Dị ứng trứng gà phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể tồn tại khi trẻn lớn lên đặc biệt sau ba tuổi, có khoảng 2% trẻ em bị mắc triệu chứng này. Khi nói đến trứng gà, protein lòng trắng có nhiều khả năng gây phản ứng dị ứng hơn lòng đỏ, mặc dù một số người vẫn có thể bị dị ứng với cả hai.
1. Tổng quan về dị ứng trứng
Dị ứng trứng là các phản ứng bất lợi đối với protein có trong trứng thông qua cơ chế miễn dịch. Các triệu chứng dị ứng thường xảy ra vài phút đến vài giờ sau khi ăn trứng hoặc thực phẩm có chứa trứng. Các dấu hiệu và triệu chứng từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm phát ban da, nổi mề đay, nghẹt mũi và nôn mửa hoặc các vấn đề về tiêu hoá. Hiếm khi, dị ứng trứng có thể gây sốc phản vệ - phản ứng đe dọa đến tính mạng.
1.1. Dị ứng trứng gà ở trẻ em
Dị ứng trứng gà là dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em. Gần như tất cả các phản ứng dị ứng do trứng xảy ra ở trẻ em bị bệnh chàm sơ sinh. Dị ứng trứng thường xuất hiện ở độ tuổi rất sớm, với các phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong khoảng 6-15 tháng, lúc mà trẻ ăn trứng lần đầu tiên trong cuộc đời. Các triệu chứng điển hình dị ứng trứng gà ở trẻ em gồm: ngứa, phát ban, nổi mày đay, phù môi, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa miệng, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy... hoặc nặng hơn có thể có các biểu hiện của phản vệ như khó thở, hạ huyết áp...
Vì vậy để lựa chọn những loại thực phẩm trẻ em có thể ăn mà không chứa trứng là một thách thức với cha mẹ. Trứng hầu như luôn được tìm thấy trong bánh mì, mì ống, ngũ cốc, bánh ngọt, bánh quy. Trứng cũng xuất hiện trong cả kẹo, kem, salad trộn hay đồ uống. Nhiều thực phẩm chiên rán trong nhà hàng cũng sử dụng trứng để bột chiên dính vào sản phẩm. Như vậy, bất kỳ thực phẩm bao gồm chất nhũ hoá, chất kết dính, chất keo tụ đều sẽ chứa trứng.
1.2. Dị ứng trứng gà ở người lớn
Dị ứng trứng gà ở người lớn ít gặp hơn. Các triệu chứng lâm sàng ở người người lớn hầu như thường bắt đầu ở thời ấu thơ hoặc tuổi trẻ, nhưng cũng có những trường hợp dị ứng khởi phát ở tuổi trưởng thành. Các triệu chứng xảy ra ở người lớn có thể là: nôn, buồn nôn hoặc chàm da sau khi ăn trứng.
2. Triệu chứng của dị ứng trứng
Phản ứng dị ứng trứng thay đổi từ người này sang người khác và thường xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với trứng. Các triệu chứng dị ứng trứng có thể bao gồm:
- Viêm da hoặc nổi mề đay
- Phản ứng dị ứng trứng phổ biến nhất là nghẹt mũi, sổ mũi và hắt hơi.
- Các triệu chứng tiêu hoá, chẳng hạn chuột rút, buồn nôn hay nôn.
- Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn như ho, khò khè, tức ngực hoặc khó thở.
Một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, một trường hợp khẩn cấp đe doạ tính mạng đòi hỏi phải tiêm adrenalin ngay lập tức và đi đến phòng cấp cứu. Các dấu hiệu này bao gồm: co thắt đường thở bao gồm cổ họng sưng hoặc cục u ở cổ họng khiến khó thở, đau bụng và chuột rút, mạch nhanh, sốc với huyết áp giảm nghiêm trọng đồng thời cảm thấy chóng mặt hoặc mất ý thức.
Khi có các triệu chứng trên cần gặp bác sĩ cho dù đó là phản ứng nhẹ. Và mức độ phản ứng dị ứng này sẽ xảy ra mạnh hơn sau mỗi lần xảy ra. Vì vậy, ngay cả khi phản ứng trong quá khứ là nhẹ thì lần tiếp theo có thể nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ tiêm một mũi epinephrine khẩn cấp nếu xảy ra sốc phản vệ.
3. Các yếu tố rủi ro khi bị dị ứng trứng
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng trứng:
- Viêm da cơ địa: Trẻ em có loại phản ứng da này sẽ có khả năng bị dị ứng thực phẩm hơn so với trẻ không bị vấn đề về da.
- Tiền sử gia đình: Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai mắc bệnh hen suyễn, dị ứng thực phẩm hoặc bị một số bệnh dị ứng khác như nổi mề đay, viêm da cơ địa thì con của họ cũng có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm.
- Tuổi: Dị ứng trứng là phổ biến nhất ở trẻ em. Nhưng với người trưởng thành thì hệ thống tiêu hoá hoàn thiện hơn và ít có phản ứng dị ứng với trứng.
5. Biến chứng của dị ứng trứng
Biến chứng đáng kể nhất của dị ứng trứng là bị sốc phản vệ cần phải tiêm adrenalin và điều trị khẩn cấp.
Nếu bị dị ứng trứng thì có thể tăng nguy cơ dị ứng các thực phẩm khác như: sữa đậu nành, đậu phộng, dị ứng với lông thú cưng, mạt, bụi hoặc phấn hoa..
6. Phòng ngừa dị ứng trứng
Trứng được khuyến kích tránh sử dụng với những gia đình hoặc tại những nơi chăm sóc trẻ có dị ứng với trứng vì chỉ cần một lượng nhỏ có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Một số điều có thể làm để tránh phản ứng dị ứng và hạn chế những biến chứng tồi tệ nếu xảy ra:
- Đọc nhãn thực phẩm cẩn thận: Tất cả trên bao bì sản phẩm phải có một danh sách thành phần trên nhãn. Hãy luôn luôn kiểm tra bảng thành phần mọi lúc mỗi khi bạn mua một sản phẩm nào đó. Chú ý có thể sản phẩm đó không sử dụng dụng trứng nhưng có thể chứa trứng trong thành phần chế biến.
- Hãy cẩn thận khi đi ăn ở bên ngoài bởi thực phẩm bên ngoài không thể hoàn toàn chắc chắn là có chứa trứng hay không.
- Đeo vòng tay hoặc vòng cổ dị ứng.
- Hãy để cho người chăm sóc trẻ biết chúng bị dị ứng trứng để tránh sử dụng các sản phẩm từ trứng trong bữa ăn của trẻ.
- Nếu đang cho con bú mà trẻ bị dị ứng với trứng thì mẹ không nên ăn trứng vì protein của trứng có thể truyền qua sữa của mẹ.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị dị ứng trứng. Vì vậy bố mẹ, người chăm sóc trẻ hay thầy cô trong nhà trường cần trao đổi thông tin với nhau, đồng thời nên được sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ để có phương pháp giải quyết kịp thời với những trường hợp trẻ bị dị ứng khi ăn thực phẩm là trứng hay sản phẩm từ trứng.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; healthline.com