Đau vú ở nữ có nhiều nguyên nhân gây ra như chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng của nội tiết tố nữ và đa số các trường hợp đau vú thường là lành tính. Tuy nhiên nhiều phụ nữ vẫn cảm thấy lo lắng khi gặp phải tình trạng này. Vậy khi nào nên đi khám khi bị đau vú?
1. Các trường hợp đau vú ở nữ thường gặp
Đau vú ở nữ được chia thành hai loại là đau vú theo chu kỳ và đau vú không theo chu kỳ.
- Đau vú theo chu kỳ: Đau âm ỉ, hai bên ngực căng tức hoặc hơi sưng, cơn đau có thể không đồng đều. Đau theo chu kỳ thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc sắp đến thời kỳ mãn kinh.
- Đau vú không theo chu kỳ: Các cơn đau xuất hiện không có sự liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, thường gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Các cơn đau dai dẳng kéo dài, đôi khi đau nhói ở một vùng hoặc một bên vú cố định hoặc lan khắp vú và vùng dưới cánh tay.
Nhiều phụ nữ thường lo lắng khi gặp tình trạng đau vú nhưng do chỗ đau khá nhạy cảm nên nhiều người lo ngại khi phải đến bệnh viện khám chữa. Tuy nhiên không phải trường hợp nào đau vú cũng là dấu hiệu của bệnh lý. Tùy vào nhiều nguyên nhân khác nhau, các trường hợp đau vú có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị gì.
Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp đau vú là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý, đặc biệt là ung thư vú. Vì vậy, nữ giới cần nhận biết được nguyên nhân gây ra cơn đau để biết chính xác bản thân có cần gặp bác sĩ để thăm khám hay không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
2. Nguyên nhân gây đau vú ở nữ
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vú ở nữ, sau đây là những nguyên nhân thường gặp trong các trường hợp đau vú:
- Do mặc áo ngực quá chật gây ra tình trạng đau vú, bên cạnh đó kèm theo các cơn đau ở vai và cổ.
- Đau vú ở nữ có thể là do các tác động từ bên ngoài như bê vác vật nặng, tập thể dục quá sức...
- Do ảnh hưởng của hormone sinh dục gây ra các cơn đau vú ở nữ vào thời điểm trước kỳ kinh nguyệt
- Các cơn đau ở vú có thể là do sử dụng các loại thuốc chứa nhiều hormone nội tiết tố như thuốc hỗ trợ sinh sản, thuốc tránh thai, thuốc hỗ trợ nội tiết tố sau mãn kinh...
- Kích thước vú quá lớn cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau không theo chu kỳ.
- Sau khi trải qua các phẫu thuật ngực, phụ nữ cũng có thể gặp các cơn đau ở vú, đôi khi các cơn đau này sẽ kéo dài sau khi vết thương đã lành và tạo sẹo.
- Nếu các cơn đau vú ở nữ diễn ra dài và dai dẳng thì có thể nguyên nhân hình thành là do một số bệnh lý như viêm vú, u nang vú, ung thư vú...
- Trong quá trình cho con bú cũng có thể gây ra đau vú do các nguyên nhân như tắc tuyến vú, viêm tuyến vú.
- Sự mất cân bằng acid béo làm tuyến vú nhạy cảm hơn với nội tiết tố nữ, gia tăng nguy cơ đau vú.
3. Đau ở vú có phải là bệnh lý?
Nhiều phụ nữ thường hoang mang khi đau vú, tuy nhiên các cơn đau ở vú có nhiều nguyên nhân hình thành. Nếu đau vú theo chu kỳ thì nữ giới không cần quá lo lắng vì hầu như đây không phải là dấu hiệu của bệnh lý nào. Nếu các trường hợp đau vú không theo chu kỳ và gặp các dấu hiệu bất thường như đau vú nổi cục, đau nhiều và không thuyên giảm kể cả sử dụng thuốc giảm đau hoặc trong gia đình có người thân bị ung thư vú thì nên đi đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra, xác định chính xác tình trạng bản thân đang gặp phải.
Mặc dù hầu hết các cơn đau ở vú là lành tính nhưng chị em tuyệt đối không được chủ quan, nên theo dõi tình trạng các cơn đau vú và đi khám kịp thời nếu thấy xuất hiện những hiện tượng lạ.
4. Làm sao để đau vú không là nỗi ám ảnh đối với phụ nữ?
Để tình trạng đau vú thuyên giảm và không gây khó chịu cho bản thân, nữ giới có thể tham khảo một vài ý kiến như sau:
- Nên sử dụng áo ngực vừa với kích thước ngực của bản thân, hạn chế mặc áo quá chật gây o ép ngực, ngoài ra mọi người nên lựa chọn chất liệu áo ngực sao cho thoải mái nhất có thể.
- Không nên tập luyện thể thao quá sức, nhất là những bài tập liên quan đến vùng ngực và cánh tay vì đây có thể là nguyên nhân gây ra đau vú ở nữ.
- Chú ý chu kỳ đau ở vú, nếu là đau trước kỳ kinh thì không nên quá căng thẳng và lo lắng vì tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn thực phẩm nhiều mỡ, thức ăn chiên xào và đồ ăn nhanh...
- Có thể thực hiện một số phương pháp massage để thư giãn, giúp giảm đau tức ở vú.
- Theo dõi tình trạng đau vú xem có theo chu kỳ nhất định hay không.
- Nếu sử dụng các loại thuốc có chứa nhiều hormone nội tiết tố thì nên sử dụng cẩn trọng và tuân theo chỉ định của bác sĩ.