Tình trạng đau nhức, sưng tấy, bỏng rát và căng tức ở vú có thể gây ra những phiền toái và khó chịu cho cuộc sống của nhiều phụ nữ. Thậm chí, một số người còn lo ngại rằng liệu đau vú có phải là một dấu hiệu của ung thư vú hay không. Điều quan trọng là cần xác định nguyên nhân cụ thể gây đau vú, từ đó tìm ra biện pháp kiểm soát và điều trị phù hợp.
1. Đau vú theo chu kỳ
Đau vú có thể xảy ra theo chu kỳ kỳ sinh sản của bạn, bao gồm một số dấu hiệu điển hình sau đây:
- Các cơn đau gây cảm giác nhức và nặng nề ở vú
- Ngực dường như bị sưng lên hoặc trông có vẻ sần sùi
- Cả hai bên vú đều bị ảnh hưởng, chủ yếu là vùng trên và bên ngoài vú. Đôi khi, cơn đau cũng có thể lan đến nách.
- Đau vú xảy ra khi bạn đang trong độ tuổi sinh để (khoảng 20 – 30 tuổi) hoặc sắp mãn kinh.
Nhằm giảm bớt tình trạng đau vú theo chu kỳ, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng các loại thuốc tránh thai hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc mà bạn đang dùng. Ngoài ra, bạn cũng nên cắt giảm lượng caffeine được tiêu thụ hoặc thử dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, naproxen sodium hoặc acetaminophen.
2. Nồng độ hormone trong cơ thể
Hầu hết các cơn đau vú dường như có liên quan đến nồng độ của hai loại hormone trong cơ thể bạn, bao gồm estrogen và progesterone. Nguyên nhân cụ thể khiến vú bị đau hiện vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng nó có thể xảy ra vào những thời điểm khác nhau trong các mốc nhất định, bao gồm:
- Tuổi dậy thì
- Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng hoặc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
- Mang thai, chủ yếu có triệu chứng đau vú trong 3 tháng đầu thai kỳ
- Trong thời kỳ cho con bú. Trong một số trường hợp cụ thể, khi ống dẫn sữa bị tắc có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến viêm vú và đau vú. Tình trạng này cần được điều trị ngay lập tức bằng thuốc kháng sinh.
- Thời kỳ mãn kinh
Khi núm vú bị đau, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn sắp đến kỳ kinh nguyệt. Cơn đau này cùng với những cơn đau vú khác sẽ được giảm bớt khi bạn có kinh. Ngoài ra, tình trạng mang thai cũng có thể khiến núm vú của bạn trở nên mềm và sưng lên.
Bản thân việc cho con bú cũng có thể gây đau núm vú khi bé ngậm ti. Thậm chí, núm vú của bạn có thể bị nứt hoặc chảy máu. Để xoa dịu cơn đau, bạn nên sử dụng các loại thuốc mỡ hoặc thậm chí thoa một vài giọt sữa lên núm vú để làm mềm chúng trước khi bắt đầu cho con bú.
3. Thay đổi sợi bọc tuyến vú
Thay đổi sợi bọc tuyến vú có liên quan đến hormone trong cơ thể. Mô sợi và u nang hình thành trong vú có thể gây đau đớn, tuy nhiên đây là tình trạng bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Theo nghiên cứu cho biết, khoảng một nửa số phụ nữ ở độ tuổi từ 20 – 50 bị mắc căn bệnh này. Bạn sẽ không cần phải điều trị trừ khi có các triệu chứng nghiêm trọng.
4. Mất cân bằng axit béo
Các loại axit béo được tìm thấy chủ yếu trong dầu thực vật và động vật. Khi xảy ra sự mất cân bằng những loại axit này trong các tế bào, nó có thể khiến ngực trở nên nhạy cảm hơn với các hormone và dẫn đến tình trạng đau vú.
Để làm giảm các triệu chứng, bạn có thể cắt giảm chất béo trong chế độ ăn uống của mình, đồng thời áp dụng một chế độ ăn nhiều carbs phức tạp. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dầu hoa anh thảo để điều chỉnh sự mất cân bằng axit béo.
5. Đau vú không theo chu kỳ
Nguyên nhân đau vú cũng có thể xuất phát từ những lý do khác ngoài hormone, bao gồm:
- Cảm giác đau nhức, căng tức hoặc bỏng rát tại vú
- Sự khó chịu liên tục ở vú không thể lường trước được
- Cơn đau dường như ảnh hưởng đến một bên vú ở một khu vực cụ thể
- Đã trải qua thời kỳ mãn kinh
6. Đau ngoài vú
Cảm giác đau như đang phát ra từ vú, tuy nhiên nó thực sự tỏa ra từ một nơi khác trong cơ thể, thường là thành ngực. Cơn đau có xu hướng thuyên giảm khi nghỉ ngơi, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc tiêm cortisone.
Nếu bạn cảm thấy bị căng cơ chính ở ngực (nằm bên dưới và xung quanh ngực), bạn cũng có thể nhận thấy như ngực là nguồn gốc của cơn đau. Tình trạng này thường là kết quả của việc thực hiện các hoạt động như nâng, cào hoặc xúc một vật nặng.
7. Sự nhiễm trùng
Mặc dù tình trạng viêm vú thường xảy ra nhiều ở phụ nữ đang cho con bú, tuy nhiên thực tế nó hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nếu bạn mặc áo quá bó sát vào núm vú, nó có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến sự nhiễm trùng.
Ngoài ra, tình trạng đau vú cũng có thể xuất phát từ bệnh tưa lưỡi (một loại bệnh nhiễm trùng nấm men ở vú và núm vú), có thể gây ra cảm giác bỏng rát, mẩn đỏ, khô hoặc bong tróc da ở núm vú.
8. Chấn thương
Chấn thương là một nguyên nhân gây đau vú phổ biến khác. Khi một vùng cụ thể của vú bị tổn thương, chẳng hạn như cấy ghép hoặc phẫu thuật, nó có thể khiến vú bị đau. Đôi khi chấn thương cũng có thể khiến tĩnh mạch vú bị sưng lên và hình thành nên các cục máu đông.
9. Thuốc và một số tình trạng về da khác
Một số loại thuốc kê đơn cũng như thuốc nội tiết tố có thể là những nguyên nhân khác gây đau vú. Chúng bao gồm một số loại thuốc tâm thần và thuốc cho bệnh tim.
Ngoài ra, các tình trạng viêm da như viêm da tiếp xúc hoặc bệnh chàm, cũng có thể khiến bạn bị phát ban hoặc sưng tấy quanh núm vú. Nếu có các vấn đề về da này, bạn nên trao đổi với bác sĩ về cách điều trị chúng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com