Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Nuôi cấy phôi là một bước quan trọng trong quá trình sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Việc nuôi cấy phôi giúp tăng tỷ lệ thành công khi phôi được đưa phôi vào tử cung của người mẹ
1. Ý nghĩa và vai trò của quá trình nuôi cấy phôi
Nuôi cấy phôi tạo điều kiện cho những người vô sinh, hiếm muộn có cơ hội được có con từ chính tinh trùng của bố và trứng của mẹ. Đối với trường hợp mang thai hộ, phôi thai được đặt vào và phát triển trong tử cung của người mang thai hộ mà đứa trẻ sinh ra không có liên quan di truyền với người mang thai hộ.
Nuôi cấy phôi thụ tinh trong ống nghiệm là công đoạn sau khi trứng được thụ tinh thành công trong ống nghiệm. Trứng sau đó phát triển thành phôi trong môi trường dinh dưỡng tương tự trong cơ thể của người mẹ. Phôi thai được nuôi cấy trước khi được đưa vào tử cung của người mẹ giúp tăng cơ hội phát triển thành thai nhi tùy thuộc vào mức độ phân chia và thời điểm quyết định kết thúc nuôi cấy.
Nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang cần nhiều thời gian hơn so với nuôi cấy thông thường khoảng 2-3 ngày. Nuôi cấy đến giai đoạn này sẽ giúp sàng lọc phôi cơ bản trước khi chuyển vào tử cung vì nếu phôi có nhiễm sắc thể bất thường thì sẽ không thể phát triển đến giai đoạn phôi nang.
Khi người phụ nữ được chọc hút trứng, sẽ xảy ra hiện tượng co thắt tử cung, triệu chứng thường kéo dài 2 - 3 ngày rồi giảm dần. Nếu việc nuôi cấy phôi diễn ra đến ngày thứ 5 - 6 thì phôi chuyển vào sẽ được an toàn hơn, tránh bị đẩy ra ngoài.
2. Quá trình nuôi cấy phôi
Nuôi cấy phôi thực chất là một bước quan trọng trong quá trình thụ tinh ống nghiệm . Quá trình diễn ra bắt đầu từ thời điểm trứng của người vợ được chọc hút được thụ tinh bởi tinh trùng của người chồng. Sau khi trứng được thụ tinh sẽ được nuôi cấy để phát triển thành phôi, có khả năng tồn tại độc lập trong tử cung của người phụ nữ.
Quá trình nuôi cấy phôi sẽ diễn ra trong thời gian từ 5 đến 6 ngày:
- Trứng sau khi được thụ tinh sẽ hình thành phôi và được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt tạo điều kiện tối ưu nhất cho phôi phát triển.
- Môi trường nuôi cấy được thay đổi tuần tự từ khi bắt đầu nuôi đến khi hình thành phôi nang (phôi đã phân chia thành 60 đến 200 tế bào). Nồng độ khí CO2, nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng cũng được điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của phôi.
- Việc nuôi cấy phôi trải qua các khâu quan sát, phân tích, đánh giá của các chuyên gia trước khi lựa chọn phôi phát triển tốt để đưa vào tử cung của người phụ nữ.
- Có thể chuyển phôi ở giai đoạn phôi phân chia, khi đó phôi có khoảng 6-8 tế bào.
- Hoặc có thể nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang để chuyển vào buồng tử cung người mẹ.
Bằng việc quan sát hình thái phôi dưới kính hiển vi đảo ngược và bộ camera chuyên dụng, cùng với kinh nghiệm chuyên môn, các chuyên gia có thể đánh giá hình thái, giai đoạn phát triển của phôi. Từ đó dự đoán sự phát triển bất thường của những phôi có chất lượng kém, là một trong những nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ, sảy thai liên tiếp...
Nuôi cấy phôi thụ tinh trong ống nghiệm cần được tiến hành trong môi trường nuôi cấy đặc biệt. Cùng với quá trình nuôi cấy phôi cần được thực hiện một cách chính xác và tỉ mỉ để đảm bảo tỷ lệ thành công cao khi được đưa vào cơ thể người phụ nữ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Đánh giá khả năng sinh sản cho vợ và chồng tại Vinmec: Cần xét nghiệm những gì?
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) được chỉ định trong trường hợp nào?
- Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi là làm gì? Vì sao cần thực hiện?