Nhiều bạn trẻ tìm hiểu cần làm gì khi chuẩn bị mang thai sẽ dễ dàng bị choáng ngợp bởi vô số khái niệm mới, bao gồm cả những thuật ngữ y tế chuyên ngành. Sau đây là danh sách giải thích những cụm từ thường gặp cho người chuẩn bị mang thai và sinh con.
1.Thuật ngữ y tế từ A - F
- Artificial insemination - Thụ tinh nhân tạo
Còn được gọi là thụ tinh trong tử cung, viết tắt là IUI. Đây là một phương pháp điều trị hiếm muộn, trong đó tinh trùng được đưa vào tử cung thông qua một ống dài và mỏng tại thời điểm rụng trứng. Mặc dù có tỷ lệ thành công thấp hơn phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo IUI sẽ đơn giản và ít tốn kém hơn.
- Assisted reproductive technology (ART) - Công nghệ hỗ trợ sinh sản
Đề cập đến tất cả các phương pháp điều trị liên quan đến việc xử lý trứng hoặc phôi bên ngoài cơ thể. Các kỹ thuật này thường được kết hợp với thuốc để tăng tỷ lệ mang thai thành công.
- Basal body temperature (BBT) - Thân nhiệt cơ bản
Nhiệt độ cơ thể thấp nhất trong 24 giờ, ước tính bằng cách đo nhiệt kế khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Một số phụ nữ theo dõi thân nhiệt cơ bản để dự đoán ngày rụng trứng. Một ngày sau khi rụng trứng, sự thay đổi nội tiết tố sẽ làm tăng nhẹ thân nhiệt.
- Blighted ovum - Trứng trống / rỗng
Trứng được thụ tinh và cấy vào tử cung nhưng không phát triển thành phôi. Người mẹ vẫn mất kinh và có kết quả thử thai dương tính, nhưng sau đó sẽ sảy thai tự nhiên. Tình trạng này còn được gọi là thai không phôi (anembryonic pregnancy) hoặc suy thai sớm.
- Bromocriptine
Một loại thuốc được bác sĩ kê toa nếu cơ thể bạn sản xuất quá nhiều prolactin - chất làm cản trở rụng trứng và khiến chu kỳ không đều.
- Cervical mucus (CM) - Dịch nhầy cổ tử cung
Một loại dịch tiết âm đạo có kết cấu, màu sắc và số lượng khác nhau trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng bởi sự dao động mức độ hormone. Một số phụ nữ theo dõi sự thay đổi chất nhầy này để dự đoán thời điểm rụng trứng.
- Charting
Biểu đồ theo dõi thân nhiệt, chất nhầy cổ tử cung và các triệu chứng khác để xác định thời gian diễn ra các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, từ đó dự đoán đúng ngày rụng trứng.
- Clomiphene (tên thương hiệu Clomid và Serophene)
Thuốc kích thích sản xuất trứng ở phụ nữ và cải thiện số lượng hoặc chất lượng tinh trùng ở nam giới. Thường được chỉ định sử dụng trước khi thụ tinh nhân tạo.
- Ectopic pregnancy - Thai ngoài tử cung
Khi trứng được thụ tinh nằm bên ngoài tử cung, không thể phát triển thành thai nhi và có thể gây nguy hiểm cho người mẹ. Trong trường hợp này, chủ động kết thúc thai kỳ là lựa chọn duy nhất. Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài tử cung xảy ra trong ống dẫn trứng.
- Egg freezing - Trứng đông lạnh
Duy trì khả năng sinh sản của phụ nữ bằng cách lấy trứng ra ngoài và trữ lạnh. Sau này khi muốn sử dụng, trứng sẽ được tan băng và kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi, sau đó được đặt vào tử cung (cùng quy trình với Thụ tinh trong ống nghiệm IVF). Phương pháp này còn được gọi là bảo quản lạnh noãn bào.
- Endometriosis - Lạc nội mạc tử cung
Các mô nằm trong tử cung (nội mạc tử cung) phát triển bất thường, vượt ra bên ngoài và có thể gây sẹo hoặc đau đớn. Khoảng 1/4 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung gặp khó khăn trong việc thụ thai.
- Folic acid
Loại vitamin bổ sung được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Uống 400 microgam axit folic mỗi ngày, bắt đầu ít nhất 1 tháng trước khi chuẩn bị mang thai giúp giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống.
- Follicle-stimulating hormone (FSH) - Hormon kích thích nang trứng
Được tuyến yên tiết ra, có nhiệm vụ kích thích sự phát triển của nang trứng và đóng vai trò kích hoạt rụng trứng.
- Follicular phase - Giai đoạn nang trứng
Một giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, bắt đầu vào ngày hành kinh và kết thúc bằng sự rụng trứng. Trong giai đoạn này, buồng trứng chuẩn bị giải phóng một quả trứng, đồng thời niêm mạc tử cung tích tụ lại để chuẩn bị mang thai nếu có sự thụ tinh. Ở phụ nữ có chu kỳ 28 ngày, giai đoạn này diễn ra trong khoảng 9 - 21 ngày.
2.Thuật ngữ y tế từ G - L
- Gamete intrafallopian transfer (GIFT) - Chuyển giao tử qua ống dẫn trứng
Một phương pháp điều trị hiếm muộn tương tự IVF, nhưng thay vì thụ tinh trong phòng thí nghiệm, tinh trùng và trứng được đặt vào ống dẫn trứng qua một vết mổ nhỏ ở bụng. Nếu thành công, sự thụ tinh sẽ xảy ra bên trong cơ thể, kết quả là phôi tự đi đến và cấy vào tử cung. Tuy nhiên kỹ thuật này hiếm khi được sử dụng ngày nay vì tính xâm lấn và rủi ro hơn IVF.
- Genetic carrier screening - Sàng lọc gen di truyền
Xét nghiệm ở người bố hoặc mẹ tương lai, giúp tìm đột biến gen có nguy cơ gây rối loạn di truyền nghiêm trọng cho em bé. Nên sàng lọc khi chuẩn bị mang thai. Trong trường hợp một trong hai người mang mầm bệnh, có thể cân nhắc lựa chọn thụ tinh nhân tạo hoặc nhận con nuôi, giúp tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.
- Gestational surrogacy - Mang thai hộ
Dịch vụ nhờ một người phụ nữ khác mang thai và sinh con cho bạn. Trứng và tinh trùng có thể là của hai vợ chồng bạn hoặc nhận một nửa từ người hiến ẩn danh.
- Gonadotropin
Một loại thuốc kích thích buồng trứng sản xuất trứng, cũng như hỗ trợ nam giới bị mất cân bằng hormone khiến số lượng tinh trùng thấp hoặc chất lượng tinh trùng kém. Thuốc thường được sử dụng trước khi thụ tinh nhân tạo nếu clomiphene không có hiệu quả.
- Human chorionic gonadotropin (hCG) - Hormone sinh dục ở người
Được sản xuất bởi nhau thai đang phát triển, sau khi trứng đã thụ tinh cấy vào tử cung. Nếu que thử thai tại nhà phát hiện hormone này trong nước tiểu, bạn sẽ nhận được kết quả dương tính.
- Hypogonadism - Suy tuyến sinh dục nam
Sự thiếu hụt hormone giới tính ngăn cản tinh hoàn tạo ra tinh trùng. Khoảng 2% nam giới bị vô sinh do mắc phải tình trạng này, nhưng may mắn là có thể điều trị bằng thuốc.
- In vitro fertilization (IVF) - Thụ tinh trong ống nghiệm
Phương pháp điều trị hiếm muộn công nghệ cao phổ biến nhất. Nhiều trứng được kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Sau khi xảy ra thụ tinh, một hoặc nhiều phôi có chất lượng tốt được đặt vào tử cung thông qua cổ tử cung. Phần còn lại có thể được đông lạnh để sử dụng sau này hoặc hiến tặng.
Video đề xuất:
- Infertility - Vô sinh
Người ở độ tuổi sinh sản nhưng chưa thể mang thai sau khi đã cố gắng trong vòng 1 năm. Vô sinh không đồng nghĩa là bạn sẽ không bao giờ thụ thai, mà chỉ là một thuật ngữ y tế chung. Nhiều cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh vẫn có thể sinh con, thường là nhờ sự giúp đỡ của các phương pháp điều trị hiếm muộn.
- Intracytoplasmic sperm injection (ICSI) - Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng
Một kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, trong đó một tinh trùng sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng. Phương pháp này thường hữu ích với các cặp đôi gặp phải vấn đề về chất lượng hoặc số lượng tinh trùng.
- Irregular period - Kinh nguyệt không đều
Một chu kỳ kinh nguyệt thay đổi dài ngắn thất thường, kéo dài từ tháng này sang tháng khác. Trong một số trường hợp, kinh nguyệt không đều có thể cảnh báo một vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Last menstrual period (LMP) - Kỳ kinh cuối
Ngày bắt đầu hành kinh gần đây nhất, giúp bác sĩ ước tính về ngày dự sinh và khoảng thời gian bạn đã mang thai bao nhiêu tháng.
Video đề xuất:
- Luteal phase - Giai đoạn hoàng thể
Một giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, giữa ngày rụng trứng và ngày bắt đầu kỳ kinh tiếp theo. Thời gian kéo dài của giai đoạn này rất khác nhau ở mỗi người phụ nữ, trong bình là khoảng 2 tuần, nếu quá ngắn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong giai đoạn hoàng thể, nồng độ estrogen và progesterone tăng cao hơn để niêm mạc tử cung chuẩn bị mang thai.
- Luteinizing hormone (LH)
Một loại hormone sinh sản đạt đỉnh ngay trước khi bạn rụng trứng, giúp bộ dụng cụ thử nước tiểu dự đoán thời điểm rụng trứng.
3.Thuật ngữ y tế từ M - Z
- Miscarriage - Sảy thai
Mất thai tự nhiên trong 20 tuần đầu, chiếm khoảng 10 - 20% các trường hợp mang thai và hơn 80% ca sảy thai diễn ra trước 12 tuần.
- Mittelschmerz - Hội chứng Mittelschmerz
Cảm giác đau bụng dưới hoặc chuột rút vào khoảng thời gian rụng trứng ở một số phụ nữ, có thể kéo dài trong vài phút hoặc vài ngày. Hầu hết nữ giới không gặp bất kỳ triệu chứng thực thể nào khi rụng trứng.
- Molar pregnancy - Chửa trứng (Mang thai giả)
Trứng được thụ tinh phát triển bất thường (không phải phôi thai) và cấy vào tử cung. Tình trạng này thường gây chảy máu âm đạo nặng trong 3 tháng đầu. Nếu được chẩn đoán mang thai giả, bạn cần phẫu thuật để loại bỏ các mô bất thường.
- Ovarian hyperstimulation syndrome (OHSS) - Hội chứng quá kích buồng trứng
Xảy ra khi thuốc kích thích buồng trứng quá mức, làm sản xuất quá nhiều trứng. Tình trạng này thường nhẹ, nhưng đôi khi cũng có thể nghiêm trọng đến mức cần nhập viện. Các triệu chứng phổ biến bao gồm tăng cân và đầy bụng hoặc đau nhẹ.
- Ovulation - Rụng trứng
Một giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, khi một quả trứng (hoặc nhiều hơn) được phóng ra khỏi buồng trứng. Bạn dễ thụ thai nhất từ 2 ngày trước đến 1 ngày sau rụng trứng.
- Ovulation predictor kit (OPK) - Bộ dự đoán rụng trứng
Giúp xác định những ngày dễ thụ thai nhất trong chu kỳ. Bộ dụng cụ thử nước tiểu sẽ kiểm tra sự gia tăng hormone luteinizing, xảy ra 24 - 36 giờ trước khi rụng trứng. Bộ dụng cụ thử nước bọt sẽ xem xét sự gia tăng nồng độ estrogen.
- Polycystic ovarian syndrome (PCOS) - Hội chứng buồng trứng đa nang
Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố, ngăn cản rụng trứng thường xuyên và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm tăng cân và rậm lông tóc. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nữ giới.
- Preconception checkup - Khám tiền sản
Xem xét lịch sử y tế hoàn chỉnh và thăm khám lâm sàng, được thực hiện từ vài tháng đến 1 năm khi bắt đầu chuẩn bị mang thai. Dịch vụ này giúp xác định những bước cần làm gì khi chuẩn bị mang thai và cung cấp cho bác sĩ thông tin cơ bản hữu ích về sức khỏe của bạn.
- Preimplantation genetic diagnosis (PGD) - Chẩn đoán di truyền tiền ghép
Xác định các khiếm khuyết di truyền nhất định trong phôi trước khi cấy vào tử cung thông qua kỹ thuật IVF. Ví dụ như xem xét các gen mắc bệnh xơ nang và thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Preimplantation genetic screening (PGS) - Sàng lọc di truyền tiền ghép
Xác định số lượng nhiễm sắc thể trong phôi trước khi chuyển đến tử cung thông qua IVF. Chỉ những phôi có số lượng nhiễm sắc thể bình thường mới được sử dụng, vì chúng làm tăng tỷ lệ mang thai thành công và phát triển thành một em bé khỏe mạnh.
- Sperm allergy - Dị ứng tinh trùng
Phản ứng miễn dịch hiếm gặp đối với tinh trùng, có thể gây ngứa, rát, sưng và các triệu chứng dị ứng khác trong vòng vài phút đến 1 giờ sau khi tiếp xúc với tinh dịch. Dị ứng tinh trùng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng có thể làm cho việc quan hệ tình dục không thoải mái, thậm chí nguy hiểm. Đối với phụ nữ có triệu chứng nặng, thụ tinh nhân tạo hoặc ống nghiệm có thể là lựa chọn phù hợp.
- Traditional surrogacy - Mang thai hộ truyền thống
Khi một người phụ nữ khác, sử dụng trứng của chính họ, mang thai và sinh con cho bạn.
- Uterine fibroids - U xơ tử cung
Các khối u phát triển từ mô cơ trong tử cung. Mặc dù hiếm khi diễn biến thành ung thư, nhưng có thể gây đau và chảy máu, cản trở khả năng mang thai.
- Zygote intrafallopian transfer (ZIFT) - Chuyển hợp tử vào vòi trứng
Một phương pháp điều trị hiếm muộn, trong đó trứng được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm, sau đó đặt vào ống dẫn trứng thông qua vết mổ nhỏ ở bụng. Một hoặc nhiều trứng được thụ tinh - gọi là hợp tử, phải tự di chuyển và đến cấy vào tử cung. Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn xâm lấn, vì vậy hiện nay hiếm khi được thực hiện.
Một số vấn đề xảy ra trong lần mang thai trước có thể làm tăng nguy cơ gặp vấn đề tương tự trong lần mang thai sau. Những vấn đề này bao gồm sảy thai sớm, thai lưu, sinh non, huyết áp cao, tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc đúng cách trước và trong khi mang thai, khả năng gặp các rủi ro sẽ không bị lặp lại lần nữa. Do đó, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
XEM THÊM: