Ảnh hưởng có thể xảy ra khi cắt 1 bên ống dẫn trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa.

Phụ nữ vẫn có khả năng mang thai bình thường ngay cả khi đã cắt 1 bên vòi trứng, với điều kiện cả hai buồng trứng vẫn còn nguyên vẹn.

1. Khi nào phụ nữ phải cắt 1 bên vòi trứng?

Vòi trứng hay ống dẫn trứng là bộ phận sinh sản ở nữ giới, có cấu tạo tương đối phức tạp, bao gồm nhiều đoạn nối với nhau. Kích thước lòng ống dẫn trứng khá nhỏ nên bất cứ tổn thương nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này. Thống kê cho thấy có tới 1/3 số trường hợp hiếm muộn ở nữ giới có liên quan đến những vấn đề khác nhau ở vòi trứng. Sau đây là một số nguyên nhân khiến nữ giới phải cắt 1 bên vòi trứng:

1.1 Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là trường hợp xảy ra khi phôi thai sau khi thụ tinh làm tổ ngay tại vòi trứng thay vì bám vào thành tử cung để phát triển như thông thường. Như vậy, khi phôi thai ngoài tử cung phát triển đến một mức độ nào đó quá sức chịu đựng của vòi trứng, sẽ gây ra hiện tượng đau tức dữ dội, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ gây vỡ khối thai, khiến cho vòi trứng bị tổn thương nặng nề, dẫn đến phải cắt 1 bên vòi trứng.

Nếu thai ngoài tử cung được phát hiện và điều trị sớm, nữ giới vẫn có thể bảo tồn vòi trứng của mình bằng cách sử dụng thuốc, thay vì phải cắt ống dẫn trứng.


Mang thai ngoài tử cung là trường hợp xảy ra khi phôi thai sau khi thụ tinh làm tổ ngay tại vòi trứng thay vì bám vào thành tử cung để phát triển
Mang thai ngoài tử cung là trường hợp xảy ra khi phôi thai sau khi thụ tinh làm tổ ngay tại vòi trứng thay vì bám vào thành tử cung để phát triển

1.2 Ứ dịch vòi trứng

Ứ dịch vòi trứng thường là dịch viêm, gây ra do vòi trứng bị tắc. Nếu vòi trứng chỉ bị tổn thương nhẹ thì thực hiện mổ nội soi có thể thông được vòi trứng. Tuy nhiên, trường hợp vòi trứng tổn thương nặng, trong lúc mổ chỉ lấy được một phần dịch và không thể thông được vòi trứng hoàn toàn. Trường hợp này, khả năng mang thai tự nhiên lẫn thụ tinh trong ống nghiệm thường có độ thành công không cao. Vì vậy, phụ nữ ứ dịch vòi trứng thường được khuyên làm phẫu thuật cắt 1 bên vòi trứng bị tổn thương trước khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm để tăng khả năng có thai.

1.3 Viêm nhiễm vùng chậu hoặc 2 bên vòi trứng

Tình trạng viêm nhiễm nặng nề gây ra do vi khuẩn Chlamydia cũng là một nguyên nhân khiến nữ giới phải cắt 1 bên vòi trứng. Một số trường hợp phụ nữ buộc phải cắt vòi trứng do nạo phá thai nhiều lần, gây biến chứng viêm nhiễm vùng chậu.

2. Cắt 1 bên ống dẫn trứng có ảnh hưởng gì?

2.1. Ảnh hưởng đến khả năng mang thai

Trong trường hợp đã cắt 1 bên ống dẫn trứng nhưng vòi trứng còn lại vẫn có khả năng hoạt động bình thường, người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai tự nhiên. Mỗi tháng, hiện tượng rụng trứng sẽ xảy ra ở 2 bên buồng trứng và luân phiên nhau.

Về lý thuyết, khả năng có thai tự nhiên của người phụ nữ bị cắt 1 bên vòi trứng sẽ giảm đi phần nào so với những người có đầy đủ hai bên vòi trứng. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều phụ nữ vẫn có thể mang thai một cách tự nhiên ngay trong năm đầu sau khi phẫu thuật cắt bỏ một bên vòi trứng. Do đó, việc cắt 1 bên ống dẫn trứng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng mang thai. Điều quan trọng đối với người phụ nữ mong muốn mang thai là giữ tâm trạng thoải mái, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, kiểm soát mức cân nặng hợp lý, duy trì lối sống khoa học và thói quen lành mạnh.

Trong những trường hợp ít gặp hơn, người phụ nữ phải loại bỏ cả hai bên vòi trứng thì khả năng mang thai vẫn hoàn toàn có thể, nhưng hầu như phải cần đến những phương pháp hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm. Với cách này, tinh trùng và trứng không cần phải gặp nhau tại vòi trứng nhưng người phụ nữ vẫn có khả năng mang thai bình thường. Tuy nhiên, các đôi vợ chồng nên kiên trì và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, bởi vì không phải ca thụ tinh trong ống nghiệm nào cũng thành công ngay từ lần đầu tiên thực hiện.

2.2. Ảnh hưởng đến quan hệ tình dục


Hormone sinh dục là tác nhân chính ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục của phụ nữ
Hormone sinh dục là tác nhân chính ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục của phụ nữ

Hormone sinh dục là tác nhân chính ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục của phụ nữ, được tiết ra bởi tuyến yên và buồng trứng. Do đó, khi cắt đi 1 bên vòi trứng thì buồng trứng và tuyến yên vẫn có thể hoạt động bình thường, hay nói cách khác, ham muốn tình dục và độ khoái cảm lúc quan hệ không bị ảnh hưởng.

Như vậy, phụ nữ dù bị cắt 1 bên ống dẫn trứng nhưng chuyện quan hệ tình dục sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi cắt vòi trứng, nữ giới phải chờ một khoảng thời gian khoảng 4 - 6 tuần thì mới có thể quan hệ tình dục trở lại bình thường, đây là thời gian trung bình để hồi phục vết thương sau mổ.

Tóm lại, với sự tiến bộ của y học, những khiếm khuyết xảy ra với hệ thống sinh sản của người phụ nữ do việc cắt 1 bên vòi trứng không còn là vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng như trước đây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe