Môi khô nứt nẻ bong tróc là khi môi cảm thấy khô và nứt ra, tróc da. Đồng thời, người bệnh còn có cảm giác như bị bỏng, châm chích hoặc cảm thấy khó chịu. Mọi người thường nghĩ rằng điều này chỉ xảy ra vào mùa đông, nhưng nếu biết cách chăm sóc, mọi người vẫn có thể sở hữu một đôi môi mềm mại và dẻo dai quanh năm. Dưới đây là 7 lời khuyên của bác sĩ da liễu để chữa lành đôi môi khô nứt nẻ.
1. Cẩn thận trong việc lựa chọn son dưỡng môi
Tình trạng tại môi có liên quan nhiều đến việc sử dụng son dưỡng môi không gây kích ứng và cả son môi hay các sản phẩm khác thoa lên môi nói chung. Nhiều người có thể có cảm giác khó chịu, chẳng hạn như bỏng rát, châm chích hoặc ngứa ran là những dấu hiệu cho thấy các thành phần hoạt tính trong sản phẩm dùng trên môi có gây tác động tiêu cực. Lúc này, người dùng phải ngay lập tức ngừng sử dụng bất kỳ sản phẩm nào gây kích ứng môi.
Môi khô thì cần phải tránh các sản phẩm dành cho môi có chứa bất kỳ thành phần nào sau đây:
- Long não
- Bạch đàn
- Hương vị: Hương quế, cam quýt, bạc hà và trong đó, bạc hà có thể đặc biệt gây khó chịu cho đôi môi khô nứt nẻ
- Hương thơm
- Lanolin
- Menthol
- Octinoxate hoặc oxybenzone
- Phenol (hoặc phenyl)
- Propyl gallate
- Axit salicylic
Ngược lại, người dùng cần tăng cường sử dụng các thành phần có thể giúp chữa lành đôi môi nứt nẻ, đôi khi lại được tìm thấy ngay trong một số sản phẩm có thể gây kích ứng cho đôi môi. Theo đó, khi tìm kiếm các sản phẩm để sử dụng cho đôi môi nứt nẻ, các bác sĩ da liễu khuyên nhủ nên sử dụng những sản phẩm có chứa một hoặc nhiều thành phần sau:
- Dầu hạt thầu dầu
- Ceramides
- Dimethicone
- Dầu hạt gai dầu
- Dầu khoáng
- Petrolatum
- Bơ hạt mỡ
- Các thành phần chống nắng
- Dầu hỏa trắng
- Các sản phẩm không có mùi thơm và không gây dị ứng nói chung
2. Sử dụng son dưỡng môi không gây kích ứng
Sau khi đã kiểm tra là an toàn cho môi, người dùng cần thoa son dưỡng môi không gây kích ứng (hoặc kem dưỡng ẩm môi) nhiều lần trong một ngày và trước khi đi ngủ.
Nếu môi đang rất khô và nứt nẻ, hãy thử dùng thuốc dưỡng ẩm dưới dạng thuốc. Các loại chế phẩm từ mỡ này giúp bảo vệ môi tránh khỏi các tác động từ môi trường lâu hơn sáp hoặc dầu.
3. Sử dụng son dưỡng môi có khả năng chống nắng
Thoa kem dưỡng môi không gây kích ứng với chỉ số chống nắng SPF 30 hoặc cao hơn trước khi ra ngoài trời cũng là một cách bảo vệ cơ thể khỏi mắc phải tình trạng môi khô nứt nẻ bong tróc. Ngay cả trong mùa đông, điều quan trọng là phải bảo vệ đôi môi luôn tránh khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp. Thật vậy, ánh nắng mặt trời có thể làm cho môi khô, nứt nẻ dễ bị bỏng hơn, có thể gây ra mụn rộp.
Theo đó, để bảo vệ đôi môi khô nứt nẻ khỏi ánh nắng mặt trời, hãy sử dụng son dưỡng môi có chứa chỉ số chống nắng SPF 30 trở lên và một (hoặc cả hai) thành phần chống nắng là oxit titan và oxit kẽm. Đồng thời, người dùng cũng cần phải nhớ khi ở ngoài trời phải thoa son dưỡng môi sau mỗi 2 giờ.
4. Đảm bảo đủ nước
Thói quen uống nhiều nước là một cách đơn giản không chỉ tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể mà cả vẻ đẹp cho làn da, trong đó có cả đôi môi. Môi nứt nẻ là môi khô; vì vậy, bên cạnh việc bôi kem dưỡng ẩm tại chỗ, cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày, nhiều hơn nếu thời tiết nắng nóng cũng là một cách tránh khô môi.
5. Tránh thói quen tác động vào môi
Ngừng liếm, cắn và ngoáy môi. Khi môi cảm thấy khô, người bệnh có thể có phản xạ tự nhiên là làm ướt môi bằng cách liếm chúng. Tuy nhiên, điều này có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Khi nước bọt bay hơi, môi sẽ trở nên khô hơn. Bên cạnh đó, việc ngoáy hoặc cắn môi cũng khiến chúng dễ bị kích ứng, có thể khiến vết thương không lành.
Tuy nhiên, vì liếm môi, hay cả cắn môi, có thể là một thói quen khó bỏ. Thay vào đó, khi nhận thức bản thân vô tình liếm môi, hãy thử thoa son dưỡng môi không gây kích ứng để bỏ dần động tác này.
6. Tránh cầm các đồ vật làm bằng kim loại bằng môi
Kẹp giấy, đồ trang sức và các sản phẩm hàng ngày khác làm bằng kim loại có thể gây kích ứng cho đôi môi vốn đã rất nhạy cảm này.
7. Duy trì độ ẩm cho môi trường
Nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà, nhất là khi dùng máy điều hòa do có khuynh hướng sẽ làm giảm độ ẩm đi. Máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ có thể đặc biệt hữu ích, đặc biệt là đối với người có phản xạ thở bằng miệng vào ban đêm khi ngủ say.
8. Khi nào đến gặp bác sĩ da liễu?
Hầu hết các trường hợp, nếu áp dụng các cách tự chăm sóc trên có thể chữa lành đôi môi khô nứt nẻ trong vòng 2 đến 3 tuần. Nếu không, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám.
Môi nứt nẻ có thể do nguyên nhân nào đó ngoài thời tiết hanh khô. Phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nấm men hoặc một vấn đề gì đó nghiêm trọng hơn có thể khiến môi bị khô và nứt nẻ, bong tróc khó chịu.
Hơn nữa, viêm môi hoạt hóa cũng có thể là một tình trạng tiền ung thư khiến một hoặc cả hai môi trở nên khô và có vảy. Theo đó, bác sĩ da liễu cần phải chẩn đoán nguyên nhân để sớm đưa ra điều trị thích hợp.
Tóm lại, hầu hết mọi người đều từng bị môi khô nứt nẻ một lần trong đời. Tình trạng này có thể tái đi tái lại nếu không có những chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bằng cách làm theo những lời khuyên của bác sĩ da liễu đối với đôi môi nứt nẻ như trên, mọi người đều sẽ có sự cải thiện đáng kể trong vòng 2 đến 3 tuần. Trong đó, cần đặc biệt chú ý để môi không bị nứt nẻ trở lại, hãy tiếp tục thoa son dưỡng môi bất cứ khi nào môi khô, ở trong nhà và cả ngoài trời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com