8 loại thực phẩm làm giảm mức Testosterone

Testosterone là hormone giới tính có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Duy trì mức testosterone lành mạnh rất quan trọng để tăng khối lượng cơ bắp, cải thiện chức năng tình dục và tăng cường sức mạnh. Hơn nữa, sự thay đổi nồng độ testosterone có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe, bao gồm béo phì, tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và các vấn đề về tim.

1. Thực phẩm có thể làm giảm testosterone

Testosterone là một trong những hormone giới tính chính trong cơ thể. Mặc dù, đàn ông sản xuất nhiều testosterone hơn, nhưng đây cũng là một loại hormone quan trọng đối với phụ nữ.

Testosterone thúc đẩy sự gia tăng khối lượng cơ bắp, khối lượng xương, lông trên cơ thể và ảnh hưởng đến sinh sản. Thông thường, cơ thể có khả năng thực hiện hiệu quả điều chỉnh các hormone và giữ mức testosterone ở nơi mà chúng cần. Tuy nhiên, một số thực phẩm có thể can thiệp vào quá trình này bằng cách làm mất cân bằng nồng độ hormone. Vậy ăn gì để giảm testosterone? Dưới đây là 8 loại thực phẩm làm giảm mức testosterone mà chúng ta có thể tránh sử dụng chúng.

2. Một số loại thực phẩm giảm testosterone

2.1. Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành

Một số nghiên cứu cho thấy rằng thường xuyên ăn các sản phẩm từ đậu nành như edamame, đậu phụ, sữa đậu nành và miso có thể làm giảm nồng độ testosterone.


Sữa đậu nành tốt cho sức khỏe
Sữa đậu nành tốt cho sức khỏe

Ví dụ, trong một nghiên cứu thực hiện ở 35 đàn ông cho thấy uống protein đậu nành phân lập trong vòng 54 ngày và kết quả dẫn đến giảm nồng độ testosterone. Hơn nữa, thực phẩm được làm từ đậu nành cũng chứa nhiều phytoestrogen. Đây là những chất có nguồn gốc từ thực vật bắt chước được tác dụng của estrogen trong cơ thể bằng cách thay đổi nồng độ hormone và đồng thời có khả năng làm giảm testosterone.

Mặc dù, nghiên cứu được thực hiện trên con người còn hạn chế, nhưng có một nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy tiêu thụ phytoestrogen làm giảm đáng kể nồng độ testosterone và tỷ trọng tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác lại cho thấy kết quả khác biệt đó là thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành có thể không có tác động nhiều như các thành phần đậu nành bị cô lập này.

Trên thực tế, khi tiến hành đánh giá 15 nghiên cứu cho thấy thực phẩm đậu nành không có ảnh hưởng đến nồng độ testosterone ở nam giới. Cho nên, nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để hiểu làm thế nào toàn bộ sản phẩm đậu nành có thể ảnh hưởng đến mức độ testosterone ở người.

2.2. Bạc hà

Có lẽ bạc hà nổi tiếng nhất với tính chất làm dịu dạ dày mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng bạc hà có thể gây ra sự sụt giảm nồng độ testosterone. Đặc biệt, bạc hà lục và bạc hà cay là hai loại thảo dược đến từ họ thực vật bạc hà đã được chứng minh là có tác động trực tiếp đến testosterone.

Một nghiên cứu tiến hành trong khoảng 30 ngày ở 42 phụ nữ cho thấy uống trà thảo dược bạc hà hàng ngày gây ra sự sụt giảm đáng kể nồng độ testosterone. Tương tự, một nghiên cứu khác thực hiện ở động vật cho thấy việc sử dụng tinh dầu bạc hà cho chuột trong 20 ngày dẫn đến giảm mức testosterone. Hay, một nghiên cứu khác trên động vật cũng lưu ý rằng uống trà bạc hà làm thay đổi nồng độ hormone ở chuột, dẫn đến giảm testosterone, so với nhóm đối chứng.

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về bạc hà và testosterone tập trung vào phụ nữ hoặc động vật. Vì thế, các nghiên cứu chất lượng cao được tiến hành ở người đồng thời tập trung vào cả hai giới là cần thiết để đánh giá mức độ bạc hà ảnh hưởng đến nồng độ testosterone ở cả nam và nữ.

2.3. Rễ cam thảo

Rễ cam thảo là một trong những thành phần thường được sử dụng để làm ngọt kẹo và đồ uống. Nó cũng là phương thuốc tự nhiên phổ biến trong y học toàn diện và thường được sử dụng để điều trị từ đau mãn tính đến ho dai dẳng.


Dùng rễ cam thảo mỗi ngày có thể làm giảm testosterone
Dùng rễ cam thảo mỗi ngày có thể làm giảm testosterone

Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cam thảo cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ hormone, và có khả năng dẫn đến sự suy giảm testosterone theo thời gian. Nghiên cứu thực hiện ở 25 người đàn ông tiêu thụ 7 gam rễ cam thảo mỗi ngày cho thấy mức testosterone giảm 26% chỉ sau một tuần.

Một nghiên cứu nhỏ khác tiến hành ở phụ nữ cho thấy cam thảo cũng có thể làm giảm nồng độ testosterone ở phụ nữ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng với hàm lượng 3.5 gam cam thảo được sử dụng hàng ngày làm giảm nồng độ testosterone xuống 32% chỉ sau một chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều này chỉ áp dụng cho rễ cam thảo chứ không phải kẹo cam thảo hoặc các sản phẩm mà không chứa thành phần rễ cam thảo.

2.4. Dầu thực vật

Hiện này, có rất nhiều loại dầu thực vật bao gồm dầu cải, dầu đậu nành, dầu ngô và dầu hạt bông. Đây là những loại dầu có thể cung cấp acid béo không bão hòa đa. Những acid béo này thường được phân loại là nguồn chất béo lành mạnh, nhưng chúng cũng có thể làm giảm nồng độ testosterone, như một số nghiên cứu đã đề xuất.

Một nghiên cứu được thực hiện ở 69 người đàn ông cho thấy rằng thường xuyên tiêu thụ chất béo không bão hòa đa có liên quan đến mức testosterone thấp hơn đáng kể. Hay, một nghiên cứu khác thực hiện ở 12 người đàn ông đã chỉ ra được ảnh hưởng của chế độ ăn đối với nồng độ testosterone sau khi tập thể dục và kết quả báo cáo rằng lượng chất béo không bão hòa đa có liên quan đến mức độ thấp của testosterone.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây còn hạn chế và hầu hết các nghiên cứu đều có thể quan sát được với cỡ mẫu nhỏ. Cho nên, nhiều nghiên cứu chất lượng cao là cần thiết để kiểm tra tác động của dầu thực vật đối với nồng độ testosterone trong dân số nói chung.

2.5. Hạt lanh

Hạt lanh có chứa các thành phần chất béo có lợi cho tim. Ngoài ra, nó còn chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng khác như chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy hạt lanh có thể gây giảm nồng độ testosterone. Điều này là do hạt lanh chứa nhiều lignan. Đây là những hợp chất thực vật liên kết với testosterone và buộc nó phải được đào thải khỏi cơ thể. Hơn nữa, hạt lanh rất giàu acid béo omega-3, có thể cũng liên quan đến việc giảm testosterone.

Trong một nghiên cứu nhỏ thực hiện 25 người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt, việc bổ sung hạt lanh và giảm lượng chất béo tổng thể đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nồng độ testosterone. Tương tự, một nghiên cứu trường hợp báo cáo rằng bổ sung hạt lanh hàng ngày làm giảm nồng độ testosterone ở một phụ nữ 31 tuổi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tình trạng đặc trưng bởi tăng nội tiết tố nam ở phụ nữ.


Hạt lanh giàu chất dinh dưỡng
Hạt lanh giàu chất dinh dưỡng

Mặc dù vậy, vẫn cần có nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để đánh giá thêm tác động của hạt lanh đối với nồng độ testosterone.

2.6. Thực phẩm chế biến

Bên cạnh việc thường xuyên có chứa nhiều natri, calo và đường, thì thực phẩm chế biến như là bữa ăn tiện lợi, hay thực phẩm đông lạnh và đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn cũng là một nguồn chất béo chuyển hóa phổ biến.

Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo không lành mạnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 và viêm. Thêm vào đó, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thường xuyên tiêu thụ chất béo chuyển hóa từ các nguồn như thực phẩm chế biến có thể làm giảm nồng độ testosterone.

Một nghiên cứu được thực hiện với 209 người đàn ông cho thấy những người tiêu thụ lượng chất béo chuyển hóa cao nhất có mức testosterone thấp hơn 15% so với những người có lượng tiêu thụ thấp nhất. Ngoài ra, họ cũng có số lượng tinh trùng thấp hơn 37% và giảm thể tích tinh hoàn, điều này có thể được liên kết với giảm chức năng tinh hoàn.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện ra rằng một lượng lớn chất béo chuyển hóa có thể làm giảm mức testosterone và thậm chí làm giảm hiệu suất sinh sản.

2.7. Rượu

Các nghiên cứu cho thấy rằng uống quá nhiều rượu có thể khiến nồng độ testosterone giảm mạnh, đặc biệt là ở nam giới. Một nghiên cứu tiến hành ở 19 người trưởng thành khỏe mạnh cho thấy tiêu thụ 30 - 40 gam rượu mỗi ngày (tương đương với khoảng 2-3 tiêu chuẩn) làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới xuống 6.8% trong khoảng thời gian ba tuần.

Hay một nghiên cứu khác cũng báo cáo rằng nhiễm độc rượu cấp tính có liên quan đến tăng testosterone ở phụ nữ nhưng giảm mức độ testosterone ở nam giới. Tuy nhiên, bằng chứng này là không hoàn toàn rõ ràng khi nói về tác dụng của rượu đối với testosterone.

Trên thực tế, cả nghiên cứu trên người và động vật đều có kết quả hỗn hợp, bởi vì vẫn có một số nghiên cứu chỉ ra rằng rượu thực sự có thể làm tăng nồng độ testosterone trong một số trường hợp nhất định. Cho nên, nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này là cần thiết để hiểu làm thế nào mà với liều lượng rượu khác nhau có sự ảnh hưởng khác nhau đến mức độ testosterone trong dân số nói chung.

2.8. Các loại hạt


Các loại hạt có thể làm giảm nồng độ testosterone
Các loại hạt có thể làm giảm nồng độ testosterone

Các loại hạt là một nguồn thực phẩm tuyệt vời với nhiều chất dinh dưỡng quan trọng bao gồm chất xơ, chất béo có lợi cho tim, axit folic, selen và magie. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy một số loại hạt có thể làm giảm nồng độ testosterone.

Một nghiên cứu nhỏ tiến hành với 31 phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cho thấy quả óc chó và hạnh nhân làm tăng mức độ globulin liên kết với hormone giới tính (SHBG) lần lượt là 12,5% và 16%. SHBG là một loại protein liên kết với testosterone, có thể dẫn đến giảm mức độ testosterone tự do trong cơ thể.

Hơn nữa, các loại hạt cũng thường có nhiều axit béo không bão hòa đa, và đây cũng yếu tố có liên quan đến việc giảm nồng độ testosterone trong một số nghiên cứu. Mặc dù, một số nghiên cứu đã chỉ ra được những phát hiện này, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định một số loại hạt có thể ảnh hưởng đến mức độ testosterone.

Tóm lại, thay đổi chế độ ăn uống của bạn là một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì mức testosterone khỏe mạnh. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh, ngủ nhiều và tập thể dục phù hợp cũng có thể tăng cường testosterone một cách tự nhiên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: .healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe