Ảnh hưởng của suy tủy xương tới cơ thể

Suy tủy xương là tình trạng bệnh lý khiến tủy xương không sản sinh được đầy đủ các dòng tế bào từ tế bào gốc tạo máu dẫn đến giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu ngoại biên. Chính vì vậy, suy tủy xương sẽ khiến cơ thể bệnh nhân thiếu hụt một hay nhiều dòng tế bào máu và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

1. Bệnh suy tủy xương là gì?

Suy tủy xương là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu trong máu, đồng thời tủy xương cũng bị thay thế bằng mô mỡ do sự giảm sinh tế bào máu vùng tủy. Có đến 70% suy tủy xương là không rõ nguyên nhân do các đột biến gen có tính nhạy cảm, còn lại do các nguyên nhân di truyền hoặc mắc phải như:

  • Do thuốc: thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ áp, chống loạn nhịp, kháng giáp hoặc kháng sinh (đặc biệt là chloramphenicol)
  • Do hóa chất: benzene, hydrocarbon có gắn clo, phosphate hữu cơ
  • Nhiễm siêu vi: Epstein-Barr, siêu vi viêm gan, Parvovirus, HIV
  • Các rối loạn tự miễn: bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp
  • Thai kỳ

2. Bệnh suy tủy xương có nguy hiểm không?

Suy tủy xương là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Các biểu hiện của suy tủy có thể diễn tiến từ từ và phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh bao gồm:

  • Các triệu chứng thiếu máu như xanh xao, mệt mỏi, khó thở,... Thiếu máu xảy ra từ từ ngày càng nặng và khó hồi phục bằng truyền máu.
  • Giảm bạch cầu hạt: có thể có sốt hoặc nhiễm khuẩn
  • Rối loạn tiểu cầu: các triệu chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu như xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc răng miệng, rong kinh,...

Rối loạn tiểu cầu với các triệu chứng chảy máu niêm mạc răng miệng
Rối loạn tiểu cầu với các triệu chứng chảy máu niêm mạc răng miệng

Về những thay đổi trong cơ thể được nhìn nhận thông qua các xét nghiệm máu và tủy xương cho thấy như sau:

2.1. Xét nghiệm máu

  • Huyết đồ: giảm 3 dòng hoặc có thể chỉ giảm 1 dòng tế bào ngoại vi ở giai đoạn khởi đầu rồi tăng dần sau vài ngày hoặc vài tuần.
  • Thiếu máu đẳng sắc, đẳng bào, hồng cầu lưới thấp
  • Nồng độ các yếu tố tăng trưởng tạo máu tăng như erythropoietin, thrombopoietin và yếu tố tăng trưởng bạch cầu hạt
  • Sắt huyết thanh có nồng độ cao, độ thanh thải sắt kéo dài

2.2. Xét nghiệm tủy

  • Tủy đồ: mật độ tế bào giảm theo các mức độ khác nhau điển hình là khoảng trống chứa mỡ và rất ít các tế bào máu. Đôi lúc cũng có trường hợp hạt tủy có nhiều tế bào nhưng nguyên mẫu tiểu cầu thường giảm.
  • Sinh thiết tủy: tủy nghèo tế bào, nhiều mô mỡ và mô liên kết

Nhìn chung, suy tủy xương thể nặng có tỷ lệ tử vong khoảng 25% trong 4 tháng đầu và 50% trong vòng 1 năm nếu bệnh nhân không được ghép tủy. Trong trường hợp ghép tế bào gốc thì tỷ lệ đáp ứng rơi vào khoảng 70%. Ngoài ra, điều trị thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể cho kết quả tương tự ghép tủy trong suy tủy vô căn nhưng sau 10 năm có đến 40% bệnh nhân tiến triển thành bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, rối loạn sinh tủy và bạch cầu cấp dòng tủy. Chính vì những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến chức năng sinh lý và hoạt động của cơ thể nên suy tủy xương cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để cải thiện khả năng sống, điều trị triệt để cho bệnh nhân.


Định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp phát hiện sớm bệnh suy tủy xương
Định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp phát hiện sớm bệnh suy tủy xương

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe