Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Những người mắc bệnh tim mạch sẽ tăng khả năng lên gấp nhiều lần phải nhập viện do các đợt cấp trên nền bệnh mạn tính sẵn có khi bị cúm. Thời tiết đang chuyển dần sang mùa đông, không khí dần trở nên lạnh hơn là lúc mùa cúm đang đến gần.
1. Bệnh cúm là gì?
Cúm là một bệnh lý truyền nhiễm khá phổ biến. Một người lớn trưởng thành hoàn toàn khỏe mạnh có nguy cơ mắc cúm ít nhất vài lần trong năm. Nguyên nhân gây ra bệnh cúm là do một loại virus gây bệnh tại hệ hô hấp hiện diện bất cứ nơi nào trong không khí. Khi một người bị cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, những giọt tiết chứa virus sẽ được lan truyền vào không khí và những giọt này sau đó được những người khác ở gần hít vào nên mắc bệnh cúm.
Ngoài ra, những giọt tiết này có thể rơi xuống các bề mặt gần đó, nơi virus có thể sống được trong vài giờ. Vì vậy, một người cũng có thể lây nhiễm bệnh cúm khi vô tình chạm vào một bề mặt bị có tác nhân gây nhiễm bệnh và sau đó chạm vào mắt, mũi hay miệng.
Trong trường hợp đã có tiền căn bị bệnh tim mạch, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn và cũng có khả năng bị biến chứng cao, thậm chí còn với mức độ nặng nề hơn khi mắc bệnh này.
Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên chích ngừa cúm đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi và nhóm bệnh nhân nguy cơ cao bao gồm bệnh lý tim mạch
Nếu như bạn sống cùng hoặc phải chăm sóc bệnh nhân tim mạch, bạn cũng nên chích ngừa cúm.
2. Cúm ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim mạch như thế nào?
Virus cúm khi hiện diện trong cơ thể sẽ kích hoạt các phản ứng viêm và cơ thể phải điều tiết chống lại cúm. Nói một cách khác, tác nhân này sẽ gây ra thêm những căng thẳng không đáng có cho cơ thể, biểu hiện qua tăng huyết áp, tăng nhịp tim và tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị đau tim, hay vào cơn nhồi máu cơ tim, cao gấp sáu lần trong vòng một tuần sau khi mắc bệnh cúm.
Hơn thế nữa, mắc bệnh cúm còn có thể làm cho các triệu chứng của bệnh tim mạch đang ổn định đột nhiên trở nên tồi tệ hơn. Ở các đối tượng cao tuổi, cơn cúm mùa nên được xem như là tác nhân gây ra các cơn rung nhĩ đáp ứng thất nhanh kịch phát, có thể dẫn đến suy tim cấp nên không được nhanh chóng kiểm soát tần số tim.
Ngoài ra, người bệnh tim bị cúm cũng có nhiều khả năng tiến triển đến các biến chứng nặng của cúm như viêm phổi hoặc suy hô hấp.
3. Triệu chứng khi mắc cúm là gì?
Bệnh cúm có thể khiến cho người mắc bệnh tim mạch nói riêng và mọi người bình thường nói chung gặp phải bất kỳ hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Sốt
- Đau cơ
- Đau đầu
- Mệt mỏi, uể oải
- Ho
- Viêm họng
- Sổ mũi
Sốt và đau nhức cơ thể có thể kéo dài ba đến năm ngày. Tuy nhiên, triệu chứng ho và cảm giác mệt mỏi, mất sức có thể kéo dài đến hai tuần trở lên.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến sự khác biệt giữa cảm lạnh và cúm khi hai vấn đề này thường hay bị nhầm lẫn trong khi chúng là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Cảm lạnh thông thường chỉ ảnh hưởng đến mũi, cổ họng và ngực trên. Ngược lại, cúm lại có sự ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và kéo dài một tuần hoặc hơn. Hơn thế nữa, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nặng khiến người bệnh cần phải nhập viện, đặc biệt nếu trên người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoặc có kèm các bệnh lý mạn tính khác, bao gồm cả bệnh tim mạch.
4. Các dấu hiệu báo động cần nhập viện
Vì người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch cấp tính khi bị cúm, cần theo dõi sát các đối tượng này và nhập viện ngay nếu người bệnh tim bị cúm có các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao mà không hạ với các thuốc hạ sốt thông thường.
- Cảm giác ớn lạnh hoặc lạnh run
- Khó thở hoặc đau ngực
- Dấu hiệu xanh tím hay tím tái môi, da, ngón tay hoặc ngón chân.
- Nhịp thở nhanh
- Nhịp tim nhanh
- Tăng huyết áp mà khó kiểm soát bằng thuốc hàng ngày
- Huyết áp thấp hay tụt huyết áp
- Co giật
- Tri giác lơ mơ, chậm chạp
Việc nhập viện kịp thời sẽ giúp cho người bệnh tim mạch được có các theo dõi, hỗ trợ y tế cần thiết, phòng tránh hay ứng cứu kịp thời các biến cố tim mạch cấp tính. Hơn nữa, một điều quan trọng là phải cho bác sĩ biết các loại thuốc cảm cúm bạn đã sử dụng, vì một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp hay tương tác với thuốc tim mạch nói chung.
Nói tóm lại, cúm mùa là một bệnh đơn giản, dễ mắc phải và cũng dễ vượt qua. Tuy nhiên, ở những người bệnh tim bị cúm, triệu chứng có thể trở nên nặng nề hơn và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Theo đó, cần chủ động phòng bệnh nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống luôn ổn định ở mức tốt nhất cho các bệnh nhân bệnh tim mạch mạn tính.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.