Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Có nhiều cách để phòng ngừa bệnh tim mạch và các biến cố của bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, luyện tập thể thao đều đặn và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
1. Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Bệnh tim mạch là những căn bệnh gây ra do sự rối loạn của tim và mạch máu. Hiện trên thế giới, các bệnh lý tim mạch ảnh hưởng tới đa số người trên 60 tuổi. Trong những năm gần đây, theo các báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, bệnh tim mạch đang ngày càng ảnh hưởng tới nhiều người hơn và ảnh hưởng tới người ở lứa tuổi trẻ hơn. Năm 2012 và 2013, trên toàn cầu, ước tính bệnh tim mạch dẫn tới 17,3 triệu người chết. Năm 2019, tại Mỹ, 48% người lớn ≥20 tuổi mắc các bệnh lý tim mạch bao gồm bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ và tăng huyết áp. Tại Việt Nam, theo thống kê, bệnh tim mạch là nguyên nhân của 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016, tương đương với hơn 170.000 người.
Các biến cố tim mạch thường bao gồm: bệnh mạch vành (với biểu hiện là nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim cấp và tử vong do bệnh mạch vành); bệnh mạch não (với biểu hiện là đột quỵ hay cơn thiếu máu não thoáng qua); bệnh động mạch ngoại biên (với biểu hiện là chứng đau cách hồi) và bệnh động mạch chủ (với biểu hiện là phình hoặc tách thành động mạch chủ ngực, bụng).
Các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được, quan trọng dẫn tới bệnh lý tim mạch hay các biến cố tim mạch bao gồm: rối loạn mỡ máu (đặc biệt là LDL-cholesterol cao), cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì và lối sống ít vận động.
2. Phòng ngừa bệnh tim mạch và biến cố bệnh tim mạch như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch và các biến cố tim mạch, đơn giản nhất là chúng ta có thể thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đều đặn, bỏ thuốc lá, tránh sử dụng quá nhiều rượu bia. Đồng thời, kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết và duy trì cân nặng tối ưu. Cụ thể:
2.1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh được gợi ý là một chế độ ăn đa dạng, bổ sung nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, các loại thịt ít béo như cá, gia cầm, sữa ít béo và dầu ô liu. Bên cạnh đó, bạn nên tránh thịt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường. Tránh thực phẩm chứa trans – fat và hạn chế chất béo bão hòa, bởi đây là những dạng chất béo gây hại cho cơ thể. Thực phẩm chứa trans – fat thông dụng bao gồm: đồ ăn nhanh, các loại bánh ngọt, bánh quy, donut, bơ thực vật... Thực phẩm chứa chất béo bão hòa bao gồm: các thực phẩm như sữa nguyên kem, phô mai, kem, thịt đỏ. Muối nên hạn chế khoảng 1 thìa cà phê một ngày (5g/ngày, tương đương với lượng natri 2,4g).
2.2. Thuốc lá và rượu bia
Thuốc lá là một trong nguyên nhân quan trọng dẫn tới các bệnh lý tim mạch. Khoảng 30% người lớn tử vong do tim mạch có liên quan tới hút thuốc lá hoặc tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc lá. Tỷ lệ tử vong ở người hút thuốc lá cao hơn gấp 3 lần người không hút thuốc bao giờ. Nguy cơ tim mạch bắt đầu giảm sau khoảng 1 năm ngừng hút thuốc lá và trở về mức tương đương người không hút thuốc lá sau 10 năm ngừng hút thuốc lá. Nguy cơ đột quỵ trở về mức tương đương người không hút thuốc lá chỉ sau 2-5 năm ngừng hút thuốc lá.
Nên hạn chế rượu bia, tránh dùng quá mức. Đặc biệt, ở người có sẵn các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, mỗi người chỉ nên sử dụng tối đa 1 đơn vị rượu một ngày ở nữ giới và 2 đơn vị rượu một ngày ở nam giới. Một đơn vị rượu quy đổi tương đương 360ml bia hoặc đồ uống 5o, 150ml đồ uống 12o, 45 ml đồ uống hay rượu mạnh 40o.
2.3. Giảm cân và luyện tập thể lực
Trong vài thập niên gần đây, chỉ số khối cơ thể (BMI) của cả trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn đã tăng lên trên toàn thế giới. BMI cao và vòng bụng lớn có liên quan tới nguy cơ tim mạch và tỷ lệ tử vong ở cả người trẻ và người lớn tuổi, không phân biệt giới tính. Người Việt Nam nên duy trì mức BMI 18,5-22,9 kg/m2. Vòng bụng không nên vượt quá 80cm ở nữ và 94cm ở nam. Béo phì không chỉ gia tăng nguy cơ tim mạch mà còn là gánh nặng cho rất nhiều bệnh lý chuyển hóa, nội tiết, cơ xương khớp khác.
Lối sống ít vận động đang ngày càng trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi và trở thành một trong những yếu tố cộng gộp gây nên tình trạng béo phì và các bệnh lý tim mạch chuyển hóa. Theo các hướng dẫn của các tổ chức uy tín trên thế giới, để giảm nguy cơ tim mạch, mỗi người nên duy trì chế độ vận động mức độ trung bình khoảng 150 phút/tuần hoặc chế độ vận động tích cực 135 phút/tuần. Hoạt động thể lực mức độ trung bình được gợi ý như đi bộ với tốc độ 6,5km/h, đạp xe với tốc độ 15km/h, tập thể dục dưới nước, chơi bóng rổ, bóng chuyền,... hay làm việc nhà đòi hỏi vận động như làm vườn. Hoạt động thể lực mức độ tích cực được gợi ý như đi bộ nhanh, chạy, chơi tennis đơn, đạp xe với tốc độ >15km/h...Bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia để đánh giá mức độ vận động cho mình. Nếu không thể duy trì một chế độ vận động tương tự, bạn nên cố gắng vận động nhiều nhất trong khả năng của mình.
2.4. Kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết
Nếu bạn có vấn đề về huyết áp, rối loạn mỡ máu hay tiểu đường, bạn cần được kiểm soát chặt chẽ bởi bác sĩ. Bạn cần tuân thủ chế độ ăn uống luyện tập và sử dụng thuốc đều đặn. Không nên tự ý bỏ thuốc, tăng hoặc giảm liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Bạn cần tái khám theo hẹn hoặc định kỳ và đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể để được tư vấn những biện pháp hỗ trợ tối ưu.
Nếu không có những vấn đề đặc biệt, thông thường, huyết áp của bạn nên giảm xuống dưới 140/90mmHg trong thời gian đầu. Sau đó, huyết áp tâm thu nên duy trì ở mức 120-130mmHg và huyết áp tâm trương nên duy trì ở mức dưới 80mmHg. Chỉ số đường huyết trung bình 3 tháng HbA1C nên đạt dưới 7%. Tùy mức đánh giá nguy cơ tim mạch, bác sĩ sẽ cân nhắc mục tiêu hạ mỡ máu của bạn để vừa đảm bảo hiệu quả bảo vệ, vừa an toàn cho bạn.
2.5. Thuốc và các chế phẩm giúp dự phòng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch
Không nên tự ý mua các thuốc hay thực phẩm chức năng để dự phòng bệnh lý tim mạch. Bạn nên tới gặp bác sĩ để được trao đổi và tư vấn về nguy cơ tim mạch cụ thể của mình cũng như các biện pháp dự phòng phù hợp. Omega 3 tồn tại trong nhiều chế phẩm, thực phẩm chức năng trên thị trường. Những sản phẩm này có thể có lợi để dự phòng tái phát biến cố tim mạch trong một số trường hợp cụ thể với mức liều phù hợp. Hiện chưa có bằng chứng sử dụng omega 3 có thể giúp phòng ngừa mắc các biến cố tim mạch lần đầu tiên.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc mỡ máu thuộc nhóm statin để dự phòng biến cố tim mạch. Các thuốc này không chỉ có tác dụng giảm mỡ máu mà còn được chứng minh là giúp giảm nguy cơ biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay tử vong tim mạch. Chính vì thế, khi được kê đơn và tư vấn sử dụng lâu dài, bạn không nên tự ý ngừng thuốc, kể cả khi mỡ máu của bạn trở về bình thường.
2.6. Tránh tái phát biến cố tim mạch
Nếu bạn đã không may gặp phải biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ, điều quan trọng cần phải tuân thủ thuốc điều trị và tái khám định kỳ, cũng như thực hiện tốt chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá rượu bia và luyện tập thể lực phù hợp. Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp biến cố tim mạch những lần tiếp theo. Không tự ý bỏ thuốc được kê đơn ngay kể cả khi cơ thể bạn hoàn toàn bình thường.
Hi vọng thông qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu được về bệnh tim mạch để có cách phòng ngừa, xây dựng chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.