Ăn lá sâm có tác dụng gì?

Ngày nay, khoa học đã chứng minh trong lá sâm có nhiều hoạt chất có giá trị, hỗ trợ hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý phổ biến như đái tháo đường, ung thư, táo bón... nếu được sử dụng đúng cách và hợp lý.

1. Đặc điểm của lá sâm

Cây lá sâm có tên khoa học là Tiliacora thuộc họ Menispermaceae. Thuộc cây bụi thấp, mọc leo, thân cây mảnh, nhãn. Mọc rải rác trong rừng, thường gặp ở vùng núi đá vôi với độ cao dưới 300 mét, cây cũng được trồng ở trong vườn để lấy lá. Lá sâm có kích thước thay đổi, khi hình trái xoan nhọn, khi hình tim ở gốc, mũi nhọn cứng ở đầu. Thường dài từ 4 - 13cm, rộng 2 - 6 cm, bề mặt lá dai và nhẵn, không xẻ thùy. Có 3 gân chính trên lá, gan con thành mạng, cuống lá mảng và ngắn.

Trong lá sâm có chứa nhiều dược liệu với hàm lượng cao như Flavonoid, Phenolic, các acid béo và Alkaloids...

Flavonoid và Phenolic là những chất chống oxy hóa cao. Có 3 loại acid béo có vai trò trong tăng cường chức năng P - Glycoprotein trong vài dòng tế bào đa kháng thuốc. Các Alkaloids từ lá sâm như Tiliacorinine, Tiliacorinine có hoạt tính kháng khuẩn và chống sốt rét.

2. Ăn lá sâm có tác dụng gì?

Những công dụng của lá sâm bao gồm:

Thanh nhiệt:

Làm thạch từ lá sâm là cách dùng đơn giản và phổ biến nhất từ lá sâm. Theo đông y, lá sâm có vị ngọt thanh, nhạt, tính mát, không độc. Làm thạch từ lá sâm giúp thanh nhiệt rất tốt, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Ngoài ra, có thể giã nhỏ lá sâm, hòa với nước và đường để làm nước ép uống hàng ngày.

Giúp hạ sốt:

Lá sâm có công dụng hạ sốt hiệu quả và nhanh chóng cho người già và trẻ nhỏ. Có thể dùng lá sâm để làm thạch hoặc giã nhỏ chắt lấy nước uống khi có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, nếu dùng lá sâm nhưng không giúp giảm sốt thì nên liên hệ với bác sĩ kịp thời.

Chống táo bón:

Lá sâm còn giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, chống táo bón hiệu quả. Tình trạng táo bón thường gặp do chế độ ăn thiếu chất xơ, phân ở đại tràng quá lâu ngày bị tái hấp thu nước nên đóng thành khuôn, khô cứng khó đi. Dùng lá sâm làm thạch có chứa nhiều nước giúp tăng thể tích dịch trong lòng ruột, làm cho phân mềm ra, dễ đi hơn, chữa táo bón.

Giảm cân:

Lá sâm là một thực phẩm giảm cân lý tưởng. Do khi dùng lá sâm để làm thạch thì lượng calo trong thạch rất thấp, nhiều khoáng chất vi lượng, lại chứa nhiều nước. Bên cạnh đó, đối với người mong muốn giảm cân, việc ăn nhiều thạch làm từ lá sâm sẽ chống tình trạng táo bón, giúp thanh lọc cơ thể nên có thể áp dụng để giảm cân nhanh chóng.

Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường:

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã nhận thấy tiềm năng của các hoạt chất có trong lá sâm giúp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả. Tác dụng hạ đường huyết được cho là do lá sâm giúp giảm sự phóng thích glucose từ gan. Các hoạt chất trong lá sâm còn có khả năng làm nhạy cảm insulin, kích thích insulin từ tuyến tụy.

Chống oxy hóa:

Lá sâm chứa các hoạt chất Phenolic được chứng minh là có khả năng oxy hóa mạnh.

Chống ung thư:

Lá sâm có khả năng ức chế tế bào ung thư phổi và ung thư buồng trứng do có chứa lượng Flavonoid khá cao. Đây là một chất chống oxy hóa cực mạnh giúp hỗ trợ và ngăn ngừa bệnh ung thư, cải thiện hệ miễn dịch, giúp hấp thu vitamin C và cân bằng oxy hóa trong cơ thể.

Hỗ trợ chữa bệnh tiểu khó:

Một số thầy thuốc Đông y cho rằng việc ăn lá sâm hoặc chắt lấy nước uống rất tốt cho hệ bài tiết, nhất là thận. Do đó, trước khi áp dụng thuốc kháng sinh để điều trị các tình trạng tiểu khó, tiểu buốt, nên dùng lá sâm để làm thạch ăn hàng ngày.

Chữa khó tiêu, đau bụng:

Khi gặp phải tình trạng khó tiêu, đau bụng hãy dùng lá sâm vò sạch và với một ít đường nấu lên thành thạch sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng này đáng kể.

Hỗ trợ điều trị cao huyết áp:

Tình trạng mỡ trong máu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lòng mạch bị thu hẹp, làm áp lực máu tăng cao gây ra bệnh lý cao huyết áp.

Theo Đông y, nhờ khả năng ngăn cản quá trình tích tự mỡ thừa ở thành mạch mà lá sâm có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp.

Trị bệnh gout:

Theo một số nghiên cứu cho thấy, tinh chất được chiết xuất từ lá sâm có khả năng ổn định nồng độ acid uric trong máu. Vì vậy, những ai mắc phải căn bệnh này nên dùng lá sâm để uống hoặc làm thạch ăn sẽ hỗ trợ rất tốt.

3. Một số lưu ý khi dùng lá sâm

  • Lá sâm có tác dụng thanh nhiệt, nhuận trường tốt khi sử dụng đúng cách và phù hợp. Không nên ăn thạch làm từ lá sâm hoặc uống nước lá sâm quá nhiều mỗi ngày sẽ làm đầy bụng, lạnh bụng, khó tiêu.
  • Làm thạch từ lá sâm khá dễ nên tự làm, vì mua ở ngoài thường không đảm bảo vệ sinh có thể gây ra một số tình trạng về đường tiêu hóa như viêm ruột, tiêu chảy...

Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về lá sâm cũng như tác dụng của nó. Hy vọng rằng mọi người sẽ biết cách sử dụng loại lá chứa nhiều dược liệu quý trong hỗ trợ điều trị một số bệnh phổ biến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe