Thực phẩm vị đắng thường không được ưa chuộng bởi mùi mạnh đặc trưng, gây khó chịu cho nhiều người. Tuy nhiên, một số món đắng rất bổ dưỡng và chứa nhiều hóa chất thực vật có lợi cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, tim mạch và tiểu đường, hỗ trợ đường ruột, mắt và gan.
1. Mướp đắng
Mướp đắng, hay khổ qua, là một loại dưa có màu xanh, hình dạng tương tự dưa chuột nhưng vỏ sần sùi và có vị rất đắng. Mướp đắng chứa nhiều chất phytochemical - như triterpenoids, polyphenol và flavonoid, đã được chứng minh làm chậm quá trình phát triển của các loại ung thư. Loại củ quả này cũng được dùng để giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu cho thấy tiêu thụ 2.000 mg bột mướp đắng mỗi ngày sẽ giúp hạ đáng kể đường huyết, tuy nhiên tác dụng không bằng thuốc tiểu đường thông thường. Vì vậy, không đủ bằng chứng để khuyến nghị dùng mướp đắng thay cho thuốc điều trị ở bệnh nhân tiểu đường.
Giống như hầu hết các loại thực phẩm vị đắng khác, khổ qua cũng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa các gốc tự do làm tổn thương tế bào, giảm nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim và tiểu đường.
2. Rau cải
Có nhiều loại rau họ cải mang vị đắng như: bông cải xanh, cải mầm Brussels, bắp cải, cải xoăn, củ cải và xà lách. Dành cho những ai còn băn khoăn thực phẩm đắng có tốt không, loại rau cải này có chứa hợp chất glucosinolates - tạo vị đắng và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng glucosinolates có thể làm chậm sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư. Một số dữ liệu cho thấy người ăn nhiều rau cải có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn. Nhưng cũng cần lưu ý rằng sự khác biệt di truyền ở mỗi người, cũng như mức độ glucosinolate có trong rau và phương pháp nấu ăn cũng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Ngoài tác dụng chống ung thư tiềm tàng, glucosinolates trong rau cải còn giúp men gan xử lý độc tố hiệu quả hơn, giảm tác động tiêu cực của hóa chất có hại lên cơ thể. Mặc dù chưa có khuyến nghị chính thức, một số nghiên cứu cho thấy ăn ít nhất 5 khẩu phần rau cải mỗi tuần mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe.
3. Lá bồ công anh
Nhiều người nghĩ rằng bồ công anh chỉ là một loại hoa cỏ dại, nhưng thực tế lá của chúng có thể ăn được và rất bổ dưỡng. Rau bồ công anh là những chiếc lá có kích thước trung bình, màu xanh lá cây đậm với các cạnh không đều. Chúng có thể được ăn sống trong món salad, món xào, hoặc thêm vào súp và mì ống. Vì mùi vị rất đắng nên rau bồ công anh thường được nêm nếm các hương vị khác, như tỏi hoặc chanh.
Mặc dù có rất ít nghiên cứu về lợi ích sức khỏe cụ thể của rau bồ công anh, nhưng đây rõ ràng là một loại thảo dược rất giàu vitamin và khoáng chất, trong đó có canxi, mangan, sắt và vitamin A, C và K. Lá bồ công anh cũng chứa các carotenoids lutein và zeaxanthin, bảo vệ mắt khỏi đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Hơn nữa, rau xanh bồ công anh còn là một nguồn prebiotic inulin và oligofroza tuyệt vời, thúc đẩy vi khuẩn đường ruột phát triển khỏe mạnh.
4. Vỏ cam quýt
Các loại trái cây có múi - như chanh, cam và bưởi, thường có vị ngọt hoặc chua, nhưng vỏ ngoài và vỏ trắng lại khá đắng. Vị đắng này là do flavonoid - chất giúp bảo vệ trái cây khỏi bị sâu phá hại, và cũng có nhiều lợi ích sức khỏe cho người.
Vỏ cam quýt có chứa nồng độ flavonoid cao nhất, với hai chất chống oxy hóa mạnh là hesperidin và naringin. Nghiên cứu trên động vật cho thấy flavonoid trong cam quýt có thể giúp chống ung thư bằng cách giảm viêm, cải thiện giải độc, cũng như làm chậm sự phát triển và lây lan của các tế bào ác tính.
Để thêm vỏ cam quýt vào chế độ ăn uống, bạn có thể thưởng thức dưới dạng sấy khô, hoặc bột nghiền kết hợp trong hỗn hợp gia vị, hay thêm vào kẹo và các món tráng miệng.
5. Quả nam việt quất (Cranberries)
Quả nam việt quất có vị chua chát, quả mọng đỏ thường đắng, có thể được ăn sống, nấu chín, sấy khô hoặc ép nước. Chúng có chứa một loại polyphenol proanthocyanidin nhóm A, có thể ngăn vi khuẩn bám vào các mô cơ thể. Công dụng này sẽ giúp giảm sâu răng do vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm H. pylori trong dạ dày, thậm chí ngăn ngừa nhiễm trùng E. coli trong đường ruột và đường tiết niệu.
Một nghiên cứu kéo dài 90 ngày cho thấy uống khoảng hai cốc (500ml) nước ép nam việt quất mỗi ngày có khả năng loại bỏ vi khuẩn HP dạ dày, hiệu quả gấp ba lần so với giả dược. Bên cạnh đó, một liều thuốc chiết xuất nam việt quất có chứa ít nhất 36mg proanthocyanidin, làm giảm đáng kể tần suất nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là ở phụ nữ.
Ngoài đặc tính kháng khuẩn, quả nam việt quất còn giàu chất chống oxy hóa, chứa nồng độ cao nhất trong số 24 loại trái cây phổ biến. Đây chính là lý do tại sao tiêu thụ nước ép nam việt quất thường xuyên sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch. Cụ thể là giúp giảm viêm, hạ đường máu, huyết áp và chất béo trung tính.
6. Cacao
Bột cacao được làm từ hạt của cây cacao và có vị rất đắng khi dùng không đường. Món này thường được thêm vào nhiều đồ tráng miệng, trộn với bơ cacao, rượu hương cacao, vani và đường để làm chocolate.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ăn chocolate ít nhất 5 lần/tuần có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 56% so với người không ăn. Nguyên nhân có thể là do các polyphenol và chất chống oxy hóa có trong cacao, giúp giãn mạch máu và giảm viêm, từ đó bảo vệ trái tim.
Đây cũng là một nguồn thực phẩm giàu khoáng chất vi lượng, bao gồm đồng, mangan, magiê và sắt. Bột cacao không đường và chocolate đen chứa nhiều chất chống oxy hóa và ít đường nhất, vì vậy nên được bổ sung vào chế độ ăn uống lành mạnh.
7. Cà phê
Là một trong những đồ uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên toàn thế giới, cà phê cũng là nguồn chất chống oxy hóa hàng đầu trong chế độ ăn uống thông thường.
Giống như hầu hết các loại thực phẩm vị đắng, cà phê chứa nhiều polyphenol, tạo ra hương vị độc đáo. Polyphenol có nhiều nhất trong cà phê là axit chlorogenic - một chất chống oxy hóa mạnh, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm tổn thương tế bào, tránh nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
Các cuộc khảo sát cho thấy uống 3 - 4 ly cà phê mỗi ngày có thể làm giảm 17% nguy cơ tử vong, 15% nguy cơ ung thư và 18% nguy cơ bệnh tim so với việc không uống cà phê. Theo một phân tích riêng khác, tiêu thụ 1 tách cà phê/ngày giúp giảm 7% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy cà phê chứa caffein, có thể ngăn ngừa các rối loạn thần kinh, bao gồm bệnh Alzheimer và Parkinson.
8. Trà xanh
Trà xanh cũng là một loại đồ uống phổ biến, được tiêu thụ rộng rãi trên toàn thế giới. Chúng có vị đắng tự nhiên do chứa hàm lượng catechin (epigallocatechin gallate, hoặc EGCG) và polyphenol. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy EGCG có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, nhưng không rõ tác dụng ở người.
Trà xanh cũng chứa nhiều loại polyphenol, chất chống oxy hóa và chống viêm. Những hợp chất này kìm hãm các gốc tự do và giảm viêm, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Trên thực tế, chỉ cần uống một tách trà xanh mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ đau tim xuống gần 20% và giảm cân. Trà xanh tốt hơn các loại trà đen hoặc trắng nhờ liều lượng chất chống oxy hóa tối đa.
9. Rượu vang đỏ
Rượu vang đỏ chứa hai loại polyphenol chính là proanthocyanidin và tannin, tạo ra màu đậm và vị đắng. Sự kết hợp của rượu và các polyphenol có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm quá trình oxy hóa cholesterol, giảm đông máu và giúp mở rộng mạch máu.
Một số nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng rượu vang đỏ có thể tốt cho đường ruột. Cụ thể, uống 2 ly rượu vang đỏ mỗi ngày, duy trì trong một tháng, sẽ làm tăng số lượng vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Phát triển lợi khuẩn đường ruột lại có liên quan trực tiếp đến mức cholesterol thấp và giảm viêm.
Những lợi ích khác của việc uống rượu vang đỏ bao gồm: kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và loãng xương. Tuy nhiên cần lưu ý rằng uống rượu quá mức có thể dẫn đến tổn thương gan và các vấn đề sức khỏe khác, vì vậy chỉ nên dùng điều độ.
Trả lời cho câu hỏi thực phẩm vị đắng có tác dụng gì, các chuyên gia cho biết mỗi loại thực phẩm đắng đều có những lợi ích sức khỏe riêng, bao gồm chống ung thư, bệnh tim và tiểu đường, cũng như giảm viêm và oxy hóa. Hầu hết những lợi ích này đến từ các polyphenol và thậm chí là prebiotic. Có rất nhiều lựa chọn thực phẩm vị đắng để thêm vào chế độ ăn uống và gặt hái lợi ích cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .healthline.com