi trưởng thành.
2.2. Ảnh hưởng tâm lý
Ép con ăn dẫn đến những thói quen ăn uống không lành mạnh gây ra ảnh hưởng tâm lý lên trẻ và tạo cảm giác sợ ăn. Ép con ăn sẽ ảnh hưởng đến vô thức của trẻ, khiến tâm lý của trẻ có khuynh hướng nóng tính, cộc tính, hung dữ, hay quậy phá dẫn đến việc dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày.
2.3. Tạo thói quen xấu trong ăn uống
Thật trớ trêu, những trẻ bị ép ăn thường trở nên gầy hơn và lười ăn chậm lớn, suy dinh dưỡng hơn những trẻ không bị gia đình ép ăn. Điều này dẫn đến một hệ quả xấu đó là trẻ sẽ ăn không ngon, ăn một cách chống đối.
3. Cần làm gì khi trẻ lười ăn?
Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng lười ăn ở trẻ em? Để khắc phục tình trạng lười ăn chậm lớn của trẻ, bà mẹ cần thực hiện một số biện pháp sau:
3.1. Không nên kéo quá dài thời gian
Bố mẹ nên dự tính một khoảng thời gian nhất định và yêu cầu trẻ chỉ ăn trong thời gian này. Thực tế nhiều bé ăn từ sáng đến trưa mới xong, ăn trưa kéo dài đến chiều. Cả ngày cứ thế toàn là ăn, mà có nhiều nhặn gì đâu. Bố mẹ mệt mỏi, bé thì cũng chán ăn không kém.
Việc xác định thời gian cho bé, không nên kéo dài quá 30 phút, giúp trẻ tập trung vào bữa ăn, sau đó thì sẽ không ăn nữa. Nếu trẻ ăn ít quá thì sau đó có thể bổ sung thêm cho trẻ sữa chua, hoa quả hoặc những thức ăn có chất dinh dưỡng khác. Hoặc bạn có thể cố gắng cho trẻ ăn ở bữa kế tiếp hoặc tăng thêm bữa ăn cho bé.
3.2. Không nên ép trẻ ăn
Không ép con ăn khi trẻ không muốn ăn. Nếu trẻ ăn quá ít, bố mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 3-4 bữa. Mỗi lần chỉ cần cho con ăn một chén nhỏ cơm, hoặc cháo, bột là được, không nên ăn quá nhiều. Có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua, váng sữa vào những bữa phụ sau đó.
3.3. Thay đổi món ăn, cách chế biến
Bố mẹ có thể thiết kế thay đổi cách chế biến, không nên ép con ăn mãi một món ăn gây cảm giác nhàm chán. Mẹ có thể cho trẻ ăn dặm dần, ăn cơm nát, mì cắt nhỏ... đánh giá xem trẻ có ăn ngon miệng hơn không. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cho trẻ ăn cháo, bột, chuối xay, củ xay... nên để trẻ tự xúc ăn, hoặc hướng dẫn trẻ tự xúc ăn.
Nếu mẹ không có nhiều thời gian, có thể chuẩn bị thức ăn cho cả tuần nhưng không nên hấp chín, chỉ nên sơ chế (như bóc vỏ tôm, xay nhỏ thức ăn, chia nhỏ khẩu phần ăn từng bữa), sau đó để đông đá. Gần đến bữa thì rã đông bằng cách để xuống ngăn mát rã đông dần, như vậy sẽ không bị mất chất và tạo cảm giác ngon miệng hơn cho món ăn.
3.4. Đa dạng hóa thực đơn
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ em Việt Nam rất dễ bị thiếu các vitamin và khoáng chất vì chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa được đảm bảo và đầu tư đúng mức.
Tùy theo thể trạng và điều kiện, mỗi trẻ sẽ có một nhu cầu, sở thích và khẩu vị khác nhau. Một món ăn được trang trí đẹp mắt dễ hấp dẫn trẻ ăn nhiều hơn. Do đó, mẹ hãy chịu khó bỏ chút thời gian để thiết kế các món ăn đẹp mắt để kích thích sự thèm ăn ở trẻ.
3.5. Tạo thói quen tốt cho trẻ
Gia đình cần tạo cho bé thời gian để tăng cường các hoạt động thể chất. Cho bé vui chơi hay tham gia tập thể dục sẽ là cách để bé khỏe mạnh hơn, hạn chế thời gian xem tivi hay ngồi ì một chỗ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tập cho bé thói quen không ăn vặt, không ăn quá khuya, không ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán hay đồ ngọt. Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn cần dạy trẻ cách cung cấp năng lượng cho bản thân khi đói và uống nước ngay cả khi không khát.
Cuối cùng, bố mẹ nên cho bé đi khám định kỳ, người lớn cần thường xuyên ghi lại các chỉ số về chiều cao, cân nặng của trẻ để dễ dàng phát hiện những dấu hiệu bất thường như cân nặng của bé tăng đột biến hay những mầm mống bệnh tật mới hình thành.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108... Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.