Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chụp X quang khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không là thắc mắc của nhiều mẹ bầu, bởi tia X là một dạng bức xạ và có khả năng ảnh hưởng đến thai kỳ. Tuy nhiên trong chụp X quang, mức độ ảnh hưởng của tia X còn tùy vào nồng độ tác dụng, tuổi thai và thời gian tiếp xúc.
1. Tia X ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?
Tia X là một dạng bức xạ và có thể ảnh hưởng đến thai kỳ nhưng còn tùy vào nồng độ tác dụng, tuổi thai và thời gian tiếp xúc bức xạ. Mặc dù tia X có thể đi kèm với nguy cơ ung thư, gây bệnh bạch cầu cấp và một số dị tật bẩm sinh khác đối với thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này khá thấp. Trong y khoa, khi sử dụng tia X để chẩn đoán thì liều bức xạ được dùng là rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với liều có khả năng gây hại cho thai nhi. Cụ thể:
- Nguy cơ sẩy thai: Với liều tia xạ nhỏ hơn 5 rad (rad: đơn vị đo lường) thì tia X không khiến cho nguy cơ sẩy thai tăng lên. Bên cạnh đó, mỗi phụ nữ khi mang thai đều có sẵn khoảng 3 - 15% nguy cơ sẩy thai, cho dù có chụp X quang hay không;
- Nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: Với liều tia xạ nhỏ (ngay cả liều 10-20 rad) thì nguy cơ gây dị tật thai cũng không đáng kể. Thai nhi chỉ có khả năng phát triển chậm khi chụp X quang vào giai đoạn đầu của thai kỳ và với liều tia xạ lên đến 50 rad;
- Nguy cơ ung thư đối với thai nhi: Nếu chụp X quang khi mang thai vào những tháng đầu của thai kỳ và với liều tia xạ lớn hơn 5 rad, thì nguy cơ ung thư tăng lên trong khoảng 0,3 - 1%. Tuy nhiên, nguy cơ này cũng đã tồn tại sẵn 0,3% cho dù người mẹ có tiếp xúc tia xạ khi mang thai hay không.
2. Ảnh hưởng của tia X với từng giai đoạn thai kỳ
Theo các bác sĩ, mỗi giai đoạn thai kỳ có mức độ ảnh hưởng của tia X đến thai nhi khác nhau. Cụ thể:
- Hai tuần đầu thai kỳ: Nguy cơ sẩy thai khi liều lượng tia X lớn hơn 5 rad;
- Tuần thứ 3 - 8 thai kỳ: Nguy cơ ảnh hưởng đến thai khi liều lượng tia xạ lớn hơn 20-30 rad;
- Sau tuần thứ 20 thai kỳ: Nguy cơ sẩy thai không tăng nếu chụp X quang khi mang thai vì lúc này thai nhi đã phát triển khá hoàn chỉnh.
3. Liều lượng và vị trí chụp X quang có thể ảnh hưởng đến thai nhi
Liều lượng tia X mà thai nhi hấp thụ (đơn vị rad) trong mỗi lần chụp của người mẹ cùng vị trí chụp, số lần chụp có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé với những mức độ như sau:
- Đầu: Khả năng thai nhi hấp thụ khoảng 0,004/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ phải chụp X quang đến 1.250 lần;
- Răng: Khả năng thai nhi hấp thụ khoảng 0,0001/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 50.000 lần;
- Cột sống cổ: Khả năng thai nhi hấp thụ khoảng 0,002/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang khi mang thai khoảng 2.500 lần;
- Tay, chân: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,001/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 5.000 lần;
- Ngực: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,00007/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 71.429 lần chụp;
- Vú: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,02/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang là 250 lần;
- Bụng: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,245/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang khi mang thai là 20 lần;
- Cột sống, thắt lưng: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,359/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 13 lần;
- Khung chậu: Khả năng thai nhi hấp thụ là 0,04/lần chụp, để đạt liều ảnh hưởng là 5 rad thì người mẹ cần chụp X quang 125 lần.
Nếu chỉ chụp X quang khi mang thai một lần thì không có nguy cơ gây hại cho thai nhi. Và liều tia X nhỏ hơn 5 rad thì không làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi bởi liều tia có thể gây dị tật cho thai nhi là lên đến trên 15 rad. Do đó, phụ nữ mang thai vẫn cần khám thai định kỳ để kiểm tra sức khỏe và tầm soát những bất thường khi mang thai.
BSCK I Võ Công Hiền đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong siêu âm chẩn đoán các bệnh lý bụng tổng quát, tim - mạch máu nâng cao, sản phụ khoa. Bác sĩ Võ Công Hiền từng có thời gian công tác tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại Học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai trước khi làm việc tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Nha Trang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.