Cây tiểu hồi có tác dụng gì?

Tiểu hồi hay còn được gọi với tên khác là tiểu hồi hương, tiểu hồi cần, hồi hương,... Đây là một loại thảo dược đa công năng vì có thể dùng làm gia vị hoặc dược liệu chữa bệnh. Vậy công dụng của tiêu hồi trong chữa bệnh là gì?

1. Tiểu hồi hương là gì?

Tiểu hồi hương là một loài cây thân thảo, sống lâu năm và thường cao từ 0.5 – 2 mét. Lá cây tiểu hồi thường mọc so le với nhau, phiến lá xẻ hình lông chim.

Hoa tiểu hồi mọc ở ngọn cành hoặc từ nách lá, có màu vàng lục. Quả cây tiểu hồi thuôn dài có hình trứng, quả non màu xanh lam và chuyển dần sang màu nâu sậm khi chín. Cây tiểu hồi thường ra hoa vào khoảng tháng 6 - 7 và mùa quả bắt đầu sai vào tháng 10 hàng năm.

Bộ phận được dùng làm thuốc là quả của cây tiểu hồi. Phần lá và rễ của cây cũng có thể được sử dụng để làm thuốc nhưng dược chất của chúng không cao bằng quả.


Tiểu hồi là một loại thảo dược đa công năng
Tiểu hồi là một loại thảo dược đa công năng

Thời điểm tốt nhất để thu hoạch tiểu hồi là khi quả vừa chín (quả bắt đầu ngả sang màu nâu sậm) vì đây là lúc quả chứa nhiều dược chất nhất. Sau khi hái về, quả được để ở nơi thoáng cho quả chín hẳn rồi cột lại thành bó. Sau đó, dùng chày để đập bỏ vỏ và thu lấy quả.

Theo nghiên cứu khoa học, trong tiểu hồi hương có chứa các thành phần hóa học như fenchone, camphene, anisic acid, cis-anethole, a-phellandrene, petroselinic acid, anethol, a-pinene, dipnetene, 7-hydroxycoumarin, anise aldehyde, estragole, p-cymene, stigmasterol,...

2. Vị thuốc tiểu hồi có tác dụng gì?

Theo Y Học Cổ Truyền, tiểu hồi có vị đắng cay, tính ôn, đi vào vào kinh Vị, Tỳ và Thận. Có tác dụng: Lý khí khai vị, noãn can, ôn thận, chỉ thống, tán hàn. Vị tiểu hồi chủ trị: Bụng sườn đau, sa tinh hoàn, buồn nôn và ăn ít, thận hư.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy tác dụng của tiểu hồi như sau:

  • Thành phần anethole trong tiểu hồi hương có tác dụng ức chế trực khuẩn lao trên súc vật thí nghiệm.
  • Tiểu hồi hương có tác dụng kích thích tại chỗ tương tự như bạc hà.
  • Tinh dầu của tiểu hồi hương có tác dụng tăng tiết dịch vị dạ dày, kích thích trung tiện và tăng nhu động ruột.
  • Ngoài ra tiểu hồi còn có tác dụng giảm co thắt ruột và giảm đau bụng.

Vị thuốc tiểu hồi hương có thể dùng ở dạng sắc, hoặc tán bột làm viên hoàn,... Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 3 – 8g tiểu hồi.

3. Một số bài thuốc điều trị từ vị thuốc tiểu hồi

  • Bài thuốc điều trị sán khí:

Bài số 1: Lệ chi hạch (sao đen) và tiểu hồi hương bằng lượng nhau, tán thành bột mịn, mỗi lần uống từ 4 – 6g cùng với rượu ấm.

Bài số 2: Dùng ô dược, rễ ý dĩ và đinh hương mỗi vị 50g, tiểu hồi 20g, lệ chi hạch và quất hạch mỗi vị 10g. Đem tán các vị trên thành bột mịn, sau đó luyện với mật làm thành hoàn nặng 3g. Mỗi lần uống từ 1/2– 1 hoàn, ngày sử uống 3 lần.

  • Bài thuốc điều trị bạch đới do hàn: Dùng can khương 6g và tiểu hồi 10g, sắc với nước đường đỏ và uống hết trong ngày.
  • Bài thuốc điều trị sốt rét ác tính: Dùng hạt tiểu hồi hương tươi, giã nát và vắt lấy nước cốt uống hoặc sắc uống.
  • Bài thuốc chữa chứng chậm kinh (máu kinh màu đỏ nhạt, lượng máu ít, đại tiện lỏng, bụng dưới đau âm ỉ và mỏi lưng): Sử dụng ba kích 12g, tiểu hồi 6g, ngải diệp 10g, quế chi 10g, bạch thược 10g, đương quy 15g, hoàng kỳ 30g, ngưu tất 10g, kỷ tử 15g, gừng nướng 6g, xuyên khung 8g, thục địa 10g. Sắc thang thuốc trên với 1 lít nước, còn lại 600ml chia uống 3 lần trong ngày. Sử dụng bài thuốc này trong 10 – 15 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh.

Vị thuốc tiểu hồi hương có thể dùng ở dạng sắc, hoặc tán bột làm viên hoàn.
Vị thuốc tiểu hồi hương có thể dùng ở dạng sắc, hoặc tán bột làm viên hoàn.

  • Bài thuốc trị âm nang tích thủy: Dùng tiểu hồi 10g và muối ăn 3g, đem sao vàng rồi tán thành bột mịn. Ăn cùng với chả trứng vịt và uống rượu gạo, bạn nên dùng buổi tối. Ăn như vậy trong 4 ngày liên tục là được 1 liệu trình, sau đó nghỉ 2 ngày và thực hiện liệu trình tiếp theo.
  • Bài thuốc chữa đau bụng do thận hư suy: Sử dụng bầu dục lợn 1 cái và bột tiểu hồi 4g. Cho bột tiểu hồi vào trong bầu dục lớn và nướng chín, mỗi ngày ăn 1 cái, liên tục trong 7 ngày.
  • Bài thuốc chữa đau xóc dưới sườn: Dùng 40g tiểu hồi sao vàng và 20g chỉ xác sao, đem tán các vị này thành bột mịn, mỗi lần uống 8g cùng với rượu hòa thêm muối, ngày uống 2 lần.
  • Bài thuốc giúp bổ thận tráng dương: Dùng cật dê 2 quả, đậu đen 10g, đỗ trọng 15g và tiểu hồi hương 8g. Rửa sạch cật dê và cắt thành từng miếng nhỏ. Các vị còn lại đem rửa sạch, cho vào túi vải và cho vào nồi nấu chung với cật dê nếu từ 40 – 60 phút, sau đó nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng.
  • Bài thuốc điều trị tinh hoàn sa đau

Bài số 1: Dùng tiểu hồi hương 6g, lệ chi hạch 2g, mộc qua 8g, phá cố chỉ 6g, tỳ giải 20g, mộc hương 2g, ngô thù du 3g, sa nhân 2g, sắc với 1 chén rượu và uống khi còn ấm.

Bài số 2: Dùng tiểu hồi hương 4g, mộc hương 6g, xuyên luyện tử 12g và ngô thù 6g, sắc uống hằng ngày.

  • Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị thoát vị bẹn: Dùng tiểu hồi hương 20g, lệ chi hạch, quýt hạch mỗi thứ 10g, dĩ nhân căn 50g, đinh hương và ô dược mỗi thứ 5g. Đem tán các vị thành bột, sau đó trộn đều với mật làm thành hoàn nặng khoảng 3g. Mỗi lần uống từ 1/2 – 1 hoàn, ngày uống 3 lần.
  • Bài thuốc điều trị chướng bụng đầy hơi, kém ăn và nôn ọe: Sinh khương 20g và tiểu hồi 6g. Các vị này đem sao vàng, sau đó tán thành bột và làm hoàn, chia uống 2 lần với nước...

Tiểu hồi hương có thể dùng làm gia vị hoặc dược liệu chữa bệnh.
Tiểu hồi hương có thể dùng làm gia vị hoặc dược liệu chữa bệnh.

4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc tiểu hồi hương

  • Không dùng tiểu hồi cho người bị âm hư hỏa vượng và có chứng nhiệt.
  • Tránh nhầm lẫn tiểu hồi hương với quả hồi có độc.
  • Vị thuốc tiểu hồi hương có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai chứa estrogen. Vì vậy nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen mà cần sử dụng tiểu hồi thì nên bổ sung các biện pháp ngừa thai khác như bao cao su.
  • Sử dụng tiểu hồi có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc có estrogen như Estradiol, Ethinyl estradiol...

Tiểu hồi an toàn cho hầu hết người lớn khi uống với lượng thường thấy trong thực phẩm. Tiểu hồi cần có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người bị dị ứng với các loại cây khác tương tự như cây tiểu hồi, bao gồm măng tây, cần tây, rau mùi, thì là. Do đó, cần thận trọng sử dụng Tiểu hồi cần nếu bạn dị ứng với một trong các loại thực phẩm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe