Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt thường mang lại hiệu quả giảm đau tốt cho người bệnh. Phương pháp này cũng có nhiều ưu điểm như chi phí rẻ, không đòi hỏi sử dụng các thiết bị hiện đại và mang tính an toàn vì không tác động vào sâu trong cơ thể.
1. Bấm huyệt có chữa được thoát vị đĩa đệm?
Bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền như một phương pháp làm mềm, giãn cơ, giúp giảm viêm và đau cho người bệnh thông qua tác động vào các huyệt đạo, dây thần kinh, mạch máu ở vùng lưng. Mỗi huyệt vị trên cơ thể là một giao điểm giữa các dây thần kinh hay mạch máu, việc kích thích chúng thực sự mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm.
Việc bấm huyệt thoát vị đĩa đệm kết hợp với xoa bóp có thể mang lại một số lợi ích khác như kích thích tạo tế bào mới ở xương khớp, điều hòa tuần hoàn máu, ổn định thần kinh, hỗ trợ phục hồi vận động, góp phần điều chỉnh và giảm chèn ép của khối thoát vị lên dây thần kinh.
Bấm huyệt có nhiều ưu điểm như chi phí rẻ, không đòi hỏi sử dụng các thiết bị hiện đại, nó cũng an toàn vì không tác động vào sâu trong cơ thể. Ngoài sử dụng cho điều trị thoát vị đĩa đệm, nó còn được sử dụng trong chữa thoái hóa cột sống, đau vai gáy, đau thần kinh tọa.
2. Đối tượng nào được chỉ định bấm huyệt?
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt chỉ được xem là một liệu pháp hỗ trợ kết hợp với các cách điều trị khác, nó cũng không được áp dụng với tất cả bệnh nhân mà chỉ được sử dụng trên các đối tượng bị thoát vị ở cấp độ 1, 2, 3, người bị thoát vị lệch bên, có thể trạng tốt, đáp ứng được với các tác động nặng.
Bấm huyệt chống chỉ định với người bị cốt hóa, vẹo cột sống, thoái hóa cột sống nặng, thoát vị thể trung tâm và tái phát thoát vị đĩa đệm sau phẫu thuật.
3. Cách bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm?
Bấm huyệt cần được thực hiện bởi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên Y Học Cổ Truyền để đạt hiệu quả tốt và hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng. Dưới đây là các bước thực hiện bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm:
Bước 1: Hướng dẫn người bệnh bằng cách cho nằm sấp trên sàn hoặc giường.
Bước 2: Tập trung làm mềm và thư giãn cơ lưng và mông
- Day dọc 2 bên cột sống từ đốt sống D7 đến mông 3 lần liên tiếp bằng cách sử dụng gốc bàn tay, ngón út và ngón cái ấn lực vừa phải lên lưng, sau đó di chuyển theo một đường tròn sao cho tay của người thực hiện và da người bệnh dính vào nhau.
- Lăn 2 bên cột sống từ đốt D7 đến mông 3 lần liên tiếp bằng cách sử dụng mu bàn tay, ngón út với một lực vừa phải từ cổ tay rồi lăn trên lưng người bệnh.
- Bóp 2 bên cột sống từ D7 đến mông 3 lần liên tiếp bằng ngón cái và ngón trỏ, ngón đeo nhẫn, tất cả các ngón tay vừa bóp vừa kéo phần thịt ở lưng lên.
Bước 3: Tập trung tác động vào vùng lưng bị tổn thương
- Thực hiện các động tác ấn, day, xoa đều theo chiều kim đồng hồ bằng ngón cái lên huyệt thận du, giáp tích, đại trường du ở đốt sống L1 - S1 trong 3 - 5 phút để giảm co cơ, giúp cơ lưng được mềm và thư giãn.
- Bấm vào các huyệt giáp tích, huyệt thận du, huyệt đại trường du, huyệt cách du, huyệt a thị bằng đầu ngón cái. Chỉ được bấm, không day vì có thể gây vỡ tổ chức thần kinh và mạch máu gây đau đớn, bầm tím cho người bệnh. Đốt sống 1 và 2 bấm vuông góc với nhau, từ từ tăng lực dần cho đến khi người bệnh thấy đau tức thì dừng lại rồi để yên khoảng 1 phút.
- Dùng ngón cái nắn lại vùng đĩa đệm bị thoát vị được xác định trên phim chụp cột sống, vừa ấn và nắn theo nguyên tắc nghịch hướng, đối lực với vùng bị thoát vị. Chỉ tác động lực nhẹ nhàng sao cho người bệnh có thể chịu được khoảng 3 - 5 phút.
Nguyên tắc bấm huyệt là tác động lực từ nhẹ đến mạnh, nông đến sâu, nơi không đau đến nơi đau nhưng cần dựa vào tình trạng bệnh để xác định lực xoa bóp phù hợp. Liệu trình bấm huyệt thực hiện mỗi ngày 1 lần, kéo dài 1 tháng liên tục.
Về vị trí các huyệt, huyệt thận du nằm cách bờ dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ 2 khoảng 1,5 tấc tính ra phía ngoài; huyệt đại trường du nằm ở cách bờ dưới của mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ 4 khoảng 1,5 tấc tính ra phía ngoài; huyệt cách du nằm ở cách bờ dưới của mỏm gai đốt sống lưng số 6 khoảng 1,5 tấc tính ra phía ngoài.
Với động tác xát cần xòe rộng 2 lòng bàn tay, thực hiện động tác này từ ngang đến dọc cho tới khi vùng lưng nóng. Động tác xoa thì nên dùng 2 lòng bàn tay xoa tròn từ dưới ngược lên trên, xoa từ trong cột sống ra phía ngoài. Đây là 2 động tác được sử dụng trong quá trình khởi động để làm mềm và thư giãn các khối cơ.
Động tác miết thì sử dụng gốc bàn tay miết mạnh và chậm theo hướng từ trong ra ngoài rồi từ trên xuống dưới dọc theo kinh bàng quang (nằm ở khoảng giữa cột sống và bờ trong của xương bả vai) nhằm làm tăng tuần hoàn máu tới vùng cơ xương bị tổn thương.
Động tác day thì dùng gốc bàn tay để day ấn toàn bộ vùng lưng, tiếp đến dùng vân ngón tay cái day dọc từ trên xuống theo kinh bàng quang. Với động tác bóp thì dùng gốc bàn tay và vân các ngón tay để nắn bóp toàn bộ vùng lưng, vai, mông của người bệnh. Các động tác day, bóp, bấm huyệt và lăn sẽ giúp giảm đau, giãn cơ và chống viêm sưng.
Bấm huyệt thoát vị đĩa đệm kết hợp với xoa bóp là phương pháp kích thích tạo tế bào mới ở xương khớp, hỗ trợ phục hồi vận động, góp phần điều chỉnh và giảm chèn ép của khối thoát vị lên dây thần kinh. Tuy nhiên, chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt cần được thực hiện bởi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên Y Học Cổ Truyền để đạt hiệu quả tốt, hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.