Chẩn đoán chính xác, lên kế hoạch điều trị hiệu quả, tiên lượng khả năng sống sót và các lưu ý trong chăm sóc khi điều trị cần được quan tâm nhằm củng cố tâm lý và cải thiện chất lượng sống cho người mắc bệnh bạch cầu mãn dòng lympho.
1. Khả năng sống sót của người mắc bệnh bạch cầu mãn dòng lympho
Sống sót là một trạng thái mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo từng bệnh nhân. Định nghĩa được công nhận phổ biến nhất bao gồm:
- Không còn các dấu hiệu của bệnh ung thư sau khi kết thúc điều trị.
- Sống sót vượt qua bệnh ung thư, tính từ khi được chẩn đoán bệnh và thời gian tiếp tục điều trị để giảm nguy cơ tái phát hoặc kiểm soát bệnh.
Khả năng sống sót là một trong những phần phức tạp nhất khi mắc phải bệnh bạch cầu mạn thể lympho bởi vì có sự khác biệt giữa các bệnh nhân.
Những người sống sót thường phải trải qua nhiều cảm xúc lẫn lộn như vui mừng, lo lắng, hay sợ hãi. Một vài người cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn sau khi không may được chẩn đoán mắc bệnh và dần chấp nhận tình trạng bệnh tật của bản thân. Một số khác lại trở nên cực kỳ lo lắng và không thể đối diện với cuộc sống hàng ngày.
Người mắc bệnh bạch cầu mãn dòng lympho không phải lúc nào cũng dễ dàng hồi phục và tiếp tục sống. Mục tiêu chính của việc điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và giảm lượng bạch cầu bất thường càng nhiều càng tốt. Thuyên giảm bệnh hoàn toàn được xác định khi bác sĩ không thể phát hiện bất kỳ dấu vết nào của bệnh sau khi lặp lại các xét nghiệm kiểm tra. Thuyên giảm bệnh một phần được xác định khi vẫn còn tồn tại một phần bệnh bạch cầu. Đa phần bệnh nhân khi được điều trị đúng sẽ thuyên giảm bệnh phần nào. Khi đó, người bệnh có thể cảm thấy khỏe hơn, công thức máu trong giới hạn bình thường, không sưng nách hay hạch bạch huyết, nhưng vẫn còn phát hiện được các tế bào bạch cầu bất thường trong tủy xương.
2. Các lưu ý trong chăm sóc khi điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng lympho
Chăm sóc bệnh nhân bệnh bạch cầu mạn thể lympho không dừng lại khi việc điều trị tích cực kết thúc. Các nhân viên y tế sẽ tiếp tục theo dõi và kiểm tra định kỳ bằng thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm nhằm đảm bảo bệnh không tái phát, xử lý tác dụng phụ và nâng cao toàn trạng của người bệnh.
Người bệnh bạch cầu mãn dòng lympho có nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính liên quan đến phổi, đại tràng và da cao hơn. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ ngay khi phát hiện các biểu hiện ngoài da mới hoặc nặng nề hơn.
Quy trình chăm sóc khi điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng lympho cần có sự tham gia của nhiều người và gồm nhiều phân đoạn quan trọng được liệt kê sau:
Nâng cao tổng trạng của người bệnh
Người mắc bệnh bạch cầu mãn dòng lympho nên tuân thủ theo các phác đồ để có một sức khỏe tốt. Người bệnh cần ngừng hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và biết cách xoay xở được với các căng thẳng có thể gặp phải trong cuộc sống. Tập thể dục thường xuyên cũng giúp nâng cao sức đề kháng và duy trì năng lượng tích cực. Các nhân viên y tế có thể giúp xây dựng một kế hoạch tập luyện phù hợp dựa trên nhu cầu và khả năng của bệnh nhân.
Theo dõi phát hiện bệnh tái phát
Bệnh bạch cầu rất dễ quay lại khi các tế bào ác tính tồn tại trong cơ thể mà không được phát hiện. Theo thời gian, những tế bào này sẽ phân chia và gia tăng nhanh về số lượng cho đến khi gây ra các triệu chứng trên lâm sàng. Vì thế, bác sĩ luôn cần theo dõi sát, nắm rõ tiền sử bệnh và chỉ định thực hiện xét nghiệm máu hay các phương tiện chẩn đoán hình ảnh kịp thời. Việc chỉ định cụ thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thể bệnh và giai đoạn bệnh.
Xử trí các tác dụng phụ xuất hiện muộn
Hầu hết người bệnh phải đối mặt với nhiều tác dụng không mong muốn khi điều trị ung thư. Một vài trong số đó xuất hiện muộn sau khi kết thúc điều trị, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Vì thế, người bệnh cần kết nối chặt chẽ với bác sĩ điều trị bệnh, thảo luận về các tác dụng phụ có thể xuất hiện dựa vào các phương pháp điều trị mà họ đã chọn lựa trước đó.
Chăm sóc người thân không may mắc bệnh
Thành viên trong gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân bệnh bạch cầu mạn dòng lympho. Người chăm sóc nên có trách nhiệm trong:
- Ủng hộ và động viên người bệnh
- Trao đổi với nhân viên y tế để nắm được tình hình bệnh tình, đặt lịch hẹn tái khám
- Nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng hướng dẫn và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
- Đảm nhận các vấn đề tài chính và bảo hiểm, không để người bệnh lo lắng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đối diện với các trở ngại tâm lý sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn lympho. Người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái buồn bã, lo lắng, khó kiểm soát được mức độ căng thẳng, cáu gắt. Thỉnh thoảng họ ngại giao tiếp và không muốn diễn tả tâm tư tình cảm đến những người mình yêu thương như trước. Không chỉ riêng bệnh nhân, gia đình của họ cũng cần được động viên và sẻ chia từ phía các nhân viên y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: cancer.net
XEM THÊM: