Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Glucose đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe do đây là nguồn năng lượng quan trọng cho các tế bào hoạt động. Vậy bao nhiêu đường trong máu là quá nhiều? Và tại sao glucose trong máu cao lại ảnh hưởng xấu đến cơ thể?
1. Đường huyết bình thường là bao nhiêu?
Người bình thường có đường huyết (tên tiếng Anh là blood sugar) hay glucose bình thường (tên tiếng Anh là blood glucose) sẽ dưới 100 mg/dL sau khi nhịn ăn trong ít nhất 8 giờ và ít hơn 140 mg/dL 2 giờ sau khi ăn.
Trong ngày, đường huyết có xu hướng thấp dần và xuống mức thấp nhất ngay trước bữa ăn. Đối với hầu hết những người không bị tiểu đường, lượng đường trong máu trước bữa ăn dao động khoảng 70 đến 80 mg/dL hoặc với một số người thì 60 mg/dL là bình thường và những người khác là 90 mg/dL .
Mức đường huyết thấp khác nhau ở từng người. Nhiều người glucose sẽ không bao giờ giảm xuống dưới 60 mg/dL, ngay cả khi đã nhịn ăn kéo dài. Khi ăn kiêng hoặc ăn nhanh, gan sẽ giữ mức đường huyết ổn định và bình thường bằng cách chuyển hóa chất béo và cơ bắp thành đường.
2. Xét nghiệm đường huyết
Các bác sĩ sử dụng các xét nghiệm đường huyết để xem liệu bạn có bị tiểu đường không. Bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn bị tiểu đường nếu:
- Xét nghiệm glucose lúc bụng đói (the fasting plasma glucose test – FPG). Bác sĩ kiểm tra lượng đường trong máu sau khi bạn đã nhịn ăn khoảng 8 tiếng và kết quả cho thấy cao hơn 126 mg/dL.
- Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (Oral glucose tolerance test). Sau khi nhịn ăn 8 giờ, bạn sẽ có được một loại đồ uống có đường và sau 2 giờ sẽ xét nghiệm đường máu lại một lần. Bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn mắc tiểu đường nếu kết quả cao hơn 200 mg/dL.
- Kiểm tra ngẫu nhiên trong khám sức khỏe định kỳ hoặc vì lý do bệnh lý khác. Bác sĩ kiểm tra lượng đường trong máu và kết quả cho thấy cao hơn 200 mg/dL, ngoài ra bạn có thêm các triệu chứng như đi tiểu nhiều, hay khát nước và tăng cân hoặc giảm cân đáng kể. Nếu có các triệu chứng trên, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm glucose lúc bụng đói hoặc xét nghiệm dung nạp glucose đường uống để xác định chẩn đoán.
Bất kỳ mức đường huyết nào cao hơn bình thường đều có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Mức đường huyết cao hơn bình thường, nhưng không đạt đến mức của bệnh tiểu đường thì được gọi là tiền tiểu đường.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, có khoảng 86 triệu người ở Hoa Kỳ có tiền tiểu đường, tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường nếu bạn không thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh. Ngoài ra, tiền tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, mặc dù không cao như bệnh tiểu đường. Bạn có có thể kiểm soát tiền tiểu đường và tránh mắc bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
3. Tại sao lượng đường huyết cao lại có hại cho cơ thể?
Glucose là nhiên liệu quan trọng cho tất cả các tế bào trong cơ thể nhưng chỉ khi đường ở mức bình thường. Nhưng đường huyết có thể hoạt động như một chất độc tác dụng chậm.
Nồng độ đường cao tác động đến tế bào trong tuyến tụy dẫn đến giảm dần khả năng tạo ra insulin. Ban đầu, tuyến tụy sẽ cố gắng sản xuất để bù đắp insulin. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để giúp cơ thể giữ lượng đường huyết ở mức bình thường.
Nồng độ đường trong máu cao có thể gây ra những thay đổi như xơ cứng mạch máu hay còn gọi là xơ vữa động mạch. Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể đều có thể bị tổn hại do đường huyết cao. Các mạch máu bị tổn thương sẽ gây ra các vấn đề như:
- Bệnh thận do đái tháo đường hoặc suy thận giai đoạn cuối dẫn tới người bệnh cần lọc máu
- Đột quỵ
- Đau tim
- Mất thị lực hoặc mù
- Suy giảm hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cao hơn
- Rối loạn cương dương
- Tổn thương thần kinh, còn được gọi là bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên, gây ngứa ran, đau hoặc giảm cảm giác ở bàn chân, chân và tay
- Lưu thông máu đến chân và bàn chân giảm
- Làm chậm lành vết thương và tăng khả năng phải cắt cụt chi
Do đó, bạn cần giữ lượng đường trong máu trong khoảng mức bình thường để tránh nhiều biến chứng này. Lời khuyên của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ về kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường là 70 đến 130 mg/dL trước bữa ăn và dưới 180 mg/dL sau bữa ăn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói Sàng lọc tim mạch và tiểu đường dưới sự thực hiện của đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trang thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ giúp đưa ra kết quả xét nghiệm tiểu đường chính xác nhất, từ đó đề ra phác đồ điều trị phù hợp.
ThS.Bs Lê Thị Minh Hương đã có hơn 06 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, cấp cứu và hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, còn có khả năng thực hiện các kỹ thuật đặt catheter, thận nhân tạo ở bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu liên tục, thay huyết tương.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
XEM THÊM:
- Gói khám sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu
- Làm sao để biết mình có nên đi xét nghiệm tiểu đường không?
- Phân biệt chi tiết tiểu đường type 1 và type 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế