Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch: Các rủi ro có thể gặp

Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch được coi là một vấn đề quan trọng khi đem đến nhiều nguy cơ rủi ro cho bệnh nhân. Bệnh Lupus một dạng bệnh tự miễn, không chỉ gây tổn thương cho da, thận và phổi mà còn tác động đáng kể đến hệ thống tim mạch.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Nội Tim Mạch, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Lupus là bệnh gì?

Bệnh lupus ban đỏ là bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể. Các bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này đó là tim, thận, da, phổi, mắt.

Về lâu dài, tác động của Lupus đến sức khỏe tim mạch cũng không thể tránh khỏi khi tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (Cardiovascular diseases - CVD). CVD là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus - SLE) - loại bệnh lupus phổ biến nhất.


Bệnh Lupus một bệnh tự miễn trong đó hệ miễn dịch tấn công các cơ quan khỏe mạnh
Bệnh Lupus một bệnh tự miễn trong đó hệ miễn dịch tấn công các cơ quan khỏe mạnh

2. Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch

  • Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch là nguy cơ gây ra viêm cơ tim, tràn dịch trong màng tim. Nếu kéo dài sẽ gây ra suy tim mạn. Một vài trường hợp biến chuyển tối cấp, viêm cơ tim cấp khiến suy tim cấp và bệnh nhân có thể tử vong vì trụy mạch.
  • Tình trạng viêm xảy ra khi hệ thống miễn dịch tự tấn công cơ thể, gây hại cho lớp nội mạc bên trong mạch máu, khiến CVD xuất hiện sớm hơn bình thường. Phụ nữ trẻ mắc bệnh lupus sẽ có nguy cơ đau tim cao gấp 50 lần so với những phụ nữ cùng độ tuổi không mắc bệnh SLE.
  • Thuốc steroid dùng để điều trị bệnh lupus cũng gây hại cho sức khỏe tim mạch vì gây ra tình trạng huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nguy cơ càng tăng khi liều thuốc càng cao.
  • Những bệnh nhân bị lupus có nhiều khả năng bị tắc động mạch có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn.

3. Những rủi ro của bệnh Lupus gây ra cho tim mạch

Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch, đặc biệt là rủi ro của lupus ban đỏ hệ thống (SLE), là một vấn đề người bệnh cần đặc biệt chú ý. Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở những người mắc bệnh lupus cao hơn đáng kể so với người không mắc bệnh. Các rủi ro chính bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: Đây là tình trạng phổ biến nhất trong số các bệnh tim mạch liên quan đến lupus. Cholesterol và các chất khác tích tụ trong động mạch, tạo thành mảng bám, hạn chế lưu lượng máu đến tim, não, bàn chân và các bộ phận khác của cơ thể.
  • Nhiễm trùng tim: Bao gồm viêm màng ngoài tim (Tỉ lệ 1/4 người mắc SLE sẽ gặp tình trạng này), viêm nội tâm mạc và viêm cơ tim. Tình trạng viêm này có thể ảnh hưởng đến màng ngoài tim, thành và van tim.
  • Viêm mạch: Viêm trong mạch máu có thể ngăn chặn dòng máu bình thường đến các cơ quan.
  • Tăng huyết áp: Khoảng một nửa số người mắc lupus bị tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ suy tim và đau tim.
  • Hội chứng kháng phospholipid (APS): APS có thể gây ra cục máu đông trong các mạch cung cấp máu cho não, tim, hoặc phổi. Những cục máu đông này có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
  • Vấn đề với mạch máu dưới da: Bao gồm hiện tượng Raynaud, bệnh lưới sống và ban đỏ ở lòng bàn tay, có thể thay đổi hình dạng và màu sắc của da.

Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch là vô cùng nghiêm trọng khi gây ra những biến chứng tim mạch nguy hiểm
Ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch là vô cùng nghiêm trọng khi gây ra những biến chứng tim mạch nguy hiểm

Ngoài ra, người mắc SLE cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề tim mạch khác như đau tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu và thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Điều này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đối với việc quản lý và điều trị bệnh lupus, cũng như theo dõi sức khỏe tim mạch một cách chặt chẽ.

Một nghiên cứu khác của Yu Asanuma và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 65 bệnh nhân mắc bệnh lupus và so sánh họ với 69 người không mắc bệnh lupus. Phương pháp nghiên cứu sử dụng CT scan các động mạch tim, qua đó các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh nhân lupus có nhiều khả năng có mảng bám như thể hiện bởi sự tích tụ canxi trong động mạch. Ngoài ra, bệnh nhân lupus có mảng bám tích tụ ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với bình thường.

4. Triệu chứng của bệnh tim mạch đối với bệnh nhân lupus

Việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng sớm của các vấn đề tim mạch và mạch máu có thể giúp bệnh nhân lupus quản lý bệnh hiệu quả hơn và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số triệu chứng cần lưu ý:

  • Đau ngực;
  • Sưng khắp cơ thể;
  • Mệt mỏi khi hoạt động;
  • Thở khó khăn hoặc đau đớn;
  • Vấn đề với nhịp tim;

Các triệu chứng của viêm mạch bao gồm sốt, sụt cân, phát ban và các vấn đề về mắt hoặc não. Ngón tay và ngón chân có màu trắng hoặc xanh, lòng bàn tay đỏ và các vết giống như ren trên da là dấu hiệu của vấn đề với các mạch máu ngay bên dưới bề mặt da.

5. Phương pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch trước bệnh lupus

Dù phải đối mặt với các thách thức do bệnh Lupus gây ra, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện nhiều bước để đề phòng và giảm ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch. Dưới đây là một số biện pháp hữu ích:

  • Bỏ thuốc lá;
  • Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, ít cholesterol, tập trung vào thực phẩm chưa qua chế biến như ngũ cốc nguyên hạt, rau và protein nạc;
  • Giữ lượng muối ở mức thấp;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh;
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (các hoạt động ít tác động như yoga và bơi lội có thể phù hợp nếu bạn đang có các triệu chứng lupus như đau khớp và cơ).
  • Phòng tránh nhiễm khuẩn: Có các biện pháp vệ sinh chung trong sinh hoạt. Xem xét tiêm vắc xin phòng cúm và viêm phổi.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh.

Thực hiện lối sống lành mạnh là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch trước bệnh Lupus
Thực hiện lối sống lành mạnh là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch trước bệnh Lupus

Bệnh Lupus - một tình trạng tự miễn, không chỉ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể mà còn có nguy cơ gây ra các vấn đề tim mạch nghiêm trọng. Bệnh nhân cần nhận biết sớm các ảnh hưởng của Lupus đến tim mạch và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu biến chứng. Bằng cách chủ động quản lý sức khỏe và theo dõi cẩn thận, người mắc lupus có thể giảm thiểu nguy cơ và duy trì một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe