Bạn có thể nghiện son dưỡng môi?

Son dưỡng môi có tác dụng bảo vệ môi không bị khô, nứt nẻ và chảy máu. Tuy nhiên, cũng chính vì tác dụng này mà nhiều người đã bị nghiện son dưỡng môi. Vậy làm thế nào để biết bạn có đang nghiện son dưỡng môi hay không?

Một bác sĩ chuyên khoa da liễu Melissa Piliang cho biết, nghiện son dưỡng môi không phải là một vấn đề về sinh lý, đó là vấn đề thuộc về tâm lý, bởi khi thoa son dưỡng môi, bạn thường cảm thấy dễ chịu và thoải mái vì giúp làm dịu đôi môi đang bị khô. Trong vô thức, tác dụng của thoa son dưỡng môi đã tác động đến tâm lý của bạn và hình thành thói quen.

1. Dấu hiệu cho biết bạn có bị nghiện son dưỡng môi không?

Hãy thành thật trả lời những câu hỏi được đưa ra bởi bác sĩ Melissa Piliang để biết liệu bạn có đang bị nghiện son dưỡng môi không?

  • Bạn có thường xuyên mang theo son dưỡng môi không?
  • Có phải bất kỳ chỗ nào xung quanh bạn cũng có son dưỡng môi không? (trong túi xách cá nhân, trên xe, phòng ngủ, phòng tắm, ...)
  • Bạn có chi nhiều tiền vào việc mua son dưỡng môi không?
  • Gia đình hoặc bạn bè có nhận xét rằng bạn sử dụng son dưỡng môi quá thường xuyên không?
  • Bạn có dành nhiều thời gian để thoa son dưỡng môi đến mức đi làm muộn không?
  • Nếu không dùng son dưỡng môi, bạn có cảm thấy khó chịu hoặc không thể tập trung làm việc, tận hưởng cuộc sống không?

Nếu hầu hết các câu trả lời của bạn là “Có”, nghĩa là bạn đang bị phụ thuộc vào son dưỡng môi, hay nói cách khác là có thể bạn đang nghiện son dưỡng môi.

2. Tại sao sử dụng son dưỡng môi lại có thể gây nghiện?

Sử dụng son dưỡng môi có thể đem lại cảm giác dễ chịu và thoải mái đối với một số người vì son dưỡng môi giúp đôi môi được mịn, ẩm, không bị khô và ngứa.

Nhờ tác dụng đó, son dưỡng môi giúp làm giảm tâm trạng lo lắng và căng thẳng do sự khó chịu trên môi gây ra, từ đó, hình thành nên thói quen sử dụng son dưỡng môi một cách thường xuyên hơn.

Mặc dù không phải là hành vi nghiện vật chất, nhưng son dưỡng môi đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ khó dừng việc thoa son lại. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng son dưỡng môi không ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ hay cuộc sống thì không phải là hành vi gây nghiện.


Sử dụng son dưỡng môi có thể đem lại cảm giác dễ chịu và thoải mái đối với một số người
Sử dụng son dưỡng môi có thể đem lại cảm giác dễ chịu và thoải mái đối với một số người

3. Điều gì khiến bạn phải sử dụng son dưỡng môi thường xuyên?

Đôi khi, việc sử dụng son dưỡng môi thường xuyên không phải là nghiện mà là một thói quen. Thói quen này hình thành khi người tiêu dùng bị rơi vào chu kỳ khô môi do son dưỡng môi gây ra.

Chu kỳ này thường xảy ra như sau: Nhiều người có thói quen liếm môi sau khi thoa son dưỡng môi, có thể là vì họ đang sử dụng loại son có mùi thơm (hương trái cây) hoặc muốn cảm nhận độ mềm, mịn, ẩm của đôi môi không bị khô.

Tuy nhiên, khi liếm môi, lượng nước bọt trên lưỡi đọng lại trên môi và cùng với lớp son dưỡng sẽ nhanh chóng bay hơi và khiến lớp da mỏng trên môi bị khô. Và khi thấy môi bị khô, người tiêu dùng lại tiếp tục sử dụng son dưỡng để xoa dịu tình trạng khô môi.

Hoặc đôi khi chu kỳ khô môi xảy ra là do trong thành phần của son dưỡng môi có chất gây kích ứng nhẹ hoặc khô môi nhẹ, khiến người tiêu dùng phải sử dụng son dưỡng môi nhiều hơn.

Nếu việc sử dụng son dưỡng môi không cải thiện tình trạng môi khô và nứt nẻ, hãy tránh sử dụng những hóa mỹ phẩm có thành phần như bạch đàn, tinh dầu bạc hà, cam quý, quế, hương liệu, phenol, menthol, oxybenzone hoặc octinoxate, lanolin, propyl gallate, axit salicylic để đôi môi không bị kích ứng.


Chu kỳ khô môi xảy ra là do trong thành phần của son dưỡng môi có chất gây kích ứng nhẹ
Chu kỳ khô môi xảy ra là do trong thành phần của son dưỡng môi có chất gây kích ứng nhẹ

4. Làm thế nào để sử dụng son dưỡng môi mà không bị nghiện?

Nếu sử dụng son dưỡng môi khiến môi bạn bị khô và nứt nẻ, bạn cần kiểm tra xem thành phần của son dưỡng có hương liệu hoặc hóa chất tạo hương thơm không, vì đây là những chất kích ứng môi.

Để cải thiện tình trạng môi khô và nứt nẻ, bạn nên chọn loại son dưỡng môi có thành phần ít gây kích ứng hơn từ dầu của các loại hạt như hạt gai dầu, hạt thầu dầu, bơ hạt mỡ, dầu khoáng, ceramides, dimethicone, petrolatum, ...

Nếu bạn có thói quen liếm môi, hãy sử dụng sản phẩm son dưỡng giúp ngăn chặn sự bay hơi để không bị rơi vào chu kỳ khô môi khiến bạn phải sử dụng son dưỡng nhiều hơn.

Ngoài ra, nếu thường xuyên ở ngoài trời, bạn nên chọn loại son dưỡng môi có chống nắng để ánh nắng mặt trời không làm khô môi, tốt nhất thoa son dưỡng môi có chỉ số chống nắng SPF từ 30 trở lên. Để tránh kích ứng da trên môi khi thoa son dưỡng môi chống nắng, cần chọn loại có thành phần là oxit titan hoặc oxit kẽm.

Cuối cùng, uống nước đầy đủ và thường xuyên là cách tốt nhất để cung cấp độ ẩm cho đôi môi. Và bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để hỗ trợ cung cấp độ ẩm cho phòng ngủ của bạn, giúp ngăn ngừa tình trạng khô môi.

Sử dụng son dưỡng môi một cách quá thường xuyên có thể dẫn đến nghiện và khiến bạn bị khô môi liên tục hoặc môi bị kích ứng nếu trong thành phần của son có chất gây dị ứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.clevelandclinic.org, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe