Cây thòng bong có vị ngọt, tính lạnh, thường được sắc làm thuốc chữa trị các bệnh liên quan đến tiểu tiện, đại tiện táo bón, chữa trị các vết thương phần mềm. Thậm chí có người còn dùng làm thuốc lợi sữa cho các sản phụ mới sinh.
1. Giới thiệu về cây thòng bong
Cây thòng bong (Lygodium flexuosum Sw) còn có các tên gọi khác là: bòng bong, dương vong, cây leo cỏ đuôi chồn, thạch vĩ dây, hải kim sa... Đây là loài cây mọc hoang ở nhiều nơi, chủ yếu ở bụi rậm, bờ rào... Khi làm thuốc chỉ cần cắt toàn cây dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
2. Cây thòng bong chữa bệnh gì?
Tác dụng của cây thòng bong đã được đề cập nhiều trong Đông Y, trong đó nổi bật các đặc tính sau:
- Trị ăn uống khó tiêu, chướng bụng do thấp trệ: 30g thòng bong, 8g bạch truật, 2g cam thảo sắc thành nước uống mỗi ngày 1 thang;
- Trị phù thũng toàn thân, chướng bụng, khó thở: 15g cây bòng bong, 30g hạt bìm bìm (một nửa để sống, một nửa sao chín), 15g cam toại rồi nghiền tất cả thành bột mịn. Mỗi lần dùng 8g bột sắc với 1 bát nước, uống thuốc vào trước bữa ăn hàng ngày.
- Điều trị viêm gan: 15g cây thòng bong, 30g nhân trần, 20g mã đề để sắc nước uống mỗi ngày một thang.
- Đi ngoài ra máu: Sắc kỹ 60-90g dây và lá bòng bong với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày;
- Trị tiêu chảy: Dùng thòng bong cả cây sắc làm nước uống;
- Trị di tinh, mộng tinh: Đốt tồn tính dây thòng bong, sau đó nghiền mịn, mỗi lần dùng 4-5g bột hòa với nước sôi uống;
- Trị tiểu tiện lẫn sỏi sạn: 30g cây thòng bong, 30g hoạt thạch, 30g rễ cỏ tranh, 60g kim tiền thảo, 12g xa tiền thảo (cỏ mã đề) sắc kỹ với nước, chia làm 3 phần uống trong ngày.
- Trị tiểu ra máu: Tán cây thòng bong khô thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g hòa với nước đường để uống;
- Điều chế trà lợi tiểu: Áp dụng cho các trường hợp đi tiểu khó khăn. Chuẩn bị 60-90g cây thòng bong sắc với nước, hòa với chút đường uống thay trà trong ngày;
- Trị viêm tuyến vú: 25-30g thòng bong, sắc kỹ với nửa phần nước, nửa phần rượu rồi chia làm 3 phần uống trong ngày;
- Phụ nữ ra nhiều bạch đới (đới hạ): Cắt 1 lạng dây thòng bong thành những đoạn nhỏ, hầm kỹ với thịt lợn nạc sau đó bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước canh;
- Trị bỏng lửa: Đốt tồn tính cây bòng bong, nghiền thành bột mịn rồi trộn với dầu vừng bôi vào vị trí bị bỏng;
- Trị mụn rộp loang vòng: Giã nát dây và lá bòng bong, đắp vào vị trí bị bệnh ngày 2 lần;
- Bị ong vàng đốt: Giã nát lá thòng bong đắp vào vị trí bị thương;
- Chữa vết thương phần mềm: 40g lá trầu không tươi, 20g phèn phi, 2 lít nước. Nấu lá trầu với 2 lít nước, sau đó để nguội gạn lấy nước trong. Cho phèn phi vào đánh cho tan, sau đó đem lọc để rửa sạch vết thương. Sau đó giã nhỏ lá mỏ quạ tươi (bỏ cọng) đắp lên vết thương để băng bó. Nếu vết thương xuyên thủng thì đắp cả 2 bên bề mặt hở, mỗi ngày rửa và thay băng 1 lần. Sau 3-5 ngày đỡ hơn thì 2 ngày thay băng 1 lần. Nếu vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt thì thay công thức thuốc đắp thì dùng lượng ngang nhau lá mỏ quả tươi và lá thòng bong, giã nát đắp vào vết thương. Mỗi ngày rửa và thay băng 1 lần, 3-4 ngày sau lại thay đơn thuốc lần nữa: dùng lượng bằng nhau lá mỏ quả tươi, lá thòng bong tươi và lá cây hàn the, giã nát và đắp lên vết thương nhưng đợi 2-3 ngày mới thay băng 1 lần.
Lưu ý: Mặc dù công dụng của cây thòng bong rất đa dạng và có tính ứng dụng cao, nhưng riêng những người bị hư hàn tỳ vị, thận dương hư, đi tiểu nhiều thì không nên dùng loại cây này.
Nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng cây thòng bong, bệnh nhân nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn liều và cách dùng phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.