Điều trị và cấp cứu hôn mê do hạ đường huyết

Hôn mê do hạ đường huyết là tình trạng cấp cứu có thể diễn tiến nặng và gây ra tử vong. Nếu phát hiện và cấp cứu hạ đường huyết kịp thời, bệnh nhân có thể cải thiện rất tốt.

1. Nhận biết triệu chứng hôn mê do hạ đường huyết

Hạ đường huyết thông thường xác định khi nồng độ đường máu giảm xuống dưới 3,9 mmol/l (70mg/dl). Khi nồng độ đường máu dưới 2,8mmol/l (50mg/dl) xuất hiện các triệu chứng nặng của hạ đường huyết.

Các triệu chứng gợi ý hạ đường huyết ở bệnh nhân đó là: mệt đột ngột, cảm thấy đói cồn cào, có thể kèm theo chóng mặt, đau đầu, cảm thấy lo âu, hốt hoảng hoặc kích động, loạn thần.

Nhịp tim của người bị hạ đường huyết thường nhanh, nhịp nhanh xoang, có thể gặp nhịp nhanh thất hoặc nhịp nhanh trên thất, tăng huyết áp tâm thu, có thể kèm cơn đau thắt ngực.

Hôn mê do hạ đường huyết là giai đoạn nặng của hạ đường huyết, hôn mê xuất hiện đột ngột và không có dấu hiệu báo trước, nối tiếp theo các triệu chứng hạ đường huyết nếu không được điều trị kịp thời. Hôn mê do hạ đường huyết thường là hôn mê yên lặng và hôn mê sâu.

Các triệu chứng thường đi kèm với hôn mê như: xuất hiện dấu hiệu thần kinh khu trú Babinski ở cả 2 bên, hôn mê sâu giảm phản xạ gân xương, có thể xuất hiện co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ, tăng trương lực cơ.

Đa số các trường hợp đều phải nghĩ đến hôn mê hạ đường huyết trước tiên khi bắt gặp 1 bệnh nhân hôn mê chưa rõ nguyên nhân. Nếu là hôn mê do hạ đường huyết thì sau tiêm tĩnh mạch dung dịch đường ưu trương bệnh nhân sẽ tỉnh lại.


Tiêm đường ưu trương vào tĩnh mạch giúp bệnh nhân hạ đường huyết tỉnh lại
Tiêm đường ưu trương vào tĩnh mạch giúp bệnh nhân hạ đường huyết tỉnh lại

2. Nguyên nhân gây hạ đường huyết dẫn đến hôn mê

Nguyên nhân gây hạ đường huyết:

  • Hạ đường huyết lúc đói
  • Hạ đường huyết do thuốc
  • Hạ đường huyết do rượu
  • Bướu tế bào β của tuyến tụy (Insulinoma)
  • Hạ đường huyết trong bệnh lý gan, thận...
  • Suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, lọc thận
  • Hạ đường huyết sau ăn

2.1 Hạ đường huyết lúc đói

Xảy ra sau ăn 5-6 giờ với chỉ số đường huyết thấp. Xuất hiện tam chứng whipple. Xét nghiệm thấy chỉ số đường huyết thấp, bệnh nhân sẽ tỉnh sau khi bù đường.

2.2 Hạ đường huyết do thuốc

Tiền căn sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, các thuốc salicylate ngăn cản sản xuất glucose, tăng tiết Insulin, thuốc quinin, thuốc propranolol, thuốc ức chế men chuyển, thuốc disopyramide...

2.3 Hạ đường huyết do rượu

Giảm dự trữ glycogen do rượu chuyển hóa ở gan làm giảm NAD, giảm tân sinh đường, hôn mê thường có mùi rượu và có thể có thiếu vitamin B1.


Rượu là một trong những nguyên nhân gây hạ đường huyết dẫn đến hôn mê
Rượu là một trong những nguyên nhân gây hạ đường huyết dẫn đến hôn mê

2.4 Hạ đường huyết do bướu tế bào β của tuyến tụy

Bướu tế bào β của tuyến tụy gây tăng tiết insulin, ức chế ly giải glycogen. Nồng độ Insulin máu cao, Khi xét nghiệm nhịn đói 72 giờ cho thấy 75% bệnh nhân hạ đường huyết có nồng độ Insulin > 5 mcgU/mL, lượng C peptide tăng.

2.5 Hạ đường huyết sau ăn

Vai trò GLP, GLP-1 là làm mất đỉnh tiết insulin trong tiền đái tháo đường, gây hạ đường huyết sau ăn nhiều carbohydrate.

3. Điều trị hạ đường huyết

Dừng ngay các thuốc nghi ngờ là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết. Xét nghiệm đường máu mao mạch đầu ngón tay ngay và lấy máu làm xét nghiệm đường máu tĩnh mạch.

Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh (hạ đường huyết mức độ nhẹ và trung bình) thì cho bệnh nhân uống ngay nước đường hoặc các thức uống có chứa đường (mật ong...), không dùng đường hóa học dành riêng cho người đái tháo đường, cho bệnh nhân ăn thức ăn ngay sau khi uống nước đường.

Trường hợp hôn mê do hạ đường huyết (mức độ nặng): cần cấp cứu bằng cách tiêm chậm tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 20% hoặc 30% (do hôn mê, bệnh nhân không thể uống nước đường), tiêm lại cho đến khi bệnh nhân tỉnh trở lại. Công thức tính lượng glucose tiêm tĩnh mạch trực tiếp cho bệnh nhân:


Xét nghiệm máu mao mạch đầu ngón tay để xác định tình hình hạ đường huyết
Xét nghiệm máu mao mạch đầu ngón tay để xác định tình hình hạ đường huyết

  • Lượng Glucose cần bù = Trọng lượng bệnh nhân (kg) x 0.2 x [Gbt - Gh]

Trong đó:

  • Gbt: nồng độ Glucose huyết tương cần đạt (ví dụ: 1 g/L)
  • Gh: nồng độ Glucose máu lúc hạ đường huyết (ví dụ: 0.2 g/L)

Thiết lập đường truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 10% hoặc 5% để duy trì đường máu trên 5.5mmol/l (100mg/dl), tránh nguy cơ tái phát hạ đường huyết.

Lưu ý, nếu bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường có tác dụng kéo dài thì tình trạng hạ đường huyết có thể kéo dài, vì vậy phải truyền glucose duy trì và theo dõi đường máu ít nhất 24 – 72 giờ, tuỳ thuộc vào dược động học của loại thuốc mà người bệnh sử dụng.

Sau khi cấp cứu hạ đường huyết cần phải tích cực điều trị các bệnh lý là nguyên nhân gây hạ đường huyết như suy gan, suy thượng thận, suy giáp, phẫu thuật, u tiết insulinoma...

4. Phòng ngừa hôn mê do hạ đường huyết

  • Thân nhân và bệnh nhân cần nắm rõ những triệu chứng và cách xử trí hạ đường huyết sớm tại gia đình.
  • Những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc hạ đường huyết nếu xuất hiện tình trạng lơ mơ, nghi ngờ hạ đường thì phải ngưng thuốc, cho uống ngay nước đường, ngậm kẹo..., nếu không cải thiện cần phải đưa ngay vào bệnh viện
  • Bệnh nhân đái tháo đường cần phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sử dụng thuốc, chế độ luyện tập để tránh tai biến hạ đường huyết trong điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe