Nhiều người băn khoăn rằng liệu ăn ngọt nhiều có bị tiểu đường không. Xoay quanh vấn đề ăn ngọt và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm loại thực phẩm và lượng đường mà bạn tiêu thụ.
1. Tổng quan về lượng đường trong thực phẩm
Trước khi có lời giải đáp cho thắc mắc ăn ngọt nhiều có bị tiểu đường không, chúng ta sẽ tìm hiểu những thông tin tổng quan về lượng đường trong thực phẩm. Thực tế, đường tự nhiên có mặt trong tất các các thực phẩm từ trái cây, rau củ và những chế phẩm từ sữa. Những loại đường được sử dụng trong quá trình chế biến thức ăn chủ yếu là đường tự do (free sugar). Nhóm đường này cũng có mặt trong một số loại thực phẩm như sinh tố, si rô, mật ong, nước ép, bánh nướng, đồ ăn chế biến sẵn, nước sốt, nước tăng lực,...
Một trong những loại đường được sử dụng phổ biến hơn cả là đường tinh luyện. Loại đường này thường được tìm thấy ở đồ ngọt hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Một số nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ nhiều đường tinh luyện có thể dẫn đến một số vấn đề sức khoẻ nhất định. Do đó, bác sĩ thường khuyến nghị mọi người nên sử dụng đường tự nhiên để thay thế đường tinh luyện trong chế độ ăn uống hàng ngày.
2. Liệu ăn ngọt có bị tiểu đường không?
Có một bộ phận không nhỏ những người tin rằng khi cơ thể dung nạp quá nhiều đồ ngọt sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Trong khi đó, hầu hết các loại bệnh tiểu đường đều xuất phát từ sự gia tăng lượng đường trong máu của cơ thể. Vậy liệu ăn ngọt có bị tiểu đường không? Theo chuyên gia cho biết, dựa trên mỗi loại bệnh tiểu đường, chúng ta sẽ có những đánh giá khác nhau về việc sử dụng đồ ngọt đối với nguy cơ mắc bệnh, cụ thể:
Bệnh tiểu đường loại 1 không bắt nguồn từ đồ ngọt
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, ngay cả những người không ăn ngọt vẫn bị tiểu đường loại 1. Thực tế, bệnh tiểu đường tuýp 1 có xu hướng xảy ra do các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy bị hệ thống miễn dịch của cơ thể phá huỷ. Như vậy, nguyên nhân làm phát triển bệnh tiểu đường loại 1 không đến từ chế độ ăn uống nhiều đồ ngọt hay lối sống thường ngày của người bệnh.
Ăn ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu là do suy tuyến tụy hoặc tình trạng kháng insulin của cơ thể. Mặc dù việc ăn nhiều đồ ngọt không trực tiếp dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2, tuy nhiên đây được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này, nhất là ở những người bị thừa cân béo phì. Có thể nói, thói quen ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh chính là những tác nhân khiến bạn có khả năng cao bị tiểu đường loại 2.
Như vậy, ăn ngọt nhiều có bị tiểu đường không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như nguy cơ mắc loại tiểu đường của người bệnh. Việc tiêu thụ một lượng lớn đường tinh luyện và các loại đồ ngọt khác dù không là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường, tuy nhiên chúng có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ về lâu dài. Ngoài ra, việc ăn nhiều đồ ngọt còn làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và làm phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như đột quỵ hoặc tim mạch. Hơn nữa, việc tiêu thụ nhiều đồ ngọt cũng gây hại đáng kể cho răng miệng.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh với đồ ngọt
Xoay quanh câu chuyện ăn ngọt có bị tiểu đường không còn phụ thuộc vào số lượng cũng như loại đường mà bạn nạp vào cơ thể. Thông thường, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra nguồn năng lượng nhờ vào đường glucose. Loại đường đơn giản này có khả năng cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho não bộ, cơ bắp và các cơ quan còn lại trong cơ thể nhằm giúp mọi chức năng hoạt động suôn sẻ. Thông thường, đường glucose đến từ các loại đường tự nhiên có trong rau củ quả, trái cây và một số thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây, ngũ cốc và đậu.
Nhiều người có sở thích ăn đồ ngọt cũng như các thực phẩm chứa đường. Điều này sẽ là an toàn nếu bạn biết cân bằng lượng đường nạp vào cơ thể mỗi ngày thông qua một chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh. Đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường, việc sử dụng viên nén chứa glucose hoặc đồ uống có đường là điều vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị bệnh, nhất là khi lượng đường huyết bị hạ thấp quá mức.
Theo khuyến nghị của chuyên gia, lượng đường tối đa mà bạn nên tiêu thụ hàng ngày là 30g (đối với người trưởng thành), tương đương khoảng 7 muỗng cà phê đường / ngày. Chẳng hạn, một chiếc bánh quy sô cô la có chứa khoảng 2 muỗng đường, trong khi một muỗng canh tương cà chứa khoảng một muỗng đường. Do đó, nếu bạn không kiểm soát kỹ các loại đồ ngọt có thể dẫn đến tình trạng nạp vào cơ thể dư thừa lượng đường cần thiết, từ đó gây ra tình trạng thừa cân và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tốt nhất, bạn nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng với đồ ngọt để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ trên.
4. Làm thế nào để cắt giảm lượng hấp thụ đồ ngọt vào cơ thể?
Ngoài việc tìm hiểu xem ăn ngọt nhiều có bị tiểu đường không, bạn cũng nên trang bị cho bản thân một số giải pháp giúp cơ thể hạn chế lượng hấp thu đường. Như đã đề cập ở trên, việc sử dụng đường trong chế độ ăn uống có làm tăng mức đường huyết không còn tùy thuộc vào lượng tiêu thụ cũng như loại đường mà bạn sử dụng mỗi ngày. Ngoài ra, cơ thể con người cũng cần đến đường để tạo năng lượng cho các hoạt động sống, do đó chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn đồ ngọt ra khỏi chế độ ăn uống thường ngày.
Các loại đường tự nhiên có trong sữa, trái cây và rau củ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhiều khía cạnh sức khỏe cũng như sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể mà không làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, bạn cần lựa chọn sáng suốt các loại thực phẩm chứa đường tự nhiên thay vì đường tinh luyện. Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia dinh dưỡng giúp bạn dễ dàng cắt giảm lượng tiêu thụ đồ ngọt và đường trong chế độ ăn uống hằng ngày:
- Tăng cường bổ sung các loại rau củ và trái cây tươi: Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến các loại rau củ quả thành món ăn, nước ép hay sinh tố để thưởng thức mỗi ngày. Vị ngọt tự nhiên của các loại trái cây không gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, thậm chí còn cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất và vitamin thiết yếu.
- Giảm lượng tiêu thụ các đồ ăn vặt chứa đường như sô cô la, bánh kéo hoặc nước ngọt. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các thực phẩm ăn vặt tốt cho người tiểu đường như trái cây, sữa chua hoặc một số loại hạt không tẩm muối.
- Hạn chế tiêu thụ các thức uống chứa nhiều đường như trà sữa, nước ngọt đóng chai. Tốt nhất, bạn nên uống các loại nước như nước lọc hoặc nước ép trái cây để cung cấp các lợi ích tốt hơn cho sức khỏe.
- Thiết lập và tuân thủ theo một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, tránh dung nạp dư thừa các chất dinh dưỡng không tốt cho cơ thể. Khi mua hoặc lựa chọn bất kỳ sản phẩm nào, bạn cũng nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng để xác định lượng đường và loại đường có trong thực phẩm đó. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng hấp thụ đường một cách hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com