5 biện pháp phòng ngừa té ngã ở người đái tháo đường

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tỷ lệ té ngã và gãy xương ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 2 ngày càng tăng. Người đái tháo đường thường mắc kèm các bệnh tăng huyết áp, đau nhức xương khớp... Việc sử dụng các thuốc như Insulin, thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm đau làm tăng thêm nguy cơ té ngã ở người đái tháo đường. Sau khi ngã, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường tăng lên vì các biến cố tim mạch và viêm phổi. Chính vì vậy, vấn đề phòng ngừa té ngã ở người đái tháo đường là rất quan trọng và cần được quan tâm.

1. Vì sao cần phòng ngừa té ngã ở người đái tháo đường?

Số lượng người cao tuổi ngày càng tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Té ngã là một vấn đề lớn ở người cao tuổi vì đây là nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong. Các biến chứng phát sinh từ việc té ngã làm giảm khả năng vận động, gây chấn thương nghiêm trọng và tăng chi phí các dịch vụ y tế. Đái tháo đường là bệnh lý rất phổ biến ở người lớn tuổi. Gánh nặng hiện nay của bệnh đái tháo đường lớn nhất ở nhóm dân số trên 65 ​​tuổi. Đây là nhóm đối tượng tiêu tốn một nửa chi phí y tế trực tiếp dành cho bệnh đái tháo đường. Khi đái tháo đường ngày càng trở thành căn bệnh của người cao tuổi, thì các biến chứng liên quan phải được can thiệp và quan tâm đúng mức. Biến chứng này bao gồm rối loạn nhận thức và khuyết tật thể chất, té ngã và gãy xương, cũng như các hội chứng lão khoa khác ở người cao tuổi.

Đái tháo đường là một yếu tố dự báo nguy cơ té ngã. Một số nghiên cứu đã công nhận rằng những người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ té ngã cao hơn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường. Các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường như bệnh thần kinh ngoại biên, giảm thị lực, loét bàn chân do đái tháo đường và suy giảm chức năng thận là các cơ chế tiềm ẩn dẫn đến té ngã. Giảm thăng bằng, sức mạnh của cơ bắp và rối loạn dáng đi cũng là những tình trạng liên quan đến các biến chứng bệnh đái tháo đường và nguy cơ té ngã.


Người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ té ngã cao
Người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ té ngã cao

Hậu quả của té ngã nặng nề hơn ở người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường. Các lý do bao gồm việc chữa lành vết thương chậm hơn, trì hoãn việc phục hồi sau ngã, khả năng gãy xương cao hơn, suy giảm chất khoáng trong xương và mất sức bền theo tuổi tác.

Dựa trên những lý do này, tỷ lệ ngã ở người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường sẽ cao hơn so với người cao tuổi nói chung. Trong khi tỷ lệ ngã trong cộng đồng người cao tuổi nói chung là khoảng 30% thì tỷ lệ té ngã ở người đái tháo đường cao tuổi lên tới 78% ở thành thị và 43,7% ở người cao tuổi đái tháo đường sống ở nông thôn.

2. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp kiểm soát đường huyết tốt và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cân bằng dinh dưỡng năng lượng và kiểm soát đường huyết là hai mặt tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng hiện chiếm 10% số người sống trong cộng đồng nói chung và 65% số người có bệnh mạn tính.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp duy trì khối lượng cơ, góp phần phòng ngừa loãng xương, tăng sức dẻo dai cho cơ quan vận động. Ở người lớn tuổi, cần chú ý bổ sung leucine do tác dụng đồng hóa của nó đối với tín hiệu tế bào và tăng tổng hợp protein trong cơ.

Việc bổ sung protein (nhưng không phải các can thiệp chế độ ăn uống khác) đặc biệt là kết hợp với tập thể dục giúp cải thiện rõ rệt về sức mạnh cơ bắp ở chân làm giảm nguy cơ té ngã.

3. Tập luyện thể lực

Tập luyện thể lực giúp tăng cường sự dẻo dai, sức bền cho cơ thể, giúp giảm đau nhức xương khớp và là một trong ba trụ cột giúp kiểm soát đường huyết trong điều trị đái tháo đường. Tập luyện thể lực cần phù hợp với độ tuổi và khả năng của cơ thể. Cần chú ý tránh các chấn thương cơ xương khớp. Việc duy trì tập luyện đều đặn hàng ngày cũng rất cần thiết. Các bài tập cần được tham vấn bác sĩ cho phù hợp với tình trạng bệnh lý của cá nhân.


Người bệnh đái tháo đường nên có một chế độ tập luyện thể lực phù hợp
Người bệnh đái tháo đường nên có một chế độ tập luyện thể lực phù hợp

4. Kiểm soát đường huyết

Kiểm soát đường huyết là chìa khóa quan trọng giải quyết vấn đề té ngã cũng như các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Kiểm soát đường huyết cần phải thực hiện trên cả hai thái cực: không để tăng đường huyết vượt mục tiêu điều trị và phòng ngừa hạ đường huyết.

Tăng đường huyết không kiểm soát tốt gây ra các biến chứng của bệnh đái tháo đường như bệnh thần kinh ngoại biên, giảm thị lực, loét bàn chân do đái tháo đườngsuy giảm chức năng thận. Các biến chứng này là các cơ chế tiềm ẩn dẫn đến té ngã.

Ngược lại, các cơn hạ đường huyết đột ngột xuất hiện cũng gây té ngã và gãy xương. Nguy hiểm hơn, hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê và tổn thương não không hồi phục, gây tàn tật suốt đời.

5. Bổ sung vitamin D

Có bằng chứng mạnh mẽ trong việc bổ sung vitamin D có lợi cho cơ thể. Bổ sung vitamin D không chỉ giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp mà còn giảm tần suất ngã. Bổ sung hàng ngày 700–1000 IU vitamin D làm giảm nguy cơ ngã 19% trong khi mức bổ sung hàng ngày thấp hơn (200–600 IU) không đem lại hiệu quả.

Nồng độ vitamin D cao (22,5–94 nmol/l) giúp duy trì mật độ khoáng xương. Ngoài tác dụng đối với xương, vitamin D cũng có tác dụng đối với cơ bắp. Duy trì mức vitamin D bình thường giúp cải thiện chức năng vận động, hiệu suất và sức mạnh của cơ bắp và làm giảm nguy cơ té ngã.

Do đó, những người bổ sung vitamin D> 700 IU mỗi ngày và có mức vitamin D > 40 ng/ml ít bị rối loạn chức năng cơ, ít bị suy giảm mật độ xương, giảm té ngã và gãy xương.


Người bệnh đái tháo đường có thể bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ
Người bệnh đái tháo đường có thể bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ

6. Phát hiện và điều trị bệnh về mắt

Suy giảm thị lực là một yếu tố quan trọng quyết định việc bị ngã ở người cao tuổi. Trong biến chứng về mắt do đái tháo đường, bệnh võng mạc có liên quan đáng kể đến việc té ngã ở người cao tuổi. Biến chứng mắt do đái tháo đường là dấu hiệu cảnh báo cần tầm soát các biến chứng mạch máu khác do đái tháo đường gây ra.

Tóm lại, đái tháo đường tạo ra gánh nặng y tế to lớn. Té ngã ở bệnh nhân đái tháo đường là một biến cố quan trọng làm tăng tỷ lệ tàn tật và tử vong cho người cao tuổi. Phòng ngừa té ngã ở người đái tháo đường là việc rất quan trọng để ngăn ngừa biến cố này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe