Hoa ngoài việc dùng để trang trí thì vẫn có những loại có thể xuất hiện ngay trong khẩu phần ăn của bạn. Các loài hoa ăn đã được dùng trong nhiều nền ẩm thực trên khắp thế giới. Chúng vừa mang lại hương vị và màu sắc độc đáo cho nhiều món ăn như salad, nước sốt, đồ uống và món khai vị, thậm chí còn mang lại lợi ích sức khỏe.
1. Hibiscus
Hoa Hibiscus (còn gọi là hoa bụp giấm) có rất nhiều loại nhưng loại hoa có thể ăn được phổ biến nhất là Roselle hoặc Hibiscus Sabdariffa.
Hoa Hibiscus có thể phát triển với đường kính lên đến 15cm và có nhiều màu như đỏ, trắng, vàng, hồng. Nhiều nước trên thế giới ưa chuộng hoa hibiscus vì tác dụng chữa bệnh của nó. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hoa hibiscus có tác dụng giảm huyết áp và mức cholesterol. Bạn có thể ăn hoa trực tiếp từ cây nhưng thường thì hoa hibiscus được dùng để sấy khô làm trà, mứt hoặc các loại salad. Nước trà hibiscus có màu đỏ tươi và có vị chát, hơi chua, có thể uống nóng nhưng phổ biến nhất là dùng giải khát với đá khi tiết trời nóng nực.
2. Hoa bồ công anh
Hoa bồ công anh thường được coi là loài hoa dại mọc tự do trong nhiều khu vườn. Tuy nhiên chúng lại là một loại hoa có thể ăn được với giá trị dinh dưỡng cao, chúng cung cấp các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Bồ công anh có những bông hoa nhỏ với đường kính từ 2-4cm, nhiều cánh nhỏ màu vàng tươi. Điều thú vị là không chỉ hoa mà mọi bộ phận của cây bồ công anh đều có thể ăn được, bao gồm cả rễ, thân và lá.
Có rất nhiều cách để chế biến bồ công anh, như ăn trực tiếp, trộn salad, tẩm bột chiên, ngâm rượu, ngâm rễ làm trà.
3. Hoa oải hương
Hoa oải hương (Lavender) là một loại thảo mộc thân gỗ, thường được trồng phổ biến ở phía Bắc Châu Phi và Địa Trung Hải. Hoa thường là tổ hợp gồm những bông hoa màu tím rất nhỏ kết lại với nhau. Hoa oải hương nổi tiếng nhất nhờ hương thơm đặc trưng, có tác dụng an thần, giảm stress. Sự kết hợp giữa màu sắc và mùi hương giúp oải hương trở thành nguyên liệu tuyệt vời cho nhiều món ăn, kể cả những món nướng, siro, rượu, trà thảo mộc, gia vị khô,... Hoa oải hương có thể ăn trực tiếp hoặc sấy khô và kết hợp tốt với nhiều loại nguyên liệu như cam, quýt, quả mọng, các loại thảo mộc khác,...
4. Hoa kim ngân
Hoa kim ngân thường có mùi thơm, màu vàng nhạt hoặc trắng, chứa mật hoa có thể ăn trực tiếp từ hoa. Đây là loại hoa đã xuất hiện trong Y Học Cổ Truyền Trung Hoa trong nhiều thế kỷ.
Hoa kim ngân và các chiết xuất của hoa thường được dùng để ăn hoặc bôi lên da để điều trị các tình trạng viêm nhiễm khác nhau. Tuy nhiên tác dụng chữa bệnh của nó đối với con người vẫn chưa được chứng minh một cách khoa học.
Trong ẩm thực, hoa kim ngân thường được dụng để pha trà hoặc làm siro có mùi thơm. Siro từ hoa kim ngân có thể để làm ngọt trà đá, trà chanh, sữa chua hoặc thay thế đường trong các công thức với bánh mì. Trong khi hoa kim ngân và mật hoa khá an toàn để ăn, thì quả mọng của loài này có thể gây độc nếu ăn phải với số lượng lớn.
5. Hoa sen cạn
Hoa sen cạn (Nasturtium) là một trong những loại hoa có thể ăn được khá được ưa chuộng vì màu sắc rực rỡ (cam tươi, đỏ hoặc vàng) và hương vị độc đáo, thơm ngon. Cả lá và hoa của hoa sen cạn đều có thể ăn được trực tiếp hoặc qua chế biến. Chúng có đặc điểm là vị hơi cay nhẹ đặc trưng, và thường được dùng trong món salad hoặc xay thành sốt pesto. Hoa sen cạn không chỉ là nguyên liệu đa tác dụng, bắt mắt mà còn chứa nhiều hợp chất dinh dưỡng giúp chống oxy hóa và chống viêm.
6. Hoa lưu ly
Hoa lưu ly (Borage) là một loại hoa cấu thành từ những cánh hoa mỏng manh tạo thành hình ngôi sao. Hoa thường có màu xanh lam nhưng cũng có thể có màu hồng hoặc trắng. Trong y học, hoa lưu ly thường được dùng để điều trị các bệnh nhẹ như đau họng, ho. Cả hoa và lá hoa lưu ly đều có thể ăn được. Cánh hoa có vị hơi ngọt gợi nhớ đến dưa chuột và mật ong. Hoa có thể ăn trực tiếp trong món salad hoặc dùng để trang trí cho món tráng miệng, cocktail, hoặc dùng để nấu món súp, nước sốt hoặc nhân để nhồi mì ống. Hoa lưu ly cũng được dùng như một món ăn kèm riêng biệt.
7. Hoa rau sam
Rau sam (Purslane) là một loại cây mọng nước thường hay mọc dại, có những bông hoa nhỏ màu vàng và lá dày. Cả hoa và lá của rau sam đều có thể ăn được trực tiếp hoặc chế biến món ăn.
Rau sam có giá trị dinh dưỡng vô cùng phong phú: chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, hàm lượng chất béo omega-3 cao hơn hầu hết các loại rau cùng loại. Hoa và lá của rau sam thường được dùng trong món salad, súp và sandwich, hoặc áp chảo, chiên và hấp với các loại rau củ khác như món ăn phụ.
8. Hoa hồng
Có hơn 150 loài hoa hồng với nhiều màu sắc và kích cỡ đa dạng, hầu hết hoa hồng ăn được nhưng không phải loại nào cũng có hương vị giống nhau. Nguyên tắc chung để chọn hoa hồng để chế biến là nếu nó có mùi dễ chịu, có thể nó sẽ ngon. Tuy nhiên chỉ nên ăn những cánh hoa vì lá và thân hoa hồng không phù hợp để chế biến cũng như tiêu hóa.
Cánh hoa hồng có hương hoa thơm và vị hơi ngọt. Chúng có thể được ăn sống, trộn thành salad hoặc sấy khô, kết hợp với các loại hoa quả,...Cánh hoa hồng tươi cũng có thể được làm thành mứt và thạch hoa hồng. Cũng như các loại hoa ăn được khác, hoa hồng có thể mang lại lợi ích nhất định cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy một số hợp chất có trong cánh hoa hồng có thể giảm bớt stress và thúc đẩy sự thư giãn.
9. Hoa bí
Hoa bí có màu vàng tươi, hình chuông tròn, dài, thường được ăn trực tiếp dưới dạng trang trí hoặc cắt nhỏ và dùng cho món salad, món xào. Thường chỉ có hoa cái mới thành bí nên bạn có thể ăn hoa đực để có thể thu hoạch đầy đủ. Hoa bí đực có thân hơi dài, mảnh và thường mọc xung quanh mép ngoài của cây. Còn hoa cái có xu hướng mọc gần tâm cây hơn và có quả hình củ nhỏ ở gốc hoa nơi gặp thân cây.
10. Hoa Pansy
Hoa Pansy khá nhỏ với đường kính khoảng 5-8cm, với 5 cánh hóa chồng lên nhau với vùng tối ở trung tâm giống như vết mực. Chúng có nhiều màu nhưng màu tím, xanh làm và vàng là phổ biến nhất. Hoa Pansy thường được dùng để nướng bánh, trang trí cho món tráng miệng, thêm vào món salad,.... Ngoài việc đem lại màu sắc bắt mắt cho món ăn, hoa pansy còn là nguồn cung cấp một số hợp chất giúp chống oxy hóa và chống viêm.
11. Cúc La Mã
Cúc La Mã là một loại hoa có thể ăn được được sử dụng phổ biến trong nấu ăn và Y Học Cổ Truyền trong nhiều thế kỷ. Xét về mặt y học, hoa cúc có tác dụng an thần, giảm stress và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Chúng có hương vị ngọt nhẹ khi được nấu chín. Đa phần các công thức nấu ăn đều đề cập đến việc đun nóng cúc La Mã trong chất lỏng để gia tăng mùi thơm và lấy các chất dinh dưỡng có trong hoa. Lá và hoa cúc La Mã có thể được sấy khô hoặc dùng tươi. Mặc dù cúc La Mã thường được chế biến nhiều nhất thành trà hoa cúc, nhưng chúng cũng có thể làm thành siro hoặc thêm hương vị cho bánh nướng, sinh tố hoặc các món tráng miệng.
Theo quan niệm của nhiều người hoa chỉ là vật trang trí, nhưng bạn hoàn toàn có thể thêm các loại hoa ăn được vào chế độ ăn uống của mình để tạo ra sự nổi bật về màu sắc và giá trị dinh dưỡng cho món ăn. Nhiều loại hoa có chứa chất chống oxy hóa, chống viêm mạnh có thể cải thiện sức khỏe của bạn. Các loại hoa ăn được đa phần có thể ăn trực tiếp, nấu hoặc chiên như một món ăn kèm. Bất kể trình độ nấu ăn của bạn ra sao, hãy cứ thử thêm một số loại hoa vào bữa ăn tiếp theo của bạn nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
NGUỒN THAM KHẢO: healthline.com