4 giai đoạn phát triển của bệnh tay chân miệng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột gây ra, hay gặp là Coxsackievirus và Enterovirus 71. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, nhưng siêu vi trùng có trong dịch tiết từ đường hô hấp cũng có thể là con đường lây lan. Về lâm sàng, bệnh tay chân miệng được chia ra làm 4 giai đoạn phát triển.

1. Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 3 - 7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus tác nhân từ nước bọt, phỏng nước trên da và phân của người mắc bệnh. Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em, đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch. Trẻ rất dễ tiếp xúc với dịch tiết bóng nước, chất tiết đường tiêu hoá, chất tiết mũi miệng khi ho hắt hơi của bạn bè mắc bệnh tương tự trong môi trường nhà trẻ mẫu giáo hoặc các khu vui chơi công cộng.

Xung quanh vấn đề bệnh tay chân miệng có lây không, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, bệnh tay chân miệng cũng có thể lây lan gián tiếp qua bàn tay tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus, từ người nuôi giữ trẻ không giữ vệ sinh đúng chuẩn, từ môi trường kém chất lượng, đồ chơi bị nhiễm bẩn, thực phẩm chưa được nấu chín đun sôi kỹ càng...

2. Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn lúc mới khởi bệnh sẽ kéo dài từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng tay chân miệng tương tự như bệnh cúm, cụ thể:

  • Sốt nhẹ hoặc cao
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Đau họng
  • Biếng ăn, có thể kèm ói
  • Tiêu chảy vài lần trong ngày

Trên thực tế, nhiều phụ huynh không biết trẻ bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày, điều này vô cùng nguy hiểm, dẫn tới chủ quan và không xử trí kịp thời nếu như có biến chứng xảy ra.

Ở giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng, trẻ có thể sốt nhẹ và vừa trong giai đoạn khởi phát cũng như toàn phát. Tuy nhiên nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài từ 3 ngày trở lên, đặc biệt ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, thì đây có thể là dấu hiệu của nguy cơ biến chứng viêm não.

3. Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3 - 10 ngày, bệnh nhi sẽ đối mặt với các triệu chứng điển hình ở tay - chân - miệng, bao gồm:

  • Loét miệng

Tổn thương niêm mạc dưới dạng bóng nước ở miệng, lợi và lưỡi. Vết loét phỏng nước có đường kính nhỏ từ 2 - 3 mm và diễn tiến nhanh, sau khi vỡ khiến trẻ bị đau miệng, bỏ ăn hoặc bú, cũng như tăng tiết nước bọt.

  • Phát ban dạng phỏng nước

Ban đầu chỉ là những hồng ban thông thường, có kích thước rất nhỏ (chỉ khoảng 1 - 2 mm) nên dễ bỏ sót nếu không chú ý kĩ, ngay cả đối với người thầy thuốc lẫn phụ huynh. Sau đó dần trở thành bóng nước với đường kính từ 2 - 10mm hình bầu dục.

Các nốt phát ban dạng bỏng nước chủ yếu xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trẻ nhũ nhi có thể nổi bóng nước ở vùng mông (quấn tã) và đầu gối trên nền hồng ban. Bóng nước có thể lồi hoặc ẩn dưới da, ấn vào thường không đau và có dịch trong. Nếu dịch chuyển sang màu vẩn đục thì đây là dấu hiệu của bội nhiễm, song trường hợp này cũng hiếm khi xảy ra. Phát ban dạng phỏng nước sẽ tồn tại dưới 7 ngày, sau đó có nguy cơ để lại vết sẹo thâm hoặc biến mất hoàn toàn nếu được điều trị tay chân miệng đúng cách.


Phát ban dạng phỏng nước
Phát ban dạng phỏng nước
  • Các dấu hiệu khác

Trẻ có thể bị sốt nhẹ và nôn. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều thì nguy cơ dẫn đến biến chứng là khá cao. Trong đó, biến chứng về thần kinh, tim mạch, hay hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 phát bệnh.

4. Giai đoạn lui bệnh

Sau thời kỳ toàn phát nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không gặp bất cứ biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh. Thời kỳ cuối này thường là từ 3 - 5 ngày sau phát bệnh hoặc 7 ngày tính từ lúc khởi bệnh.

Thực tế không phải bệnh nhân nào mắc tay chân miệng cũng trải qua những diễn tiến giống nhau. Bốn giai đoạn phát triển bệnh điển hình như trên thuộc thể cấp tính. Ngoài ra còn có hai thể lâm sàng khác là:

  • Thể tối cấp: Bệnh tiến triển rất nhanh và xuất hiện các biến chứng nặng như suy tuần hoàn - hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 24 - 48 giờ;
  • Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng, hay một triệu chứng thần kinh / tim mạch / hô hấp mà không xuất hiện cả phát ban lẫn loét miệng.

Giai đoạn lui bệnh của bệnh tay chân miệng sau 7 ngày
Giai đoạn lui bệnh của bệnh tay chân miệng sau 7 ngày

5. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Biến chứng bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm và thậm chí là dẫn đến tử vong. Do đó ngoài việc chủ động phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh, phụ huynh cũng cần nắm được các dấu hiệu sớm của biến chứng để kịp thời phát hiện và đưa trẻ nhập viện thăm khám ngay. Những biểu hiện khẩn cấp cụ thể là:

  • Sốt cao liên tục khó hạ kèm theo nôn ói
  • Biến chứng thần kinh với biểu hiện giật mình, run chi, giật mình chới với, ngủ gà, hôn mê, hoặc co giật
  • Dấu hiệu về hô hấp như khó thở, thở nhanh, hoặc thở không đều
  • Suy tuần hoàn thể hiện qua nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, da xanh xao hoặc tím tái

Ngoài ra, nếu phụ huynh quá lo lắng về tình trạng chung của trẻ, không nắm được bệnh tay chân miệng có lây không, hay bệnh tay chân miệng sốt bao nhiêu ngày thì hết,... hoặc trường hợp nhà ở cách xa cơ sở y tế thì không nên chủ quan theo dõi tại nhà.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe