7 mẹo để làm sạch trái cây, rau quả

Trước khi ăn, trái cây và rau quả tươi nên được rửa thật sạch bằng nước để loại bỏ bụi bẩn không mong muốn trên bề mặt. Tuy nhiên, với đại dịch COVID-19, việc làm sạch trái cây và rau quả là rất cần thiết.

1. Vì sao phải làm sạch trái cây, rau quả?

Dù đại dịch toàn cầu như Covid-19 có xảy ra hay không, rửa trái cây tươi và rau quả đúng cách luôn là một thói quen tốt cần thực hiện để giảm thiểu việc ăn phải các chất độc, chất thải và vi trùng có hại.

Nhiều người xử lý nông sản tươi sống trước khi người mua hàng mua chúng từ cửa hàng tạp hóa hoặc chợ nông sản. Tốt nhất là mọi người nên hình thành suy nghĩ không phải mọi bàn tay chạm vào sản phẩm tươi đều là sạch. Với tất cả những người thường xuyên hoạt động trong những môi trường này, cũng có thể an toàn khi cho rằng phần lớn sản phẩm tươi sống mà bạn mua có thể đã dính dịch mũi họng khi những người chế biến ho hoặc hắt hơi.

Rửa trái cây và rau quả tươi đầy đủ trước khi ăn có thể làm giảm đáng kể các chất thải cũng như chất độc hại còn sót lại trên chúng trong quá trình chế biến.

Mặc dù rửa sản phẩm tươi bằng nước từ lâu đã là phương pháp truyền thống để chuẩn bị trái cây và rau trước khi tiêu thụ, nhưng đại dịch Covid-19 hiện nay khiến nhiều người tự hỏi liệu điều đó có đủ để thực sự làm sạch chúng hay không. Một số người đã ủng hộ việc sử dụng xà phòng, giấm, nước chanh, hoặc thậm chí các chất tẩy rửa thương mại khác như thuốc tẩy như một biện pháp bổ sung. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và an toàn thực phẩm, bao gồm Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), rất khuyến khích người tiêu dùng không nên nghe theo lời khuyên này và nên sử dụng nước sạch như một loại nước rửa thực phẩm duy nhất.

Việc sử dụng những hóa chất tẩy rửa khác có thể gây ra thêm những nguy hiểm cho sức khỏe và chúng cũng chưa chắc đã có thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại nhất ra khỏi sản phẩm. Ăn phải các hóa chất tẩy rửa thương mại như thuốc tẩy có thể gây chết người và tuyệt đối không được dùng để làm sạch thực phẩm. Hơn nữa, các chất như nước chanh, giấm và nước rửa sản phẩm đã không được chứng minh là có hiệu quả làm sạch sản phẩm hơn nước thường - và thậm chí có thể để lại cặn bẩn trên thực phẩm.

Mặc dù một số nghiên cứu đã gợi ý rằng sử dụng nước điện phân trung tính hoặc bồn tắm bằng baking soda thậm chí có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ một số chất, nhưng phần đông nhà khoa học vẫn tiếp tục đồng ý là sử dụng nước máy sạch là đủ trong hầu hết các trường hợp.


Trước khi ăn, trái cây và rau quả tươi nên được rửa thật sạch bằng nước
Trước khi ăn, trái cây và rau quả tươi nên được rửa thật sạch bằng nước

2. 7 mẹo để làm sạch trái cây, rau quả

Các quan chức y tế liên bang ở Mỹ đưa ra ước tính rằng có gần 48 triệu người bị mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn có hại mỗi năm, và một số nguyên nhân trong số đó có thể khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. Mặc dù hầu hết mọi người đều biết các sản phẩm có nguồn gốc động vật phải được xử lý cẩn thận để ngăn ngừa bệnh tật, tuy nhiên không phải ai cũng có thể xử lý chúng theo đúng quy trình kỹ thuật do đó biến chúng thành thủ phạm làm bùng phát dịch bệnh do thực phẩm.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã có một số đợt bùng phát dịch bệnh lớn do trái cây và rau bị ô nhiễm — bao gồm rau bina, dưa đỏ, cà chua và rau diếp.

Glenda Lewis, một chuyên gia về bệnh do thực phẩm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cho biết sản phẩm tươi sống có thể bị ô nhiễm theo nhiều cách. Trong giai đoạn trồng trọt, sản phẩm có thể bị ô nhiễm bởi động vật, các chất độc hại trong đất hoặc nước, và tình trạng vệ sinh kém của người lao động. Sau khi sản phẩm được thu hoạch, nó được chuyển qua tay của nhiều người, làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Sự ô nhiễm thậm chí có thể xảy ra sau khi sản phẩm đã được mua, trong quá trình chuẩn bị thực phẩm hoặc trong quá trình bảo quản không cẩn thận. Nếu có thể, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ yêu cầu người tiêu dùng hãy chọn những sản phẩm không bị thâm tím hoặc hư hỏng và đảm bảo rằng những mặt hàng đã cắt sẵn — chẳng hạn như túi rau diếp hoặc lát dưa hấu — được bảo quản lạnh hoặc trên đá cả ở cửa hàng và ở nhà.

Ngoài ra, hãy làm theo 7 điều khuyến nghị sau để làm sạch trái cây và rau quả trước khi sử dụng:

  • Rửa tay trong vòng tối thiểu 20 giây bằng nước ấm và xà phòng trước và sau khi chuẩn bị trái cây và rau quả tươi;
  • Nếu thực phẩm xảy ra tình trạng bầm dập trước khi ăn hoặc xử lý, hãy cắt bỏ những chỗ bị bầm dập trước khi chế biến hoặc ăn;
  • Rửa sạch sản phẩm trước khi gọt vỏ để bụi bẩn và vi khuẩn không truyền từ dao vào trái cây hoặc rau củ;
  • Nhẹ nhàng chà xát trái cây và rau quả dưới vòi nước sạch thông thường. Lưu ý không cần sử dụng xà phòng hoặc các loại dung dịch khác để rửa sản phẩm;
  • Sử dụng bàn chải rau sạch để chà các sản phẩm cứng, chẳng hạn như dưa và dưa chuột;
  • Lau khô sản phẩm bằng vải sạch hoặc khăn giấy để giảm thêm vi khuẩn có thể tồn tại;
  • Bỏ phần lá ngoài cùng của đầu rau diếp hoặc bắp cải.

Lewis cũng cho biết thêm: Người tiêu dùng nên bảo quản các sản phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C.

Rửa trái cây tươi và rau quả trong nước mát, sạch trước khi ăn cũng là một phương pháp thực hành tốt để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Lưu ý rằng không nên rửa sản phẩm tươi trước khi đã sẵn sàng ăn chúng bởi vì rửa trái cây và rau quả trước khi bảo quản có thể tạo ra môi trường khiến vi khuẩn dễ phát triển hơn.

Trước khi bắt đầu rửa sản phẩm tươi, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Trước tiên, hãy đảm bảo rằng mọi đồ dùng, bồn rửa và bề mặt đang sử dụng để chuẩn bị sản phẩm cũng được làm sạch kỹ lưỡng.


Rau bina, rau diếp cá, rau cải, tỏi tây, và cải ngọt nên được cắt bỏ lớp ngoài cùng
Rau bina, rau diếp cá, rau cải, tỏi tây, và cải ngọt nên được cắt bỏ lớp ngoài cùng

Bắt đầu bằng cách cắt bỏ bất kỳ khu vực nào bị thâm tím hoặc thối rữa có thể nhìn thấy bằng mắt thường của sản phẩm tươi. Nếu đang xử lý một loại trái cây hoặc rau củ sẽ được gọt vỏ, chẳng hạn như cam, hãy rửa trước khi gọt vỏ để ngăn vi khuẩn trên bề mặt xâm nhập vào phần quả bên trong. Các phương pháp chung để rửa sản phẩm được chia thành 3 loại chính, bao gồm:

  • Các loại trái cây có vỏ cứng: Các loại trái cây có vỏ cứng hơn như táo, chanh và lê, cũng như các loại rau củ như khoai tây, cà rốtcủ cải, có thể được rửa sạch bằng một chiếc bàn chải với lông mềm để loại bỏ cặn bã khỏi các lỗ trên bề mặt tốt hơn.
  • Các loại rau lá xanh: Rau bina, rau diếp cá, rau cải, tỏi tây, và cải ngọt nên được cắt bỏ lớp ngoài cùng, sau đó nhúng vào bát nước mát, vớt ra để ráo và rửa sạch lại một lần nữa bằng nước ngọt.
  • Các sản phẩm dễ bị hư hỏng: Đối với những loại rau quả, trái cây dễ bị hư hỏng như quả mọng, nấm và các loại sản phẩm khác người tiêu dùng có thể rửa sạch bằng dòng nước chảy ổn định và dùng ngón tay ma sát nhẹ để loại bỏ sạn. Sau khi đã rửa kỹ thực phẩm, hãy lau khô bằng giấy hoặc khăn vải sạch. Các sản phẩm dễ bị hỏng có thể được đặt trên khăn và vỗ nhẹ hoặc cuộn xung quanh để làm khô chúng mà không làm hỏng chúng.

Trước khi ăn trái cây và rau, hãy làm theo các bước đơn giản ở trên để giảm thiểu lượng vi trùng và các chất có thể còn sót lại.

Thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm là một thói quen sức khỏe quan trọng. Rửa sản phẩm tươi giúp giảm thiểu vi trùng trên bề mặt và các chất cặn bã có thể gây bệnh cho cơ thể. Những lo ngại gần đây trong đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người tự hỏi liệu các phương pháp làm sạch mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thương mại trên sản phẩm tươi sống, có tốt hơn không. Các chuyên gia y tế đồng ý rằng điều này không được khuyến khích hoặc không cần thiết - và thậm chí có thể nguy hiểm cho người sử dụng. Hầu hết các loại trái cây và rau quả có thể được rửa sạch bằng nước sạch ngay trước khi ăn. Sản phẩm có nhiều lớp và diện tích bề mặt hơn có thể được rửa kỹ hơn bằng cách ngâm vào bát nước mát để loại bỏ các hạt bụi bẩn. Trái cây và rau tươi cung cấp một số chất dinh dưỡng lành mạnh và nên có trong tất cả các chế độ ăn, miễn là được thực hiện các phương pháp làm sạch an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: fda.gov, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe