Lầm tưởng về căn bệnh rung nhĩ đang góp phần tạo ra hiểu lầm về cách khắc phục và điều trị tình trạng này. Để đối mặt hiệu quả với bệnh, việc định rõ những lầm tưởng này là rất quan trọng, giúp cải thiện nhận thức của mọi người về việc ngăn chặn bệnh và triển khai các biện pháp phòng tránh một cách khoa học.
1. Lầm tưởng 01: Mỗi người chỉ mắc một hoặc hai đợt rung nhĩ và không bị tái phát.
Một trong những lầm tưởng về căn bệnh rung nhĩ hàng đầu chính là rung nhĩ chỉ xuất hiện một hai lần và không tái phát. Sự thật cho thấy rung nhĩ là một căn bệnh thường xuyên tái phát, lặp đi lặp lại rất nhiều lần, cần phải điều trị suốt đời để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ và suy tim. Ban đầu, các cơn rung nhĩ có xu hướng rời rạc, không liên tục và có thể tự chấm dứt. Tình trạng này được gọi là rung nhĩ kịch phát.
Theo thời gian, các đợt rung nhĩ sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên và thời gian kéo dài lâu hơn. Có khoảng 30% các cơn rung nhĩ không gây ra các triệu chứng nguy hiểm nào, nhưng mọi người cần phải chú ý điều trị để ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Quá trình điều trị rung nhĩ sẽ bao gồm cả việc thay đổi lối sống hằng ngày, sử dụng thuốc để điều trị nội khoa, dùng các phương pháp phẫu thuật. Bệnh nhân nên tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.
2. Lầm tưởng 02: Chuyển nhịp tim có thể ngăn chặn rung nhĩ vĩnh viễn?
Chuyển nhịp bằng thuốc hoặc sốc điện có thể giúp cho nhịp tim quay trở lại bình thường, tuy nhiên không đảm bảo nhịp tim sẽ duy trì ở trạng thái bình thường trong thời gian lâu dài. Người bệnh được chuyển nhịp bằng thuốc hay sốc điện trở về nhịp bình thường vẫn có thể bị tái phát. Việc không theo dõi tái khám và điều trị có thể dẫn đến nguy cơ rung nhĩ tái phát gây cục máu đông trong buồng tim mà nếu không được phát hiện, cục máu đông di chuyển gây tắc động mạch ngoài tim gây hậu quả xấu đối với sức khỏe.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc thường được sử dụng kết hợp trong quá trình điều trị bệnh rung nhĩ, bao gồm: các loại thuốc kiểm soát nhịp tim (chẳng hạn như thuốc chẹn beta), thuốc chống loạn nhịp giúp duy trì nhịp tim bình thường, thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông và làm giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân đeo máy tạo nhịp tim để điều trị tình trạng nhịp tim chậm do sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh rung nhĩ. Tuy nhiên, máy tạo nhịp không có tác dụng chuyển nhịp và duy trì nhịp tim bình thường.
3. Lầm tưởng về căn bệnh rung nhĩ thứ 3: Thuốc không có tác dụng hoàn toàn
Trên thực tế, thuốc không có tác dụng chữa khỏi hoàn toàn bệnh rung nhĩ. Thuốc chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng và sự ảnh hưởng của rung nhĩ đến cơ thể bằng cách làm giảm tần suất và thời gian kéo dài của từng cơn.
Mọi người thường cho rằng việc giảm tần suất và thời gian kéo dài bệnh, tránh cho rung nhĩ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình một phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, điều trị nội khoa bằng thuốc có xu hướng giảm hiệu quả theo thời gian, khi đó, các phương pháp điều trị khác như cắt đốt bằng ống thông sẽ được đánh giá cao hơn.
4. Lầm tưởng 04: Nếu không thực hiện ngay từ đầu, cắt đốt bằng ống thông sẽ không còn hiệu quả?
Cắt đốt bằng ống thông sử dụng năng lượng từ tia laser, sóng vô tuyến hoặc năng lượng lạnh (rất lạnh) để phá huỷ các mô tim đang tạo nhịp bất thường và gây ra rung nhĩ. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân cần phải thực hiện phương pháp cắt đốt bằng ống thông nhiều lần mới có được kết quả như mong muốn.
Tỷ lệ thành công của lần cắt đốt bằng ống thông đầu tiên sẽ dao động từ 70 đến 80% và tăng lên 90% sau lần thứ hai hoặc thứ ba nếu bệnh nhân không có bệnh tim nguy hiểm khác. Đối với tình trạng rung nhĩ mãn tính hoặc bệnh nhân đang mắc phải các căn bệnh tim khác, các buồng trên của tim (tâm nhĩ) to hơn bình thường, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kết hợp giữa cắt đốt bằng ống thông và thủ thuật Maze.
5. Lầm tưởng về căn bệnh rung nhĩ thứ 5: Nếu quá trình phẫu thuật có hiệu quả, bệnh nhân có thể ngừng dùng thuốc chống đông máu
Quyết định tiếp tục hay ngừng thuốc chống đông không phụ thuộc vào sự thành công của các ca phẫu thuật điều trị rung nhĩ (thủ thuật Maze, cắt đốt bằng ống thông...) mà phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ đột quỵ ở từng bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân có tiền sử xuất huyết và không thể dùng thuốc làm loãng máu lâu dài, bác sĩ thực hiện thủ thuật làm tắc phần phụ nhĩ trái (nơi có xu hướng hình thành cục máu đông) bằng một thiết bị đặc biệt. Điều này có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ mà không cần dùng thuốc làm loãng máu lâu dài.
6. Lầm tưởng nghiêm trọng về căn bệnh rung nhĩ: Sau khi dùng thuốc điều trị và không còn triệu chứng rung nhĩ, bệnh nhân đã khỏi bệnh
Rung nhĩ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Dùng thuốc hoặc phẫu thuật chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng.
Thông thường, nếu dùng thuốc đang mang lại tác động tốt, bệnh nhân không cần thiết phải thực hiện các ca phẫu thuật cắt đốt bằng ống thông. Tuy nhiên, cắt đốt được xem là phương pháp tối ưu hàng đầu, an toàn với cả bệnh nhân đang ở độ tuổi 60 và 70.
Các cơn rung nhĩ có thể xuất hiện do tình trạng căng thẳng, hội chứng ngưng thở khi ngủ, khi uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine. Để giảm thiểu các triệu chứng của rung nhĩ và cải thiện sức khỏe tim mạch, mọi người có thể thực hiện các thói quen sống lành mạnh sau:
- Ngừng hút thuốc.
- Hạn chế uống rượu.
- Tập thể dục đúng cách.
- Hạn chế sử dụng caffeine.
- Đọc kỹ thành phần của thuốc để tránh những thuốc có chứa chất kích thích.
- Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
- Kiểm soát lượng đường trong máu.