Công dụng của cây đước

Cây đước là loài thực vật vô cùng quen thuộc hay được bắt gặp ở vùng rừng ngập mặn và được ví von như những “vệ sĩ bờ biển”. Tuy nhiên, ngoài tác dụng bảo vệ hệ sinh thái, cây đước còn là một loại dược liệu có công dụng chữa bệnh. Vậy công dụng của cây đước là gì?

1. Nhận biết cây đước

Cây đước trong dân gian còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Vẹt, Đước bợp, Đước xanh, Sú..., tên khoa học của cây đước là Rhizophora apiculata Blume, thuộc họ: Rhizophoraceae.

Thân cây đước to, cao 10 – 20m. Đước có rất nhiều rễ chống dài, trên rễ có lỗ bì, cành cây sần sùi vặn vẹo. Lá cây đước mọc đối, dáng lá có hình mác, dài khoảng 7 - 13cm, rộng khoảng 4 - 6cm, gốc hình nêm, đầu gần tròn hoặc tù. Gân chính của lá đước lõm xuống ở mặt trên và hằn rõ ở mặt dưới, có những chấm đen nhỏ, cuống lá đước khá mập và dài khoảng 1 – 3cm, lá kèm thường rụng sớm.

Cụm hoa đước mọc ở kẽ lá thành xim, phân nhánh nhiều, có lá bắc hình tam giác. Hoa đước màu vàng kèm theo 2 lá bắc con, dài, tràng có 4 phiến dày hình mác, có lông ở mép nhị 8 (gồm 4 cái trên đài, 4 cái trên tràng), bầu đước dạng nửa hạ 2 ô. Quả đước có hình dạng dài, hình trứng, đầu quả hơi kéo dài, quả đước vẫn còn tồn tại đài. Quả có màu nâu lục nhạt, chứa 1 hạt, thường vào mùa vào tháng 10 – 12 hàng năm.

Trong số các loài cây của chi Rhizophora L, có 3 loài ở Việt Nam và đều được xếp vào những cây gỗ quan trọng trong thảm thực vật rừng ngập mặn ven biển. Cây đước thuộc chi Rhizophora L, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây đước ở vùng bờ biển của các nước nhiệt đới như Trung Quốc (đảo Hải Nam), Đài Loan, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Philippin, Indonesia, Bắc Australia.... Tại Việt Nam, cây đước phân bố ở hầu hết các tỉnh dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và còn có mặt ở đảo Phú Quốc.

Cây đước thường mọc trên đất bùn nhão hoặc dạng đất mới được định hình ở các cửa sông, rất giàu phù sa do nước sông chuyển từ lục địa ra, mặt khác phù sa sẽ tiếp tục được lắng đọng nhờ có hệ thực vật ven biển. Cây đước muốn trụ vững trên nền đất bùn nhão, quanh năm bị ngập bởi thủy triều thì cần phát triển hệ thống rễ chống đặc biệt.

Cây đước sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, sau 2 năm tuổi thì bắt đầu có hoa quả lứa đầu và kết quả. Quả đước dạng hình trụ dài, khi già sẽ tự rụng cắm thẳng xuống lớp bùn rồi nhanh chóng mọc rễ và nảy mầm - đây là một hình thức thích nghi cao của cây đước để tồn tại và phát triển trong điều kiện ở đất bị ngập nước.

Đước và một số loài thực vật khác đã tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt gọi là hệ sinh thái rừng ngập mặn nhiệt đới, từ đó lớp bùn nhão ngày một được bồi đắp, nâng cao dần và mở rộng đất thêm ra phía biển. - quá trình này được coi là hình ảnh ban đầu của diễn thế nguyên sinh để tạo ra các thảm thực vật nhiệt đới bền vững mới trong tương lai. Bên cạnh đó rừng ngập mặn còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật như tôm, cua, cá, bò sát, chim và thú. Hiện nay việc bảo vệ và trồng rừng ngập mặn ở Việt Nam đang là một vấn đề cần được ưu tiên chú trọng lâu dài.


Hình ảnh cây đước với cụm hoa đước mọc ở kẽ lá thành xim
Hình ảnh cây đước với cụm hoa đước mọc ở kẽ lá thành xim

2. Thành phần hóa học của cây đước

Bộ phận dùng làm thuốc của cây đước gồm có rễ, vỏ thân cây và lá cây đước. Vỏ thân đước chứa lượng tanin ngưng tụ với hàm lượng dồi dào theo từng vị trí địa lý khác biệt như cây đước ở Ấn Độ có hàm lượng tanin ngưng tụ chiếm 25 – 35%, tại Tanganica là 36.5%, Malaysia là 30 – 40%, Philippin là 27.6% và ở Borneo là 20%. Theo đó, vỏ đước chứa tanin 8 – 40%, có nhiều pentosan và furfurol. Tro đước có chứa vôi 18%, Canxicacbonat 70% có thể dùng làm phân bón. Quả đước có thể ăn được hoặc dùng để điều chế rượu vang. Lá cây đước, quả chưa chín và quả đước chín chứa lượng tanin theo thứ tự 9%, 1 – 12% và 4.2%. Lá cây đước có chứa các alcol, acid béo, parafin. Rễ của cây đước có chứa các hợp chất phenol và các acid béo ở dạng ester. Vỏ thân cây đước cũng có các acid béo ở dạng ester là thành phần chính và các hợp chất có oxy.

3. Công dụng của cây đước

Theo các tài liệu dịch y văn nước ngoài, vỏ thân của cây đước có tác dụng gây se xoắn mạnh, trong khi đó dịch chiết từ rễ đước khi dùng thí nghiệm với các bào tử của nấm Penicillium lại cho tác dụng kháng nấm rất rõ rệt. Dịch chiết từ cây đước còn có tác dụng chống mối mọt hiệu quả nhờ hoạt chất 1.2 – dithiolan 1 – oxid.

Theo quan điểm y học cổ trường, dược liệu Đước có vị chát, công dụng hoạt huyết, thu liễm. Một số công dụng cụ thể của cây đước với mục đích chữa bệnh như sau:

Vỏ đước rất hiệu quả trong việc chữa tiêu chảy do chứa nhiều tanin, điều trị các vết thương chảy máu, trị tiểu tiện ra máu, viêm họng, băng huyết ở phụ nữ. Ở Ấn Độ, vỏ thân cây đước còn được dùng rất phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Ở Malaysia, nước sắc từ vỏ thân cây đước và lá cây đước thường được dùng cho phụ nữ sau sinh đẻ, nước sắc rễ đước còn dùng cho trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, chồi non của cây đước còn được sử dụng như một loại rau ăn, trong khi đó nước ép từ quả đước có thể dùng để điều chế rượu vang nhẹ.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loài dược liệu nào khác, người bệnh không được tự ý sử dụng cây đước cho mục đích chữa bệnh khi chưa trao đổi và được sự hướng dẫn kỹ càng từ thầy thuốc có chuyên môn. Việc tự ý dùng đước để điều trị không đúng cách có thể dẫn đến một số vấn đề không mong muốn phát sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe