Nhiều người đã điều trị ung thư có nguy cơ phát triển các tác dụng phụ lâu dài. Những tác dụng phụ này có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị. Đánh giá và điều trị các tác động muộn là một phần quan trọng của chăm sóc sống sót sau ung thư. Vậy điều trị ung thư phổi bằng xạ trị gây ra những tác dụng phụ gì? Hãy đọc thêm bài viết dưới đây giúp bạn hiểu thêm về ảnh hưởng muộn sau khi xạ trị ung thư phổi.
1. Điều trị ung thư phổi bằng xạ trị là gì?
Xạ trị là một phần của liệu trình điều trị ung thư phổi. Xạ trị sử dụng các tia hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các tia bức xạ năng lượng cao khi được chiếu vào cơ thể sẽ phá vỡ DNA bên trong tế bào. Khiến cho các tế bào chết hoặc ngừng phân chia, nhờ đó có thể kiểm soát bệnh và thu nhỏ các khối u.
Tùy thuộc vào loại ung thư và từng giai đoạn của bệnh ung thư phổi, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn tiến hành xạ trị vào những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị. Bác sĩ của bạn có thể xem xét cho chỉ định bức xạ:
Trước khi tiến hành phẫu thuật: Tia bức xạ có thể làm giảm kích thước của khối u, giúp quá trình phẫu thuật ít phức tạp hơn và tăng khả năng thành công hơn.
Sau khi đã phẫu thuật : Khu vực đã tiến hành phẫu thuật được chỉ định xạ trị để điều trị bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại nhưng không được phát hiện trên phim chụp cắt lớp.
Giống như một cơ hội để chữa khỏi ung thư: Với ung thư phổi ở giai đoạn đầu, xạ trị có thể thành công như phẫu thuật vì có thể mang lại cơ hội sống sót lâu dài. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể ngần ngại khi sử dụng chỉ định này, vì luôn có khả năng tái phát ung thư phổi .
Để điều trị ung thư phổi: điều trị ung thư phổi bằng xạ trị có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong phổi, hay ở các hạch bạch huyết lân cận hoặc các khu vực mà tế bào ung thư đã di căn (chẳng hạn như não).
Như một hình thức chăm sóc giảm nhẹ: Trong một số trường hợp, xạ trị có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và giảm đau đớn cho bệnh nhân bằng cách loại bỏ các tế bào ung thư và thu nhỏ các khối u đang gây khó chịu cho bệnh nhân.
Để phòng ngừa tái phát: Bức xạ có thể làm giảm nguy cơ tái phát hoặc lây lan. Trong ung thư phổi tế bào nhỏ, liệu pháp bức xạ lên não đôi khi được sử dụng để tiêu diệt bất kỳ tế bào nào có thể đã di căn đến não nhưng không phát hiện được bằng hình ảnh. Đây được gọi là chiếu xạ sọ dự phòng (PCI) .
2. Ảnh hưởng muộn sau khi xạ trị ung thư phổi
Tác dụng muộn là những tác dụng phụ của xạ trị ung thư phổi gây ra nhưng xảy ra vài tháng đến nhiều năm sau khi điều trị ung thư kết thúc. Một số tác dụng phụ phát triển trong quá trình điều trị có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm sau khi điều trị xong (ví dụ, mệt mỏi hoặc bệnh thần kinh). Đây được gọi là những tác dụng phụ lâu dài.
Những tác động muộn có thể là các vấn đề về sức khỏe hoặc các thách thức về tâm lý, tình cảm và thực tế. Các tác dụng phụ vật lý của điều trị bức xạ liên quan trực tiếp đến vùng cơ thể được điều trị. Bất kỳ khu vực nào trong phạm vi điều trị đều có nguy cơ bị phá hủy, gây ra các phản ứng phụ. Khi các kỹ thuật bức xạ đã được cải thiện trong những năm qua, nguy cơ ảnh hưởng muộn đã giảm xuống.
2.1 Tổn thương phổi
Khi xạ trị được chiếu thẳng vào ngực, như xảy ra trong quá trình điều trị ung thư phổi, bức xạ ion hóa có thể gây tổn thương lâu dài cho các mô khỏe mạnh. Một số loại thuốc được sử dụng để hóa trị ung thư phổi cũng có thể làm được như vậy. Các vấn đề tiềm ẩn bao gồm:
- Viêm
- Mất chức năng phổi
- Màng phổi dày lên
- Khó thở
- Sẹo (xơ hoá)
Nguy cơ đối với những vấn đề này cao hơn với liều lượng bức xạ cao hơn, hoặc nếu bạn cũng đã được điều trị bằng hóa chất nhất định (bleomycin, busulfan, BCNU và CCNU), hoặc nếu bạn đã cắt bỏ một phần phổi của mình (phẫu thuật cắt bỏ thùy).
Bức xạ có thể gây sẹo trong phổi có thể ảnh hưởng đến các mạch máu. Tổn thương mạch máu có thể dẫn đến ho ra máu. Nếu ho ra máu, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Liệu pháp hô hấp là một cách giúp chống lại những tác động này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa ung thư có thể kê đơn các loại thuốc hóa trị có ít tác dụng phụ tiềm ẩn nhất và sử dụng các phương pháp phân phối tiên tiến để đảm bảo quá trình xạ trị được phân phối chính xác.
2.2 Độc tính trên tim và các dạng tổn thương tim khác
Độc tính trên tim, hoặc tổn thương cơ tim, cũng có thể phát triển sau khi điều trị ung thư phổi. Mặc dù một số thiệt hại này có thể phục hồi được, nhưng phần lớn thường là không. Tuy nhiên, có những loại thuốc được gọi là tác nhân bảo vệ tim có thể giúp giảm khả năng nhiễm độc tim. Những người sống sót sau ung thư phổi cũng có thể gặp các biến chứng khác liên quan đến tim, chẳng hạn như tăng huyết áp (huyết áp cao), loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và bệnh mạch vành.
Nguy cơ suy tim của bạn phụ thuộc vào lượng bức xạ bạn nhận được và những phương pháp điều trị ung thư khác mà bạn đã thực hiện.
Khi xạ trị được chỉ định, các kỹ thuật viên sẽ tiến hành để tránh tim càng nhiều càng tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, nó không thể tránh được hoàn toàn.
Bạn nên khám sức khỏe hàng năm để kiểm tra huyết áp của bạn, tìm các dấu hiệu của vấn đề về tim như sưng phù ở chân / bàn chân của bạn, và kiểm tra lượng cholesterol và lượng đường trong máu của bạn bằng xét nghiệm máu.
Bạn cũng cần cố gắng sống một lối sống lành mạnh cho tim, bao gồm tập thể dục thường xuyên, không sử dụng thuốc lá và ăn uống lành mạnh.
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim sau khi điều trị ung thư phổi bằng xạ trị, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim.
2.3 Phù bạch huyết (sưng mãn tính)
Khi ung thư phổi di căn đến các hạch bạch huyết, thường cần phải loại bỏ chúng. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển của phù bạch huyết, sự tích tụ quá mức của chất lỏng bạch huyết, do đó có thể gây đau và sưng tấy (thường gặp nhất ở bàn tay và bàn chân).
2.4 Thiệt hại cho xương
Bức xạ có thể gây ra các vết nứt nhỏ (gãy xương) trên vùng xương đang điều trị. Cố gắng tránh chấn thương bao gồm cả té ngã hoặc tai nạn. Nếu bạn bị thương, hãy đi khám bác sĩ của bạn xem bạn có cần chụp X-quang để kiểm tra tổn thương xương hay không.
2.5 Các vấn đề về da
Bức xạ có thể dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trên da.
Bạn có thể hình thành những vết sẹo mới hoặc nhận thấy những thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu của da. Bức xạ cũng có thể làm thay đổi màu sắc và kết cấu của tóc hoặc có thể gây rụng tóc vĩnh viễn ở vùng được điều trị.
Mô mềm và cơ dưới da có thể hình thành sẹo và / hoặc co rút, có thể dẫn đến mất tính linh hoạt và cử động hoặc sưng mãn tính ở khu vực này.
Bạn có thể bị loét mãn tính hoặc tái phát trên da ở khu vực được điều trị. Các mạch máu trên da có thể bị giãn ra và lộ rõ hơn, mặc dù điều này không có hại.
Nếu da có cảm giác căng hoặc đau, bạn có thể thoa vitamin E lên vùng da đó.
Sử dụng xà phòng không chứa thuốc tẩy và kem dưỡng ẩm ở khu vực này nếu da của bạn nhạy cảm sau bức xạ.
Sau xạ trị, da vùng điều trị nhạy cảm hơn với ánh nắng. Sự nhạy cảm này sẽ kéo dài suốt đời của bạn. Thực hành an toàn trước ánh nắng mặt trời, sử dụng nhiều kem chống nắng, đội mũ rộng vành và che phủ vùng da điều trị bằng quần áo. Cố gắng tránh ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều khi cường độ bức xạ mạnh nhất.
2.6 Các vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp của bạn nằm ở cổ, ngay dưới thanh quản. Trường bức xạ bao gồm cả tuyến giáp có thể dẫn đến các vấn đề về tuyến giáp, bao gồm suy giáp, cường giáp và các nốt hoặc khối u tuyến giáp. Thông thường, các vấn đề về tuyến giáp gây ra bởi bức xạ xảy ra 2-5 năm sau khi điều trị. Các nốt tuyến giáp thường được nhìn thấy nhiều nhất từ 10 năm trở lên sau khi điều trị. Nguy cơ cao hơn với liều lượng bức xạ cao hơn.
Bạn nên tái khám hàng năm để kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như tuyến giáp của bạn.
Nếu tuyến giáp của bạn nằm trực tiếp trong khu vực xạ trị, mức TSH (hormone kích thích tuyến giáp) nên được kiểm tra bằng xét nghiệm máu mỗi 6-12 tháng một lần.
Nếu bạn phát triển các vấn đề về tuyến giáp, bạn nên đến gặp bác sĩ nội tiết.
+ Các dấu hiệu của suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém, biến chứng thường gặp nhất) bao gồm mệt mỏi, tăng cân, táo bón, da khô, tóc dễ gãy hoặc luôn cảm thấy lạnh.
+ Các dấu hiệu của cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) bao gồm sụt cân, tim đập nhanh hoặc không đều, đổ mồ hôi và dễ cáu kỉnh.
Bạn cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh suy tuyến cận giáp. Nguyên nhân là do tuyến cận giáp bị tổn thương (nằm cùng khu vực với tuyến giáp). Các dấu hiệu của suy tuyến cận giáp là ngứa ran ở ngón tay, ngón chân và môi, đau nhức cơ, co thắt cơ và mệt mỏi.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, bạn nên đi khám kiểm tra.
2.7 Tổn thương tủy sống
Đôi khi, tủy sống nằm trong lĩnh vực điều trị bức xạ phổi. Điều này có thể gây ra tổn thương cho các dây thần kinh ở cột sống.
Các dấu hiệu bao gồm mất sức, cảm giác hoặc sự phối hợp của tay hoặc chân, tê liệt hoặc không thể giữ bàng quang (nước tiểu) hoặc ruột (phân). Đôi khi tổn thương dây thần kinh có thể gây ra cảm giác điện giật lan xuống cánh tay hoặc chân.
Nếu bạn phát triển bất kỳ vấn đề nào trong số này, bạn có thể cần xét nghiệm hình ảnh hoặc đến gặp bác sĩ thần kinh để tìm nguyên nhân.
Bức xạ cũng có thể gây ra tổn thương cho xương cột sống. Điều này có thể dẫn đến ngắn hơn hoặc thay đổi độ cong (hình dạng) của cột sống. Bức xạ tới những xương này cũng có thể khiến chúng có nguy cơ bị gãy. Nếu bạn có bất kỳ cơn đau lưng mới nào, bạn nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Bạn có thể cần chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác.
2.8 Tổn thương thần kinh
Những người sống sót đã nhận được bức xạ vào vùng ngực hoặc vùng dưới cánh tay có thể bị tổn thương dây thần kinh (dây thần kinh đám rối cánh tay). Tổn thương này thường là kết quả của mô sẹo trong khu vực chèn ép lên các dây thần kinh hoặc ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến các cơ do các dây thần kinh này phục vụ.
Tổn thương do bức xạ đối với dây thần kinh và cơ đôi khi được gọi là hội chứng xơ hóa bức xạ. Nó có xu hướng phát triển trong những năm sau khi điều trị và từ từ xấu đi theo thời gian.
Các triệu chứng có thể bao gồm đau, mất sức, giảm cảm giác (cảm giác), mất phối hợp hoặc mất chuyển động hoặc chức năng của cơ. Khu vực bị ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào khu vực nằm trong trường bức xạ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, hệ thống thần kinh tự chủ (ANS) có thể bị ảnh hưởng. ANS kiểm soát những điều bạn không nghĩ đến, chẳng hạn như huyết áp, kiểm soát ruột và bàng quang. Các triệu chứng của rối loạn chức năng ANS có thể gây choáng váng, ngất xỉu, táo bón, tiểu không tự chủ và rối loạn cương dương.
Nếu bạn phát triển bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy thông báo với các bác sĩ chuyên khoa. Một số lo lắng này có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra, vì vậy bác sĩ của bạn sẽ cần xác định nguyên nhân.
Nếu xơ hóa bức xạ được xác định là nguyên nhân, bạn có thể được lợi khi gặp bác sĩ phục hồi chức năng ung thư hoặc chuyên gia vật lý trị liệu và các nhà trị liệu thể chất hoặc nghề nghiệp. Các chuyên gia này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng thông qua liệu pháp, thuốc và thiết bị hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org, moffitt.org