Amidan quá phát có hội chứng ngưng thở trong lúc ngủ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Tuấn - Bác sĩ Tai mũi họng - Phẫu thuật đầu cổ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Khi bị viêm, amidan sẽ sưng to có thể khiến cho bạn cảm thấy khó thở. Viêm amidan quá phát thậm chí có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

1. Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là tình trạng rối loạn trong giấc ngủ, bạn có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay làm giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong khi ngủ kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.

Người bị ngưng thở trong lúc ngủ thường có thể duy trì khoảng trống đường thở trong khi thức nhưng lại có biểu hiện tắc nghẽn khi đi sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ sâu của bạn bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn trầm trọng và kích thích khiến bạn phải tỉnh giấc để đi vào giấc ngủ nông. Sự tỉnh giấc này sẽ giúp bạn tái lập lại đường thở đi kèm với hít hơi dài.

Ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, gặp nhiều ở nam giới hơn là nữ giới.

Những người béo phì, bất thường trong cấu trúc đường hô hấp trên như amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to,... người uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc an thần hoặc trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.

Các dấu hiệu giúp nhận biết ngưng thở khi ngủ:

  • Ngủ ngáy: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng ngưng thở khi ngủ, cùng với thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngưng thở. Ngáy to nhất khi bạn nằm ngửa, giảm đi khi nằm nghiêng.
  • Mệt mỏi cả ngày: Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ, bạn thường cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó tập trung trong công việc, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.
  • Buồn ngủ vào ban ngày: Bạn có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.
  • Đau đầu khi thức dậy: Nguyên nhân của tình trạng này là do thay đổi nồng độ oxy não trong đêm.

Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng thiếu oxy toàn thân, làm ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, não, phổi, thận, tuyến tụy,... từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.

Chính vì vậy, tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.


Ngủ ngáy là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng ngưng thở khi ngủ
Ngủ ngáy là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng ngưng thở khi ngủ

2. Làm sao để biết có bị ngưng thở khi ngủ hay không?

Nếu bạn nghi ngờ mình bị ngưng thở khi ngủ, bạn nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kiểm tra xem bạn mắc hội chứng này không. Bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bạn, và dựa vào các phương pháp kiểm tra, đánh giá khác, bao gồm:

2. 1. Đo đa ký giấc ngủ

Đo đa ký giấc ngủ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ. Máy đo sẽ ghi lại được tất cả những thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ.

Đo đa ký được thực hiện trong suốt giấc ngủ của bạn. Bạn sẽ được gắn những bộ phận nhận cảm lên một số vị trí trên cơ thể như đầu, mặt, ngực, chân, đầu ngón tay để ghi nhận một số chỉ số trong suốt giấc ngủ. Máy đa ký giấc ngủ sẽ lại các chỉ số sau:

  • Điện não đồ
  • Điện tim
  • Điện cơ mắt
  • Điện cơ cằm
  • Điện cơ chân
  • Độ bão hoà oxy trong máu
  • Thông khí hô hấp
  • Chuyển động cơ hô hấp
  • Cường độ tiếng ngáy của bạn.

Đo đa ký giấc ngủ hoàn toàn không gây đau đớn hay khó chịu cho bạn. Đây là phương pháp cho phép đánh giá một cách chính xác, chi tiết về nguyên nhân và mức độ ngưng thở khi ngủ và những rối loạn giấc ngủ kèm theo.

2. 2. Nội soi ống mềm trong khi ngủ

Đây là phương tiện khảo sát rất cần thiết để xác định chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi ngủ. Bạn sẽ được gây ngủ và theo dõi bởi bác sĩ gây mê. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành nội soi kiểm tra chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi bạn ngủ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.

3. Tại sao viêm amidan quá phát gây ngưng thở khi ngủ?

Đất nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa với những đặc trưng là nóng ẩm, mưa nhiều, có những giai đoạn thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi đột ngột khiến cho các bệnh về hô hấp dễ bùng phát và trở nên phổ biến, trong đó có viêm amidan.

Khi bị viêm, amidan sẽ luôn trong tình trạng đỏ ửng và sưng to hơn so với bình thường nhiều lần. Bạn sẽ luôn cảm thấy đau họng, khó chịu, cảm thấy khó thở, ngủ ngáy xảy ra liên tục hơn.

Sở dĩ viêm amidan quá phát gây khó thở là vì khi bị viêm thì amidan sẽ sưng to, chèn ép cuống họng gây cản trở không khí lưu thông qua đường hầu họng. Ngoài ra, vi khuẩn tấn công amidan cũng tấn công lên vùng mũi, gây nên tình trạng viêm mũi và tắc nghẽn vùng mũi, khiến bạn cảm thấy khó thở.

Viêm amidan quá phát gây tắc nghẽn đường hô hấp trên là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Người bệnh cần phát hiện các dấu hiệu của bệnh một cách nhanh chóng để được điều trị kịp thời, tránh được những biến chứng nguy hiểm sau này.

Tắc nghẽn đường hô hấp trên gây khó thở sẽ khiến bạn mất ngủ, ngủ ngáy, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến suy nhược cơ thể. Nguy hiểm hơn, bạn có thể phải đối diện với tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

4. Cách điều trị viêm amidan sưng to gây ngưng thở khi ngủ

Nếu viêm amidan quá phát gây khó thở ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị bằng thuốc. Nhưng khi bệnh ở mức độ nặng, tình trạng viêm amidan kéo dài, amidan sưng to gây ngưng thở khi ngủ thì chỉ định phẫu thuật cắt amidan là cần thiết.

Hiện nay, phương pháp điều trị viêm amidan tiên tiến nhất là phẫu thuật cắt amidan. Bác sĩ sẽ cắt bỏ amidan để làm thông thoáng đường thở. Các trường hợp cần phải cắt amidan bao gồm:

  • Viêm amidan tái phát trên 5 lần/năm.
  • Viêm amidan gây các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cầu thận, viêm cơ tim, viêm khớp,...
  • Amidan sưng to gây tắc nghẽn đường thở, khó nuốt, khó nói, ngủ ngáy hay thậm chí ngưng thở khi ngủ.

Đối với trẻ em, tuổi thích hợp nhất để cắt amidan từ 4 tuổi trở lên. Cắt amidan khi trẻ còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên trong trường hợp, trẻ có biểu hiện ngưng thở lúc ngủ cần phải cắt amidan bất cứ tuổi nào để tránh nguy cơ đột tử do thiếu oxy.

Để có thể khắc phục tạm thời tình trạng viêm amidan sưng to gây ngưng thở khi ngủ, cho đến khi bạn được phẫu thuật cắt amidan, bạn cần thực hiện những điều sau đây:

  • Khi thấy khó thở do viêm amidan sưng to, bạn cần nằm kê gối cao hơn để dễ thở hơn.
  • Bạn nên nằm ngủ trong phòng thoáng khí, không nên sử dụng điều hòa hay quạt điện. Vì điều hòa có thể làm cho tình trạng viêm amidan tồi tệ và nguy hiểm hơn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng và súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng để kháng viêm và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
  • Bạn nên uống nhiều nước, ăn các thức ăn mềm và dễ nuốt để không làm ảnh hưởng đến amidan, không làm tắc nghẽn đường thở.
  • Không ăn các loại thức ăn nóng, cay, đồ lạnh, kem, nước đá... vì chúng làm tổn thương niêm mạng họng, tình trạng viêm amidan sưng to gây khó thở sẽ nặng và nguy hiểm hơn.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và không sử dụng chất kích thích.
  • Hạn chế tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng hầu họng khi trời lạnh.
  • Nếu bạn thở gấp, cảm thấy khó thở, suy hô hấp, tức ngực thì nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Nếu tình trạng viêm amidan kéo dài hoặc có bất kỳ triệu chứng gì nghiêm trọng hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời
Nếu tình trạng viêm amidan kéo dài hoặc có bất kỳ triệu chứng gì nghiêm trọng hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời

5. Phòng tránh bệnh viêm amidan quá phát bằng cách nào?

Để phòng bệnh viêm amidan quá phát thì người bệnh nắm rõ những lưu ý dưới đây:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ 2 lần/ngày, và sử dụng nước muối sinh lý súc miệng hàng ngày để cản trở sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi về hoặc tiếp xúc vết bẩn.
  • Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vùng tai mũi họng cần được giữ ấm và che chắn cẩn thận.
  • Bổ sung các loại dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như các vitamin có trong rau, củ, quả. Uống nước ép hoa quả hoặc sinh tố để bổ sung khoáng chất.
  • Hạn chế ăn các loại thức ăn cứng, cay, nóng, và đồ uống lạnh.
  • Uống đủ nước giúp giảm cảm giác khô rát vùng họng.
  • Xây dựng chế độ tập luyện sức khỏe, chế độ nghỉ ngơi lành mạnh để giúp tăng cường sức đề kháng phòng ngừa sự tấn công của các loại tác nhân gây bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe