Nguyên nhân phổ biến gây tê bì tay chân

Bài viết bởi Bác sĩ Bùi Xuân Lực - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông.

Tê bì tay chân là hội chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý thần kinh và ở nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh gây ra những ảnh hưởng, phiền toái đến sinh hoạt cũng như trong công việc hằng ngày. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của bệnh tê bì chân tay trong bài viết dưới đây.

1. Tê bì tay chân là gì?

Tê tay chân là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác tạm thời các chi, có thể kèm theo hiện tượng ngứa ran như bị nhiều mũi kim nhỏ châm chích, kiến bò gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. Thông thường các cảm giác tê bì tay chân tự hết khi nghỉ ngơi mà không cần phải dùng thuốc hay can thiệp y tế. Tuy nhiên nếu xảy ra tình trạng tê bì tay chân lặp đi lặp lại nhiều lần cùng các triệu chứng đi kèm như: Đau thắt lưng, đau vùng cổ gáy, đau dọc theo đường đi dây thần kinh hông to thì có thể là dấu hiệu nguy cơ của nhiều bệnh lý tiềm ẩn.

2. Nguyên nhân của bệnh tê bì chân tay là gì?

Theo Y Học Hiện Đại các nguyên nhân gây tê chân, tây được chia làm hai loại:

2.1 Tê bì tay chân sinh lý

  • Tác động của thời tiết như trời quá lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột gây rối loạn cảm giác, tê bì tay chân
  • Do tư thế: ngồi, đứng lâu, nằm ngủ hoặc làm việc sai tư thế gây chèn ép thần kinh và mạch máu

Thời tiết quá lạnh có thể là nguyên nhân của bệnh tê bì chân tay
Thời tiết quá lạnh có thể là nguyên nhân của bệnh tê bì chân tay

2.2 Tê bì tay chân bệnh lý

Tê bì chân tay do bệnh lý là triệu chứng hoặc biến chứng của một số bệnh lý về cột sống, hội chứng ống cổ tay, viêm khớp dạng thấp,...

  • Thoái hoá cột sống: Là một bệnh phổ biến trong xã hội, là hệ quả của quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể bắt đầu bằng hiện tượng bào mòn sụn khớp, đốt sống, đĩa đệm tới các bao hoạt dịch, dây chằng dẫn tới tình trạng chèn ép vào các rễ thần kinh gây ra đau mỏi vùng cổ vai gáy, tê bì lan xuống tay hoặc từ thắt lưng xuống chân. Các triệu chứng đau, tê bì thường tăng về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.
  • Thoát vị đĩa đệm: Là nguyên nhân phổ biến gây ra đau và tê tay. Nhân đĩa đệm thoát ra ngoài bao xơ đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh gây đau và tê theo rễ thần kinh

  • Hội chứng ống cổ tay: Tình trạng này liên quan đến việc dây thần kinh giữa bị kích thích, chèn ép trong ống cổ tay. Dây thần kinh giữa chi phối cảm giác ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón nhẫn và vận động các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Hội chứng ống cổ tay có thể tương tự như các bệnh lý cột sống cổ vì cả 2 đều gây ra triệu chứng đau và tê tay. Tuy nhiên, bệnh lý cột sống cổ có thể còn đi kèm các triệu chứng khác ở trên cổ vai và cánh tay.

  • Viêm khớp dạng thấp: Bệnh tự miễn này có thể gây đau, ngứa ran hoặc tê ở tay nhưng thường cảm thấy đối xứng. Vì vậy nếu một khớp nào đó ở tay trái bị ảnh hưởng, thì khớp đó ở tay phải cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đôi khi triệu chứng đau, tê tay còn liên quan tới nhiều hơn một vấn đề. Ví dụ, viêm khớp dạng thấp tiến triển đủ lâu, tình trạng sưng tấy ở cổ tay có thể gây ra hội chứng ống cổ tay.

Một số vấn đề khác liên quan tới rối loạn chứng năng thần kinh cũng gây đau và tê bì ở tay:

  • Bệnh tiểu đường: Nếu bệnh tiểu đường tiến triển, hoặc không được quản lý về ăn uống, thuốc, sẽ tiến triển đến các biến chứng của bệnh. Một trong những biến chứng quan trọng của bệnh tiểu đường là biến chứng thần kinh. Đối với bệnh nhân tiểu đường, triệu chứng ngứa ran và tê này thường bắt đầu ở chân nhưng chúng cũng có thể xảy ra ở tay.
  • Thiếu vitamin B12: Một số người không đủ vitamin B12, cho dù thông qua chế độ ăn uống, không có khả năng hấp thụ đủ một cách tự nhiên, hoặc do tác dụng phụ của tình trạng sức khoẻ hoặc điều trị. Vitamin B12 rất quan trọng đối với sức khỏe thần kinh, vì vậy sự thiếu hụt có thể gây hại đến thần kinh, dẫn đến tê hoặc yếu. Nếu xét nghiệm máu thiếu B12 bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống, hoặc bổ xung B12. Thịt bò, cá, trứng, ngũ cốc là những thực phẩm cung cấp B12 dồi dào.
  • Đa xơ cứng: Là bệnh rối loạn tự miễn, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương gây tổn thương bao Myelin dẫn đến tê tay chân, co thắt cơ, mệt mỏi.
  • Xơ vữa động mạch: Gây hẹp lòng mạch, chèn ép dây thần kinh chạy qua gây tê bì tay chân
  • Viêm đa dễ thần kinh: Hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương gây rối loạn cảm giác, hạn chế vận động
  • Lạm dụng rượu: Uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho thần kinh. Tổn thương dây thần kinh do rượu không phải lúc nào cũng có, nhưng rượu là yếu tố tác động, như làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng và chế độ ăn uống kém. Lạm dụng rượu trong thời gian dài làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B12.

Nguyên nhân của bệnh tê bì chân tay có thể do một số bệnh lý khác gây ra
Nguyên nhân của bệnh tê bì chân tay có thể do một số bệnh lý khác gây ra

3. Nguyên nhân gây tê tay chân theo Y Học Cổ Truyền

Khí huyết là cơ sở vật chất và động lực cho mọi hoạt động bình thường của cơ thể. Khi mà hoạt động chức năng kinh lạc bình thường, khí huyết vận hành thông suốt không ngừng trong cơ thể, trong thì nuôi dưỡng tạng phủ, ngoài thì nuôi dưỡng bì phu cơ nhục chức năng tạng phủ cường thịnh mà chống lại được yếu tố ngoại tà xâm nhập.

Do ăn uống, làm việc không điều độ (người cao tuổi, người làm công việc khuân vác nặng, người chạy xe oto, xe máy nhiều giờ, làm việc văn phòng sai tư thế, ít vận động...) sinh hoạt nam nữ quá sức hoặc do huyết dịch không đầy đủ (phụ nữ sau sinh, hoặc người mắc bệnh lâu ngày không được điều trị...) làm thể trạng suy giảm, vệ biểu hư yếu, khí huyết hư suy không nuôi dưỡng được, kinh lạc mất đi chức năng bình thường, khí huyết vận hành không thông, kinh lạc tắc trệ. Các yếu tố ngoại tà (phong, hàn , thấp, nhiệt) thừa cơ lúc vệ biểu suy yếu mà xâm nhập vào kinh lạc gây chứng đau, tê mỏi như kiến bò nặng hơn thì gây liệt yếu tay chân

Vì vậy tùy thuộc vào từng nguyên nhân và giai đoạn của bệnh mà chọn ra phương pháp phù hợp để điều trị chứng tê bì tay chân, nhưng trước tiên phải năng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại yếu tố ngoại tà (Phong, hàn, thấp, nhiệt) xâm nhập, cũng như để tăng cường lưu thông khí huyết, khôi phục lại chức năng kinh lạc, giúp thông kinh hoạt lạc.

Trên đây là những kiến thức cơ bản và các nguyên nhân của bệnh tê bì tay chân hay bị tê chân là bệnh gì? Mong rằng những thông tin này hữu ích đối với bạn đọc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe