Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm gan B là một trong những bệnh nguy hiểm và được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi vì triệu chứng bệnh không rõ ràng nhưng lại để lại nhiều hệ lụy cho người bệnh. Bài viết sau đây là những câu hỏi thường gặp của người bệnh về viêm gan B mà Tổ chức Y tế thế giới WHO đã giải đáp. Hiểu đúng về căn bệnh này để có những phương pháp phòng tránh và ngăn ngừa đúng cách.
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một loại bệnh nhiễm trùng gan rất nghiêm trọng. Bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng con người khi mắc phải. Bệnh viêm gan B do virus viêm gan B gây ra.
Đây là loại bệnh viêm gan siêu vi có tính chất nghiêm trọng nhất trong các loại bệnh về gan. Căn bệnh này cũng là một trong những vấn đề lớn cho nền y tế thế giới. Viêm gan B cũng là nguyên nhân gây ra ung thư gan và xơ gan.
Căn bệnh này có thể trở thành mãn tính và vô cùng nguy hiểm. Virus viêm gan B có thể luôn luôn tồn tại trong máu và các chất dịch trong cơ thể người bị nhiễm viêm gan B mãn tính.
2. Viêm gan B lây lan thế nào?
Viêm gan B là một loại virus rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm của nó còn cao hơn virus HIV từ 50 đến 100 lần. Loại virus này lây truyền qua sự tiếp xúc với máu hay các chất dịch từ cơ thể người bệnh, đặc biệt là người bệnh mãn tính.
Một trong những con đường lây nhiễm viêm gan B nguy hiểm và phổ biến nhất đó là lây từ mẹ sang con. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ mắc viêm gan B mãn tính thì có 90% trẻ có khả năng mắc nhiễm trùng mãn tính.
Cụ thể các đường lây truyền như sau:
- Lây nhiễm theo chiều dọc là lây nhiễm từ mẹ qua con: Đa số xảy ra trong thời kỳ chu sinh ( từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau sinh) hay nhũng tháng đầu sau sinh, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất.
- Lây truyền theo chiều ngang qua đường tiếp xúc: Lây truyền thường xảy ra tại nhà, bệnh vịên nhi, trường học và nhà trẻ,... Cơ chế lây truyền có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Vi rút viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ.
- Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: Tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu vi rút viêm gan B và những bệnh khác ( Viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia.
- Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: Khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể
3. Điều trị viêm gan B thế nào?
Trên thế giới hiện nay chưa có biện pháp nào có thể chữa trị viêm gan B mạn một cách triệt để. Các phương pháp điều trị hiện nay chỉ giúp kiểm soát, ức chế sự nhân lên của vi rút, khiến vi rút trở về trạng thái ngừng hoạt động, ngăn ngừa biến chứng, phục hồi tổn thương gan. Một số phương pháp mới như tuyền máu mang ozone, lọc vi rút, trị liệu định hướng, ... Tuy nhiên đây lại là một bệnh rất dễ lây lan, chính vì thế việc ngăn chặn và phòng ngừa bệnh viêm gan B lây lan là vô cùng quan trọng, trong đó tiêm vaccine là cách tốt nhất hiện nay. Trẻ em từ 1 ngày tuổi đã có thể tiêm vaccine viêm gan B để ngăn ngừa lây nhiễm. Đây cũng là sự lựa chọn tối ưu nhất để đối phó với căn bệnh nguy hiểm này và các hậu quả từ nó.
4. Ước tính gánh nặng viêm gan B mãn tính hàng năm do lây truyền từ mẹ sang con ở Việt Nam?
Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc virus viêm gan B là 10%, với con số này, ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ có 54.655 trẻ sơ sinh bị nhiễm loại virus nguy hiểm này từ người mẹ của mình.
Tỉ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang controng giai đoạn mang thai không quá 2%, nhưng trong lúc chuyển dạ có tới hơn 90% các trường hợp lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị nhiễm HBV và có HBeAg ( +) thì trẻ sơ sinhcos 95% nguy co bị nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch. Trong trường hợp mẹ nhiễm HBV và HBeAg (-), tỉ lệ nhiễm cho con là 32%
Thậm chí trong số trẻ bị lây nhiễm từ mẹ thì 90% có khả năng mắc virus viêm gan B mãn tính. Những trẻ này có nguy cơ cao mắc các biến chứng từ viêm gan B mãn tính và có thể lây lan cho người khác làm cho số bệnh nhân lây nhiễm tăng thêm.
5. Có thể ngăn ngừa viêm gan B như thế nào?
Viêm gan B có thể được phòng tránh bởi vắc-xin, đó là vắc-xin ngăn ngừa viêm gan B với hiệu quả khá cao và được sử dụng rất phổ biến. Vắc-xin viêm gan B thường được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa hợp lý khác để có thể phòng tránh viêm gan B như không sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo với người khác, đặc biệt là những bệnh nhân mắc viêm gan B, khám sàng lọc viêm gan B định kỳ.
Việc khám sàng lọc gan mật là một điều rất quan trọng. Nó cho phép bạn biết trước được những nguy cơ bệnh tiềm ẩn trong gan mật và có phác đồ điều trị từ sớm. Hiện nay các gói khám sàng lọc đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, có hai gói tiêu chuẩn và nâng cao để cho bạn lựa chọn. Cả 2 gói khám sàng lọc này đều có tác dụng hỗ trợ khách hàng chẩn đoán các bệnh viêm gan và lên phác đồ điều trị sớm, trước khi bệnh trở nặng hơn.
6. Vắc-xin viêm gan B ở Việt Nam được sản xuất ở đâu?
Tất cả mọi loại vắc-xin của Việt Nam được sử dụng theo Chương trình Quốc gia về Tiêm chủng mở rộng đều phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn quốc tế. Ở Việt Nam, vắc-xin viêm gan B được sản xuất trong nước tại Công ty Vắc-xin và Sinh học số 1. Vắc-xin của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn và được đưa vào sử dụng phổ biến từ năm 1997.
Vắc-xin đều được kiểm tra bởi Bộ Y tế và được Viện Kiểm định Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế Quốc gia cấp phép sử dụng.
7. Tại sao việc tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh phòng ngừa bệnh viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh lại quan trọng?
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin phòng tránh viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Tiêm phòng vắc xin là cách hiệu quả và an toàn nhất phòng bệnh viêm gan B (WHO)
Ở Việt Nam có đến 10-12% phụ nữ mang thai mắc viêm gan B mãn tính, chính vì thế việc lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc loại virus này ngày càng cao.
Tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm thì hiệu quả càng cao. Trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh mũi vắc xin có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây nhiễm từ mẹ sang con, đây là sự cạnh tranh giữa sự nhân lên của vi rút viêm gan B và kháng thể trung hòa vi rút đang có trong cơ thể. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt nếu tiêm sau 7 ngày. Tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con mà còn giúp trẻ sơm được bảo vệ bởi các thành viên khác trong gia đình.
Ngoài tiêm sớm một mũi vắc xin viêm gan B để tạo ra miễn dịch chủ động, trẻ có mẹ dương tính với HBsAg còn cần tiêm 01 mũi Globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) là một miễn dịch thụ động giúp trung hòa vi rút viêm gan B trong khi chờ tác dụng của vắc-xin. Hai mũi tiêm ở 2 vị trí khác nhau ntrong vòng 12-24 giờ sau sinh.
Và để ngăn chặn sự lây nhiễm loại virus nguy hiểm này thì WHO khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh và tiêm 2 mũi bổ sung trong vòng 1 năm tiếp theo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.