Làm mẹ là thiên chức, là niềm hạnh phúc mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn có được. Tuy nhiên, để trải qua giai đoạn hơn 9 tháng mang thai và vượt cạn thì cơ thể người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả khi lựa chọn sinh mổ để có thể giảm bớt cơn đau khi chuyển dạ, sản phụ cũng sẽ phải chịu nhiều di chứng sau sinh, đặc biệt là biểu hiện đau lưng. Khi đó việc áp dụng các bài tập giảm đau lưng sau sinh là cần thiết.
1. Tìm hiểu về sàn chậu nữ
Sàn chậu là bộ phận được ví như chiếc võng được tạo nên từ nhiều khối cân và cơ đan xen vào nhau. Phía trước sàn chậu là xương mu và thành bụng, 2 bên là xương chậu hông và phía sau của sàn chậu là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt.
Sàn chậu có chứa nhiều hệ thống thần kinh và mạch máu, nó là tổng thể của 3 hệ thống gồm: hệ thống niệu dưới (niệu đạo, bàng quang), hệ thống sinh dục (âm đạo, tử cung), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo) và hệ thống tiêu hóa dưới (hậu môn, trực tràng). Với vai trò là đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, sàn chậu giúp kiểm soát hoạt động đi vệ sinh, tình dục của con người theo ý muốn, nhờ có sàn chậu mà quá trình sinh đẻ cũng dễ dàng hơn.
2. Vì sao phụ nữ cần tập phục hồi chức năng sau sinh mổ?
Sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ phải chịu những tổn thương nhất định, do đó việc tập phục hồi chức năng nói chung và áp dụng các bài tập giảm đau lưng sau sinh là rất cần thiết, giúp hồi phục sức khỏe nhanh chóng và đưa cơ thể trở lại trạng thái bình thường.
Nếu sản phụ trở lại với hoạt động thể chất quá sớm sau khi sinh thì có thể làm giãn căng cơ và gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể với các triệu chứng điển hình như: căng tức, khó chịu ở vùng bụng và sàn chậu. Khi có các hoạt động không phù hợp với sức thì sẽ càng gây ra cảm giác đau lưng, đau bụng hoặc sa xuống các cơ quan vùng khung chậu. Do đó, tập phục hồi chức năng sau sinh mổ với các bài tập sàn chậu chính là biện pháp giúp sản phụ hiểu hơn về vùng chậu để trở lại các hoạt động thường ngày (quan hệ tình dục, luyện tập thể thao), đây cũng là cách chữa đau lưng sau sinh hiệu quả và an toàn nhất.
Luyện tập phục hồi chức năng sau sinh dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ giúp sản phụ sau sinh học cách kiểm soát được cơ thể của mình và phòng ngừa hiệu quả các biến chứng thứ phát có thể xảy ra ở thời gian đầu sau sinh khi sản phụ cố gắng trở lại với các hoạt động thường ngày.
Đặc biệt, các bài tập sàn chậu còn giúp sản phụ sau sinh ngăn ngừa các biến chứng như đau cột sống hay khung chậu, giảm nguy cơ tiểu tiện không tự chủ hoặc sa dạ con...
3. Lợi ích khi áp dụng các bài tập sàn chậu sau sinh
Phụ nữ sau sinh mổ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thời gian hồi phục sẽ lâu hơn sinh thường. Do đó, việc áp dụng các bài tập sàn chậu không chỉ là cách chữa đau lưng sau sinh mổ hiệu quả mà còn đem lại những lợi ích sau:
- Giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi, giảm stress và phòng ngừa, cải thiện trầm cảm sau sinh;
- Giúp sản phụ đi vào giấc ngủ tốt hơn và điều chỉnh tình trạng mất ngủ sau sinh hiệu quả;
- Giúp cải thiện đau lưng, hở cơ bụng do quá trình mang thai, chuyển dạ gây ra;
- Giúp sản phụ nhanh chóng lấy lại vóc dáng săn chắc, gọn gàng và kiểm soát cân nặng hiệu quả;
- Giúp sản phụ phục hồi thể trạng và sức khỏe sau sinh;
- Phục hồi cấu trúc của sàn chậu sau sinh và phòng ngừa, điều trị hiệu quả các tình trạng són hơi, són tiểu, sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng hay giãn nhão âm đạo.
4. Áp dụng các bài tập giảm đau lưng sau sinh
Bài tập giảm đau lưng sau sinh cho sản phụ sinh mổ cần được tiến hành đều đặn mỗi ngày, mỗi lần 30 phút, nếu duy trì được thói quen này ít nhất 6 tuần sau sinh để thấy được hiệu quả.
Trước khi tập thì sản phụ cần khởi động tay chân và dành 10 phút để tập chuyên biệt cơ sàn chậu ở phía trong âm đạo hoặc tập riêng bằng cách gắn với những thói quen hàng ngày (mỗi lần cho bé bú hoặc khi nào nhớ ra và cảm thấy thuận tiện).
Đối với các bài tập giảm đau lưng sau sinh với cơ sàn chậu thì có nhiều tư thế lựa chọn phù hợp để có thể tập cùng một dạng bài thể dục. Sản phụ lưu ý cần phải uống đủ nước và ăn đủ chất dinh dưỡng, trước khi tập không để bụng quá no.
Thời gian áp dụng các bài tập sàn chậu giảm đau lưng sau sinh mổ lý tưởng nhất là từ ngày thứ 6 sau mổ, khi mà sức khỏe và tinh thần đã cảm thấy sẵn sàng cho việc tập luyện.
Khi áp dụng cách chữa đau lưng sau sinh bằng các bài tập sàn chậu mà thấy có các dấu hiệu sau thì sản phụ nên ngừng tập và liên hệ với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên, cụ thể:
- Đau, vọp bẻ chân hay cơ bụng;
- Đau lưng nhiều;
- Đau đầu, đau ngực;
- Sưng, phù mặt, tay hoặc chân;
- Chóng mặt, choáng váng;
- Đi lại đau nhức, khó khăn;
- Ra huyết âm đạo nhiều;
- Tim đập nhanh, hồi hộp.
Ngoài ra nếu sau khi sinh, sản phụ biết cách vận động và tự tự đánh giá tiến trình phục hồi, biết tránh đau thì sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Hãy học cách lắng nghe cơ thể và tuyệt đối không được kéo căng cơ thể, để cho cơ chịu đau hoặc khó chịu. Đừng ngần ngại trao đổi những vấn đề liên quan tới sức khỏe với bác sĩ hay chuyên viên vật lý trị liệu. Nếu có thể thì hãy vận động sớm sau sinh, ra khỏi giường và tập đi lại để thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa hình thành các cục máu đông.
Để đảm bảo an toàn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu trước khi có ý định tập thể dục sàn chậu để chữa đau lưng sau sinh và giúp phục hồi cơ thể. Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem tình trạng cơ thể sản phụ có phù hợp để tập thể dục hay không và tư vấn bài tập thích hợp, tránh gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.
Mỗi giai đoạn hậu sản sẽ có những hoạt động thể dục phù hợp tương ứng, chính vì thế sản phụ cần tìm hiểu để có thể chọn ra bài tập an toàn và hiệu quả nhất cho mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.