Răng hàm có vai trò quan trọng trong việc nhai nghiền thức ăn và giúp cấu trúc xương hàm được cân đối. Một số trường hợp trẻ 6 tuổi bị mất răng hàm do sâu hoặc gãy rụng. Do đó nhiều phụ huynh thắc mắc bé 6 tuổi nhổ răng hàm có mọc lại không?
1. Răng hàm là gì?
Răng hàm hay còn gọi là răng cối, là những răng mọc ở vị trí trong cùng hàm, nói chính xác hơn răng hàm sẽ là những răng ở vị trí số 4,5 (hai răng hàm nhỏ) và 6,7,8 (3 răng hàm lớn) ở cả hàm trên và dưới. Răng hàm giúp xương hàm được cân đối và thực hiện chức năng ăn nhai nghiền nhỏ thức ăn trước khi thức ăn được đưa vào hệ tiêu hoá.
Về cấu trúc, răng hàm có kích thước to hơn các răng còn lại. Cấu tạo của răng gồm 2 phần là phần thân răng và chân răng được ngăn cách với nhau bằng cổ răng. Thân răng nằm phía trên cổ răng và gồm có 5 mặt đó là mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong và hai mặt bên. Trong đó, mặt nhai là mặt lớn nhất so với các mặt còn lại và tiếp xúc nhiều với các răng đối diện. Mặt nhai cũng đảm nhận vai trò nhai và nghiền nát thức ăn.
2. Trẻ mọc răng hàm khi nào?
Nhiều cha mẹ thắc mắc “trẻ mọc răng hàm khi nào?”, “có phải trẻ 6 tuổi mọc răng hàm hay không?”. Nhìn chung, mỗi người sẽ có 2 bộ răng, bao gồm răng sữa và răng vĩnh viễn. Trong đó, răng sữa là những chiếc răng đầu tiên, bắt đầu mọc khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Khi đến 24 tháng tuổi, trẻ sẽ có đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, trong đó, có 8 răng hàm chính. Đến khi được 6 - 7 tuổi, trẻ sẽ bước vào quá trình thay răng. Những chiếc răng sữa sẽ dần rụng đi để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn. Quá trình này thường kết thúc khi trẻ được 12 tuổi. Cũng trong thời gian này, trẻ sẽ mọc thêm răng hàm số 6 và răng hàm số 7 ở hai bên của cả 2 hàm, tổng cộng sẽ mọc thêm 8 răng. Lúc này trẻ sẽ có 28 răng vĩnh viễn. Từ 17 đến 25 tuổi, thường mọc thêm 4 chiếc răng hàm (hay còn gọi là răng khôn), nâng tổng số răng vĩnh viễn lên 32 răng, gồm 16 răng ở hàm trên và 16 răng ở hàm dưới.
Thông thường, trong giai đoạn trẻ em mọc răng hàm, cấu trúc răng miệng trở nên rất nhạy cảm. Do vậy, các bậc phụ huynh lưu ý hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách trong giai đoạn này để có thể phòng ngừa nguy cơ bị sâu răng.
3. Trẻ 6 tuổi nhổ răng hàm có mọc lại không?
Sâu răng hàm là một vấn đề thường gặp ở trẻ, do đó nhiều bậc phụ huynh thắc mắc bé 6 tuổi “nhổ răng hàm có mọc lại không?”. Theo quá trình phát triển tự nhiên của con người, răng ở vị trí số 4 và 5 sẽ rụng trong khoảng giai đoạn từ 6 – 12 tuổi để những răng mới có thể mọc lên. Thay cho những vị trí răng hàm rụng này là những răng vĩnh viễn có độ cứng cáp và giúp trẻ nhai tốt hơn.Tuy nhiên, quá trình mọc răng cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng, cơ địa của từng bé mà thay đổi. Tóm lại, nếu răng hàm tại các vị trí số 4 và số 5 bị rụng hoặc sứt mẻ trước thời gian này thì vẫn có khả năng mọc lại.
Tuy nhiên trong trường hợp răng hàm ở vị trí số 6, 7, 8 bị rụng, răng có thể vĩnh viễn không mọc lại nữa vì đây vốn là những răng trưởng thành, không thể thay thế giống như hai răng ở các vị trí trên. Những chiếc răng này mọc lên một cách độc lập và không tham gia trong quá trình thay răng sữa, nghĩa là chúng có thể mọc từ nhỏ và tồn tại vĩnh viễn. Đây cũng là những vị trí tiếp xúc nhiều nhất với thức ăn hàng ngày, do vậy nếu răng yếu hoặc lung lay, gãy rụng cũng rất khó có khả năng mọc lại. Bên cạnh đó, việc tự ý nhổ răng hàm cũng có thể khiến răng khó có thể mọc lại trong giai đoạn này. Chính vì vậy phụ huynh không được tự tiện nhổ răng của bé mà phải đưa tới các cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện tiểu phẫu đúng cách.
4. Trẻ bị gãy răng làm nên làm gì?
Như đã đề cập ở trên, nếu răng hàm nằm vị trí số 4 và 5 rụng trước thời điểm thay răng thì vẫn có thể mọc lên một cách tự nhiên vì răng hàm tại vị trí này chưa phải răng vĩnh viễn. Tuy nhiên trong trường hợp răng hàm tại vị trí số 6, 7, 8 bị rụng gãy, vì đây vốn là những răng vĩnh viễn nên sẽ không thể mọc lại. Vậy giải pháp cho những bé bị sâu hoặc gãy/rụng răng hàm là gì? Một biện pháp phục hồi răng hàm bị sâu, gãy khá hiệu quả hiện nay là bọc răng sứ. Kỹ thuật bọc răng sứ giúp khôi phục lại sự bền bỉ, chắc chắn của cấu trúc răng, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ, giúp trẻ tự tin hơn trong quá trình giao tiếp.
Tóm lại, đối với câu hỏi “bé 6 tuổi mọc răng hàm lại không?”, thì câu trả lời là tùy vào vị trí răng hàm bị gãy rụng. Nếu cha mẹ vẫn còn băn khoăn thì nên đưa con đến các phòng khám nha khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.